Gốm Bàu Trúc giữ hồn Chăm

Nghệ nhân làm gốm Bàu Trúc tại Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Chăm lần thứ V. Ảnh: THIÊN LÝ

Tại Ngày hội VH-TT-DL đồng bào Chăm lần thứ V được tổ chức tại Quảng trường 1 Tháng 4 (TP Tuy Hòa) vừa qua, người dân Phú Yên và du khách có dịp được chứng kiến cách làm gốm Bàu Trúc nổi tiếng từ những nghệ nhân lành nghề ở huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận.

Sau khi dạo một vòng quanh các gian trưng bày, chúng tôi ghé vào nơi trưng bày gốm của gia đình anh Vạn Quan Phú Đoan. Những chiếc chum nước, lọ hoa, bình trang trí xinh xắn… làm từ đất sét được các nghệ nhân bày biện đẹp mắt.

Nghề… mẹ truyền con nối

Dù đang bận việc nhưng khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về làng nghề Bàu Trúc, anh Đoan hồ hởi tiếp chuyện. “Làng gốm Bàu Trúc nằm ven quốc lộ 1, thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, cách TP Phan Rang - Tháp Chàm khoảng 10km về hướng nam. Bàu Trúc được công nhận là làng gốm cổ xưa tiêu biểu không chỉ ở Việt Nam mà ở khu vực Đông Nam Á”, anh Đoan giới thiệu về làng nghề của mình rồi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện dân gian. Rằng, vì thương dân làng Bàu Trúc nghèo khổ, cuộc sống lầm than nên ông Pô Klong Chan, một cận thần của vua Pô Klong Garai (năm 1151-1205) đã đưa họ đến cánh đồng Hamu Trok định cư và dạy dân đào đất sét làm gốm. Để tỏ lòng biết ơn Pô Klong Chan, người dân Bàu Trúc tôn ông làm tổ nghề và lập đền thờ. Dân làng thường tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê hàng năm (khoảng cuối tháng 9-10 dương lịch).

Làng gốm Bàu Trúc là một trong ba làng nghề truyền thống của người Chăm ở Ninh Thuận cùng với hai làng dệt: Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ. Trong đó, làng gốm Bàu Trúc và làng dệt Mỹ Nghiệp nằm trong chương trình bảo tồn, phát triển làng nghề và nghề truyền thống của người Chăm, cũng là điểm khai thác du lịch văn hóa. Được sự đồng thuận của Bộ VH-TT-DL, UBND tỉnh Ninh Thuận đã xây dựng hồ sơ quốc gia “Nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm”, đề nghị UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp.

“Tuy nhiên, ông Pô Klong Chan chỉ dạy nghề gốm cho phụ nữ. Bởi lẽ, người phụ nữ Chăm từ lúc sinh ra đã được thần linh ưu ái ban tặng đôi bàn tay khéo léo và óc thẩm mỹ tinh tế. Vì vậy, những công đoạn quan trọng nhất, quyết định giá trị của một sản phẩm gốm từ tạo dáng, trang trí hoa văn... đều do người phụ nữ trực tiếp thực hiện. Còn đàn ông chỉ được tham gia những công đoạn nặng nhọc như đào đất, phơi đất, ngâm đất, nhồi đất, nung gốm… Điều này lý giải vì sao nghề gốm truyền thống Bàu Trúc trước đây chỉ dành riêng cho phái nữ”, anh Đoan cho biết thêm.

Vì quan niệm ấy, ngay từ khi còn nhỏ, những cô gái Chăm đã theo mẹ học nghề gốm. “Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống làm gốm nên tôi đã được làm quen với những miếng đất sét, cái chum, chiếc vại... từ khi còn nhỏ. Từ đó, niềm yêu thích đối với nghề gốm bắt đầu nhen nhóm trong tôi. Những ngày đầu, mẹ cho tôi quan sát từng công đoạn làm gốm, rồi tôi giúp mẹ những công việc lặt vặt như: tưới nước, lấy đất, bưng bê và dọn dẹp... Sau một thời gian, tôi được tham gia một số công đoạn nhỏ. Nhờ sự chỉ dạy tận tình của mẹ, tay nghề của tôi ngày càng được nâng cao. Cứ thế, tôi đã gắn bó với nghề gốm cho đến nay”, chị Phú Thị Xinh, vợ anh Đoan chia sẻ.

