Góp phần phòng ngừa, ứng phó với nạn bạo hành gia đình

Mô hình thí điểm “Địa chỉ tin cậy - ngôi nhà tạm lánh tại cộng đồng” tại Trạm Y tế xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa). Ảnh: KIM CHI

Thời gian qua, Sở LĐ-TB-XH triển khai thí điểm xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng” tại 9 huyện, thị xã, thành phố nhằm giảm tối đa tác hại của bạo lực trên cơ sở giới (BLTCSG) ngay từ cộng đồng.

Với kinh phí hỗ trợ 20 triệu đồng/mô hình, “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng” cung cấp dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp cho nạn nhân BLTCSG bao gồm: tạm lánh, chăm sóc y tế, tư vấn/tham vấn tâm lý, tư vấn pháp luật cơ bản, hỗ trợ chuyển tuyến, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương và các quy định của pháp luật. Đồng thời từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với BLTCSG ở cộng đồng, đáp ứng nhu cầu của người dân, đặc biệt là phụ nữ và con của họ.

Tăng cường hiệu quả công tác phối hợp

Bà Phạm Thị Minh Hiền, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH, cho biết: Mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng” được triển khai nhằm tăng cường hiệu quả công tác phối hợp giữa các cơ quan liên quan trong hỗ trợ nạn nhân, từng bước nâng cao chất lượng dịch vụ phòng ngừa và ứng phó với BLTCSG tại cộng đồng. Qua đó nâng cao chất lượng trợ giúp xã hội theo hướng phát triển mạng lưới cơ sở, đa dạng hóa mô hình trợ giúp phù hợp với điều kiện trên địa bàn; hình thành đội ngũ cộng tác viên làm công tác bình đẳng giới tại cơ sở.

Mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng” hiện đã được triển khai tại 9 địa điểm gồm: Trạm Y tế phường Hòa Xuân Tây (TX Đông Hòa), Trạm Y tế xã Xuân Bình (TX Sông Cầu), Trạm Y tế xã Hòa Tân Tây (huyện Tây Hòa), Trạm Y tế xã Hòa Quang Nam (huyện Phú Hòa), Trạm Y tế xã Suối Bạc (huyện Sơn Hòa), Trạm Y tế xã Bình Ngọc (TP Tuy Hòa), phòng làm việc chưa sử dụng của UBND xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân), phòng làm việc chưa sử dụng của UBND xã Đức Bình Tây (huyện Sông Hinh), phòng làm việc chưa sử dụng của Công an xã An Ninh Tây (huyện Tuy An). Hầu hết các “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng” đều được đặt tại địa điểm đảm bảo an toàn cho đối tượng yếu thế trong thời gian tạm lánh; thuận tiện về giao thông; có đầy đủ phương tiện, trang bị cho người tạm lánh, như: giường ngủ, tủ, bếp... đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, có điện, nước sạch phục vụ cho sinh hoạt. Qua đó khẳng định, nạn nhân của bạo lực gia đình có quyền được bảo vệ một cách an toàn, được tiếp nhận giúp đỡ khi bị bạo hành.

Ông Nguyễn Văn Khương, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 (huyện Đồng Xuân) cho biết: “UBND xã đã trang bị đầy đủ phương tiện, tiện nghi để triển khai xây dựng mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng”. Đồng thời phối hợp với Hội LHPN xã, cán bộ, công an trực tư vấn, tuyên truyền rộng rãi cho bà con hiểu về mô hình này.

Tín hiệu đáng mừng

Tuy mới triển khai mô hình “Địa chỉ tin cậy - nhà tạm lánh tại cộng đồng” hơn một tháng, nhưng bước đầu cho thấy mô hình này có tác dụng. Tại 9 xã ở 9 huyện, thị xã, thành phố đã triển khai, không nhận được thông tin vụ bạo hành nào, không có trường hợp trẻ em bị cha mẹ đánh đập, hành hạ. Đây là tín hiệu đáng mừng.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Quang 2 Nguyễn Văn Khương, các ông chồng có xu hướng bạo lực, bạo hành gia đình khi biết có mô hình nhà tạm lánh đã giảm bớt xu hướng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” với vợ con họ. Còn chị Bùi Thị Nhung ở thôn Phước Huệ, xã Xuân Quang 2, chia sẻ: “Từ khi có “nhà tạm lánh” ở xã, Hội Phụ nữ tăng cường tuyên truyền vận động về thực hiện bình đẳng giới, chồng tôi cũng bớt nổi nóng vô cớ. Vì nếu xảy ra bạo hành thì chúng tôi đã có chỗ tránh trú tạm, rồi có cán bộ công an, phụ nữ hỗ trợ xử lý bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật”.

Ông Lê Trung Kiên, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Bảo vệ, chăm sóc trẻ em - Bình đẳng giới (Sở LĐ-TB-XH), cho biết: Thời gian tới, hoạt động chính của mô hình là tiếp nhận, bố trí nơi tạm lánh khẩn cấp nhằm cách ly và bảo vệ an toàn cho nạn nhân/người có nguy cơ bị bạo lực và con của họ khỏi đối tượng gây bạo lực/người có nguy cơ gây bạo lực. Tư vấn ổn định tâm lý cho nạn nhân (và con của họ trong trường hợp cần thiết); tư vấn, có biện pháp can thiệp đối với đối tượng gây bạo lực và kịp thời thông báo cho cơ quan chức năng để có biện pháp xử lý. Hỗ trợ nạn nhân trở về gia đình sau thời gian tạm lánh khi đã đảm bảo đủ an toàn và tiếp tục theo dõi, hỗ trợ nạn nhân tối thiểu trong thời gian 6 tháng để đảm bảo bạo lực không tái diễn. Đồng thời tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về phòng ngừa và ứng phó với BLTCSG; kết nối với các cơ sở cung cấp dịch vụ hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực nhằm giúp nạn nhân nhanh chóng tiếp cận, sử dụng các dịch vụ tư vấn/tham vấn tâm lý, trợ giúp pháp lý và các dịch vụ liên quan khác.

Từ khi có “nhà tạm lánh” ở xã, Hội Phụ nữ tăng cường tuyên truyền vận động về thực hiện bình đẳng giới, chồng tôi cũng bớt nổi nóng vô cớ. Vì nếu xảy ra bạo hành thì chúng tôi có chỗ tránh trú tạm, rồi có cán bộ công an, phụ nữ hỗ trợ xử lý bằng các biện pháp theo quy định của pháp luật.

Chị Bùi Thị Nhung (xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân)

KIM CHI

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/141/245476/gop-phan-phong-ngua-ung-pho-voi-nan-bao-hanh-gia-dinh.html