Góp ý Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (sửa đổi):Giữ hay bỏ Hội đồng trường của các trường đại học thành viên trong các đại học?

Sau 7 năm, Luật GDĐH/Luật số 34/2018/QH14 đang được sửa đổi lần 2 với một số nội dung mới, trong đó, vấn đề đang được dư luận quan tâm là: không quy định về trách nhiệm, quyền hạn của Hội đồng trường và không tổ chức Hội đồng trường trong các trường thành viên của các đại học lớn. Điều gì sẽ xảy ra nếu dự thảo được ban hành?

Sơ lược về thiết chế Hội đồng trường theo Luật số 34/2018/QH14

Chế định Hội đồng trường (HĐT) lần đầu tiên được quy định tại Quyết định số 153/2003/QĐ-TTg ban hành Điều lệ trường ĐH, được đưa vào Luật Giáo dục (GD) từ năm 2005 và Luật Giáo dục đại học (GDĐH) năm 2012 nhưng phải đến năm 2018, HĐT mới có thực quyền theo Luật số 34/2018/QH14.

Tư tưởng lớn nhất của Luật số 34/2018/QH14 là tự chủ đại học (ĐH) nên HĐT được chú trọng, được quy định là tổ chức quản trị, thực hiện quyền đại diện của chủ sở hữu/Nhà đầu tư và các bên có lợi ích liên quan, tiếp nhận quyền tự chủ của NN để phân cấp thực hiện trong nhà trường.

Hội đồng trường có 4 lĩnh vực cơ bản để có quyền thực chất, bao gồm: (1) Quyết định Chiến lược, Kế hoạch dài/trung/hàng năm và kế hoạch tài chính; (2) Ban hành các văn bản nội bộ quan trọng như QC Tổ chức hoạt động, QC tài chính, QC dân chủ, được coi là các “Luật của nhà trường”; (3) Quyết định các nhân sự chủ chốt như lựa chọn Hiệu trưởng trình cơ quan quản lý bổ nhiệm, bổ nhiệm Phó hiệu trưởng và kế toán trưởng và (4) Quyết định chủ trương đầu tư, sử dụng tài sản có giá trị lớn thuộc thẩm quyền của trường đại học.

Để dễ hình dung, có thể ví HĐT như “Quốc hội” trong trường ĐH tự chủ còn bộ máy quản lý hành chính mà đứng đầu là Hiệu trưởng tương đương với “Chính phủ”. Nếu Trường ĐH nào có quyền tự chủ thì ở đó phải có HĐT trường.

Về HĐT, khi soạn thảo Luật số 34/2018/QH14, cơ quan có thẩm quyền đã nghiên cứu mô hình tổ chức GDĐH của các nước phát triển như Mỹ, Châu Âu và Trung quốc… thì hầu hết mô hình tổ chức GDĐH của các nước phát triển đều có HĐT (có thể với tên gọi khác nhau), giữ vai trò quản trị, định hướng phát triển và giám sát (trừ các trường ĐH của Trung quốc thì hầu như không có HĐT mà thay vào đó là Đảng ủy).

Việt Nam đã xây dựng thiết chế HĐT từ 2003 và được chỉ đạo trong nhiều Nghị quyết của Đảng về tự chủ ĐH nên tiếp tục phát huy mô hình này, đẩy mạnh tự chủ đại học thông qua việc phát huy vai trò và trao cho HĐT những quyền thực chất hơn so với giai đoạn trước.

Thành phần của HĐT là thiết chế xã hội, gồm đại diện cơ quan quản lý, đại diện các doanh nghiệp sử dụng sản phẩm do trường đào tạo, các cựu sinh viên thành đạt, các nhà khoa học, nhà quản lý; đại diện giảng viên và người học… không chỉ thực hiện vai trò quản trị mà còn hướng nhà trường đến việc đào tạo những sản phẩm mà xã hội thực sự cần; không chỉ cung cấp những gì mình có…

Trong quá trình tồn tại, một số ý kiến yêu cầu sửa đổi Luật số 34/2018/QH14 và cơ quan có thẩm quyền đã từng tổng hợp các ý kiến này nhưng kết quả chủ yếu là yêu cầu sửa các quy định không đồng bộ về tự chủ đại học, thuộc phạm vi điều chỉnh của các luật khác như Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Viên chức, Luật đất đai, Luật thuế, Luật xây dựng, Luật đấu thầu…

Điều gì sẽ xảy ra khi không còn Hội đồng trường hoặc vị trí của Hội đồng trường bị suy giảm?