Kỹ thuật nguyên sơ

Theo chị Xinh, không phải ai cũng làm được sản phẩm gốm Bàu Trúc, bởi ngoài nắm vững kỹ thuật căn bản của nghề, người làm gốm phải có con mắt nghệ thuật. Nghệ nhân Đàng Thị Bông, mẹ chị Xinh, người đã có gần nửa thế kỷ gắn bó với nghề gốm, thổ lộ: “Từ công đoạn lấy đất đến khi hoàn thành sản phẩm đều bằng thủ công. Vì vậy, để có một tác phẩm gốm mỹ thuật đòi hỏi người thợ phải hết sức kiên trì, chịu khó, phải có đôi tay khéo léo và đôi mắt tinh tường”.

Trước tiên là phải lấy đất sét từ sông Quao đưa về nhà, sau đó rưới nước cho thấm đều, ủ một ngày rồi đưa lên trộn đều với cát, dùng chân đạp cho nhuyễn rồi dùng tay nhào đến khi nào thấy dẻo quẹo thì bắt đầu nặn gốm. Công đoạn khó nhất là tạo hình gốm. Nét độc đáo của gốm Bàu Trúc là không làm bằng bàn xoay mà sản phẩm sẽ đứng yên còn người thợ phải xoay quanh sản phẩm. Những chiếc bình hoa, lu nước, nồi đất, thạp đựng gạo... sẽ dần định hình rõ nét sau mỗi lần xoay vòng. Sau khi tạo dáng xong, người thợ sẽ dùng khăn thấm nước tạo bề mặt nhẵn, rồi bắt đầu trang trí hoa văn. Các hoa văn trang trí khá đơn giản với những họa tiết được vẽ bằng tay như: hình sóng nước, hình răng cưa, hình những con thuyền, bông hoa hoặc bằng những vỏ sò, con ốc... Đặc biệt, gốm Bàu Trúc không dùng men, màu công nghiệp mà chỉ dùng lá cây để tẩm màu. Đến cả công đoạn nung gốm cũng có một không hai khi người Chăm nơi đây sử dụng cách nung lộ thiên. “Sau khi nặn xong, sản phẩm được đem phơi khô ngoài nắng tầm mươi, mười lăm ngày, sau đó đem chúng xếp theo thứ tự từ lớn đến nhỏ, từ dưới lên trên, rồi lấy rơm rạ phủ dày và đốt đến khi gốm chín. Một lần nung như thế kéo dài khoảng 5-6 tiếng”, bà Bông nói.

Chị Trần Nhật Linh ở xã An Mỹ, huyện Tuy An tâm đắc: “Thật thú vị khi tận mắt chứng kiến những nghệ nhân Chăm của làng gốm Bàu Trúc tự tay làm ra những sản phẩm rất độc đáo bằng bàn tay và con mắt nghệ thuật của mình. Ở Phú Yên có gốm Quảng Đức (xã An Thạch, huyện Tuy An) cũng nổi tiếng không kém gốm Bàu Trúc. Tiếc rằng, người dân địa phương không giữ được nghề…

NSND Đặng Hùng đánh giá: “Làng gốm Bàu Trúc đã góp phần phản ánh rõ nét lịch sử hình thành và phát triển của nền văn hóa Chăm Ninh Thuận; đồng thời cho thấy trí tuệ và sự khéo léo của đôi bàn tay đồng bào nghệ nhân Chăm trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghề gốm cổ xưa này. Tôi tin rằng, các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc không chỉ mang đến cho các dân tộc anh em trong nước mà còn cho bạn bè quốc tế cơ hội chiêm ngưỡng những tinh hoa văn hóa của người Chăm; từ đó biến chúng trở thành sản phẩm du lịch độc đáo thu hút du khách”.

THIÊN LÝ

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/93/228632/gom-bau-truc-giu-hon-cham.html