Gốm biết hát và hành trình đưa âm nhạc bản địa ra thế giới

Lần đầu tiên tại Việt Nam, gốm - chất liệu gắn bó với đời sống người Việt trở thành trung tâm của một chương trình âm nhạc công phu, sáng tạo. 'GOm Show', dự án của nhóm nghệ sĩ 'Đàn Đó', là một hành trình nghệ thuật đậm bản sắc khi âm thanh bản địa được đánh thức từ chum, niêu, đất, tre… đầy mê hoặc và mới lạ.

Âm thanh thức dậy từ gốm và ký ức Việt

“GOm Show” không phải một buổi trình diễn thông thường mà là hành trình âm thanh được kiến tạo từ bàn tay sáng tạo và tâm hồn yêu văn hóa Việt. Dự án do nhóm “Đàn Đó” khởi xướng, một tập thể nghệ sĩ độc lập thành lập năm 2011 tại Hà Nội, gồm Đinh Anh Tuấn, Nguyễn Đức Minh, Nguyễn Quang Sự và Trần Kim Ngọc, những người từng gắn bó trong dự án nghệ thuật “Xiếc làng tôi” lưu diễn khắp châu Âu.

Đánh thức những âm thanh từ gốm.

Đánh thức những âm thanh từ gốm.

Với “GOm Show”, họ mang đến một không gian biểu diễn đặc biệt: Các nhạc cụ được chế tác từ chum, niêu, đất nung, tre, nước, săm xe… được biến hóa thành trống, đàn, chiêng, chuông - mỗi nhạc cụ là một bản thể riêng. Trống chum tạo âm bass trầm từ chum sành và săm xe máy; trống lãng như tiếng vọng lòng đất; chuông sành, gốm xoay, đàn niêu… cùng hòa vào dòng chảy dân gian đương đại.

Những tiết mục như “Quay về”, “Thời đó”, “Tìm Hani”… dẫn dắt khán giả chu du qua không gian văn hóa bản địa Tây Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ - nơi những tiếng nói của người Ê Đê, Hà Nhì, Lô Lô… vang lên bằng âm nhạc. Không gian ấy vừa gần gũi, vừa khác lạ, khiến người xem được “sống lại” trong ký ức tập thể dân tộc.

Không gian trình diễn, nơi các nghệ sĩ thăng hoa với gốm.

Không gian trình diễn, nơi các nghệ sĩ thăng hoa với gốm.

Khán giả Tạ Thị Thu Hằng (Hà Nội) chia sẻ: “Đây là một chương trình đậm chất truyền thống bản địa đã giúp tôi có nhiều trải nghiệm thú vị về các loại nhạc cụ dân tộc cũng như tìm hiểu thêm về văn hóa vùng miền. GOm Show và Đàn Đó xứng đáng là hành trình đáng yêu để khám phá Việt Nam bằng âm nhạc”.

Khán giả Tiến Lâm không giấu nổi xúc động: “GOm cho tôi cảm giác như đang được ngồi mái hiên nhà mình vào một đêm trăng sáng, nghe tiếng dế kêu, gió thổi, sóng gợn ngoài ao. Âm nhạc từ gốm không chỉ tái hiện cuộc sống rất thường nhật mà còn có thể minh họa cho cả truyện cổ tích Việt”.

Trải nghiệm nghệ thuật mang đậm màu sắc truyền thống bản địa.

Trải nghiệm nghệ thuật mang đậm màu sắc truyền thống bản địa.

Một khán giả khác đến từ Hà Nội bày tỏ sự trân trọng: “Có ba điều khiến tôi thực sự ấn tượng với GOm. Trước hết là sự sáng tạo, chưa bao giờ tôi nghĩ người ta có thể tạo ra những nhạc cụ thanh lịch đến vậy từ chum, niêu, săm xe, tre… Thứ hai là tinh thần dấn thân của các nghệ sĩ trẻ, những người chấp nhận bước đi trên con đường âm nhạc đầy chông gai, học lại từ đầu cách chơi những nhạc cụ chưa từng có, vừa sáng tạo vừa cải tiến. Và điều thứ ba là tinh thần dân tộc đậm đà, khiến tôi như được sống lại với ký ức quê hương và văn hóa dân gian Việt”.

Khát vọng từ chất liệu dân gian đến sân khấu toàn cầu

Bên cạnh ý tưởng độc đáo, “GOm Show” còn ghi dấu một khát vọng lớn, đưa âm nhạc bản địa Việt Nam vươn ra thế giới bằng ngôn ngữ sáng tạo và phương pháp trình diễn đương đại. “Chúng tôi đang xây dựng một hệ sinh thái âm nhạc bản địa - nơi văn hóa Việt không bị cô lập trong bảo tàng hay lễ hội, mà sống động, đổi mới và có sức lan tỏa quốc tế”, nghệ sĩ Đinh Anh Tuấn nói.