Sau 7 năm, Luật GDĐH/Luật số 34/2018/QH14 đang được sửa đổi lần 2 với một số nội dung mới, trong đó, vấn đề đang được dư luận quan tâm là: không quy định về trách nhiệm, quyền hạn của HĐT và không tổ chức HĐT trong các trường thành viên của các đại học lớn. Chưa rõ tổng kết mô hình HĐT trong các trường thành viên và đánh giá tác động của nội dung sửa đổi này như thế nào nhưng: Điều gì sẽ xảy ra nếu dự thảo được ban hành?

Một nguyên tắc là ở đâu có tự chủ Đại học thì ở đó cần có HĐT để tiếp nhận quyền tự chủ từ Nhà nước và phân cấp trong nội bộ nhà trường, cùng với trách nhiệm giải trình. Quyền tự chủ Đại học trong các trường công/trên khối lượng tài sản công… nếu để tập quyền theo chế độ thủ trưởng thì khó kiểm soát và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro lớn.

Nếu tiếp tục đẩy mạnh tự chủ Đại học để phát huy tính sáng tạo của nguồn lao động tri thức ở đây mà lại giảm quyền của HĐT (không thành lập HĐT ở trường thành viên, không quy định trách nhiệm và quyền hạn của HĐT nói chung, bỏ quyền lựa chọn bộ máy lãnh đạo chủ chốt…) thì đó là sự mâu thuẫn lớn trong tư tưởng chỉ đạo Luật GDĐH sửa đổi lần này.

Nếu muốn quay lại giai đoạn trước, thực hiện chế độ thủ trưởng, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu… thì nên bỏ chế định HĐT, sẽ tốt hơn là duy trì HĐT không thực quyền. Điều đó không những hình thành thiết chế vô hiệu mà còn ảnh hưởng đến và làm cho chế độ trách nhiệm cá nhân của thủ trưởng trở lên không rõ ràng, quyền không gắn liền trách nhiệm…

Tuy nhiên, như đã nêu trên, tự chủ ĐH trên cơ sở chế độ thủ trưởng, tập quyền thì khó kiểm soát và tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Các trường thành viên của ĐH Quốc gia, ĐH vùng vốn là các trường lớn, có năng lực tự chủ cao trong hệ thống GDĐH Việt Nam. Nếu không thành lập HĐT ở các trường này thì đồng nghĩa với việc trường ĐH thành viên không có quyền tự chủ hoặc có quyền tự chủ không đúng nghĩa.

Về vị trí, nếu không có HĐT, các trường thành viên không khác gì một khoa lớn – một cái áo quá chật đủ để kìm hãm năng lực tự chủ, thất thoát nguồn lực và suy giảm niềm tự hào của các trường vốn đã từng là những trường lớn mạnh hơn những trường ĐH khác trong hệ thống.

Thiết chế Hội đồng trường trong Luật Giáo dục đại học sửa đổi 2025 nên như thế nào?

Nếu duy trì ĐH Quốc gia, ĐH vùng thì nên trao quyền tự chủ cao hơn (vốn đang là quyền quản lý NN) cho các ĐH và vẫn quy định trường thành viên có quyền tự chủ cơ bản như các trường ĐH khác.

Luật số 34/2018/QH14 đã theo hướng này: trao quyền phê duyệt hồ sơ mở ngành, liên kết đào tạo với nước ngoài, công nhận hiệu trưởng của trường ĐH thành viên… (NN đang thực hiện với các trường ĐH khác) cho Lãnh đạo cấp đại học; các trường thành viên vẫn là trường đại học tự chủ, đúng tư cách thành viên chứ không phải là “cấp trực thuộc” hay chỉ tương đương với school/khoa lớn như thiết kế trong Dự thảo hiện nay.

Trong mô hình ĐH hai cấp, Hội đồng cấp ĐH nên tập trung vào sứ mệnh của mình (phát triển hệ thống các trường thành viên để thực sự trở thành trung tâm đào tạo chất lượng cao, phát triển nhân tài, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và đổi mới sáng tạo hàng đầu; thực hiện nhiệm vụ chiến lược phát triển quốc gia/phát triển vùng và hội nhập quốc tế) chứ không phải dùng quyền tự chủ của các trường thành viên để lo giải quyết các vấn đề nội bộ trong các trường thành viên.

Một số vấn đề tự chủ của trường thành viên cũng nên đặt trong khuôn khổ phù hợp với chiến lược phát triển, quy chế/quy định chung của cấp ĐH, có sự cộng lực để phát triển (theo mục tiêu, định hướng chung, tiêu chuẩn chung…) nhưng vẫn phát huy được năng lực của các trường thành viên (trên cơ sở lịch sử hình thành và phát triển, lĩnh vực mũi nhọn, nguồn nhân lực, văn hóa, tốc độ phát triển, phương thức thực hiện…) với những bản sắc, thương hiệu riêng để thành công. Và đó là vai trò định hướng chiến lược của các HĐT trong các trường ĐH thành viên.

Luật GDĐH sửa đổi 2025 nên tiếp tục nghiên cứu mô hình HĐT ở các nước phát triển, kế thừa những điểm phù hợp của thiết chế HĐT trong nhiều năm qua, đặc biệt là tinh thần tự chủ ĐH trong Luật số 34/2018/QH14; sửa đổi, bổ sung những vấn đề bất cập, chưa rõ, chưa hiệu quả, chưa thực chất… trong thiết chế HĐT để tổ chức và hoạt động hiệu quả hơn chứ không nên quay lại chế độ thủ trưởng trong các trường ĐH – nơi tập trung đội ngũ trí thức của dân tộc, cần không gian tự chủ và tự do học thuật để đổi mới, sáng tạo và phát triển.

Về thành phần, Luật GDĐH sửa đổi 2025 nên quy định rõ hơn: Chủ tịch HĐT các trường thành viên là thành viên đương nhiên của Hội đồng ĐH, thuộc các thành viên trong ĐH; và Hội đồng cấp ĐH có quyền và trách nhiệm cử các thành viên của Hội đồng Đại học tham gia HĐT của các trường thành viên - như đại diện cơ quan quản lý trực tiếp trong HĐT của các trường đại học khác.

Đồng thời, Luật mới cũng nên giao cho Quy chế tổ chức hoạt động của cấp ĐH phải quy định rõ vị trí, mối quan hệ giữa Hội đồng cấp ĐH và HĐT cấp trường thành viên. Từng trường thành viên (và các trường ĐH khác) cần ban hành quy chế phối hợp giữa Đảng ủy (ra nghị quyết định hướng và công tác cán bộ), HĐT (chiến lược phát triển và quản trị nhà trường) và Ban Giám hiệu (chủ tài khoản và điều hành bộ máy hành chính).

Khi Luật quy định cho HĐT có quyền quản trị thực chất thì những người có năng lực quản trị sẽ được lựa chọn. Vấn đề không phải HĐT và Hiệu trưởng thì ai có quyền lớn hơn mà phải là mỗi bên thực hiện đúng vai trò quản trị và quản lý của mình, hỗ trợ và giám sát lẫn nhau trong cơ chế tự chủ để phát triển trường bền vững.

Trong HĐT của các trường thành viên, bên cạnh các thành viên trong trường, nên quy định thành viên ngoài trường gồm có thành viên của Hội đồng cấp ĐH và những người thực sự quan tâm đến sự phát triển của trường (doanh nghiệp sử dụng sản phẩm của trường, cựu sinh viên thành đạt…)

Một số vấn đề khác cần thiết mà Luật không quy định (VD: mối quan hệ giữa Đảng ủy, HĐT và Ban giám hiệu, ngân sách hoạt động của HĐT, quyền chất vấn và yêu cầu bộ máy hành chính giải trình…) thì HĐT – với tư cách là chủ thể ban hành Quy chế tổ chức và hoạt động của Nhà trường nên đưa vào văn bản nội bộ để thực hiện minh bạch và hiệu quả./.

Nguyễn Thị Kim Phụng

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/gop-y-du-thao-luat-giao-duc-dai-hoc-sua-doi-giu-hay-bo-hoi-dong-truong-cua-cac-truong-dai-hoc-thanh-vien-trong-cac-dai-hoc-10380007.html