Gốm, ngôn ngữ sáng tạo và phương pháp trình diễn đương đại.

Gốm, ngôn ngữ sáng tạo và phương pháp trình diễn đương đại.

Với tinh thần ấy, “GOm Show” là kết tinh của 10 năm nghiên cứu, 1 năm thai nghén dự án và hàng trăm giờ thử nghiệm nhạc cụ. Mỗi tiết mục không có khuôn mẫu cố định, nghệ sĩ vừa diễn, vừa sáng tạo, vừa lắng nghe bạn diễn để giữ được sự hài hòa và ngẫu hứng.

Nghệ sĩ trẻ Dương Mến chia sẻ: “Tôi từng quen với việc chơi theo bản nhạc cố định, nhưng với GOm, tôi phải lắng nghe người khác, nương nhau để tạo ra những lớp âm thanh mới. Cảm giác được đóng góp vào một dự án mang đậm bản sắc là điều rất đáng tự hào”.

Chương trình quy tụ 10 nghệ sĩ từ nhiều vùng miền, thuộc nhiều lứa tuổi - một sự giao thoa thế hệ trong nghệ thuật. Họ mang tiếng đàn riêng, nhưng cùng chung một niềm tin: Âm nhạc dân tộc hoàn toàn có thể trở thành tiếng nói toàn cầu. Tên gọi “GOm” có thể là “gốm” - chất liệu trung tâm của chương trình nhưng cũng có thể hiểu là “gom góp” các yếu tố bản địa để tạo nên một ngôn ngữ nghệ thuật mới, lạ, sâu sắc. GOm Show không cố gắng hiện đại hóa văn hóa dân gian, mà cho thấy bản thân truyền thống đã đủ sức hấp dẫn nếu được kể lại bằng một hình thức mới.

Những người nghệ sĩ với mong muốn tạo ra không gian trải nghiệm âm thanh gắn liền với văn hóa Việt nhưng có tầm vóc quốc tế.

Những người nghệ sĩ với mong muốn tạo ra không gian trải nghiệm âm thanh gắn liền với văn hóa Việt nhưng có tầm vóc quốc tế.

Không dừng lại ở trình diễn, GOm Show là bước đi chiến lược trong hành trình đưa âm nhạc bản địa Việt Nam ra thế giới. Theo ông Tuấn Anh, đại diện nhóm “Đàn Đó”, khát vọng của họ là kiến tạo một hệ sinh thái âm nhạc bản địa, nơi những giá trị văn hóa truyền thống không bị đóng khung trong bảo tàng hay lễ hội, mà sống động, hiện đại và có sức lan tỏa.

“Chúng tôi sẽ dần đưa các sản phẩm và chương trình nghệ thuật ra thị trường toàn cầu, xuất khẩu văn hóa bản địa. Chúng tôi muốn tạo ra không gian trải nghiệm âm thanh gắn liền với văn hóa Việt nhưng có tầm vóc quốc tế”, ông Tuấn Anh nhấn mạnh.

Các nhạc cụ được chế tác từ chum, niêu, đất nung, tre, nước, săm xe…

Các nhạc cụ được chế tác từ chum, niêu, đất nung, tre, nước, săm xe…

Một trong những thành tựu nổi bật của nhóm chính là việc sáng tạo nên bộ nhạc cụ đặc trưng “Đàn Đó” gồm các nhạc cụ làm từ tre, đất, nước. Với bộ nhạc cụ này, nhóm đã tham gia nhiều dự án nghệ thuật có tiếng vang như SEA Sound - Dàn nhạc bản địa Đông Nam Á, các buổi trình diễn như “Lời của Tre”, “Chém gió Concert”, “Xuyên không”… được đông đảo khán giả trong và ngoài nước đón nhận.

Từ chất liệu mộc mạc, nhóm “Đàn Đó” đã mở ra một hướng đi mới cho âm nhạc Việt, nơi những thanh âm tưởng như chỉ còn trong ký ức được đánh thức bằng sự dấn thân, tinh thần sáng tạo và lòng yêu văn hóa. GOm Show sau các đêm diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội sẽ tiếp tục hành trình chinh phục khán giả tại TP Hồ Chí Minh, mang theo khát vọng ấy đến với nhiều công chúng hơn nữa.

Ảnh: GOm Show - Bài: Hương Trần/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/giai-tri-sao/gom-biet-hat-va-hanh-trinh-dua-am-nhac-ban-dia-ra-the-gioi-20250701172558942.htm