Grab và Baemin 'đua lỗ', tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn

Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, doanh thu của Grab không ngừng tăng theo cấp số nhân. Thế nhưng, lợi nhuận của Grab lại lỗ 3.600 tỷ đồng.

Có mặt tại từ năm 2014, cho tới nay, Grab đang là ứng dụng gọi xe công nghệ có thị phần cao nhất tại Việt Nam. Thế nhưng, trong suốt 7 năm có mặt trên thị trường, Grab đã trải qua rất nhiều “sóng gió”.

Trong giai đoạn từ năm 2016 - 2020, doanh thu của Grab không ngừng tăng theo cấp số nhân. Nếu như năm 2016, doanh thu của Grab đạt 188 tỷ đồng, thì năm 2020, doanh thu đã tăng gần 3.800 tỷ đồng. Như vậy, sau 5 năm, doanh thu của Grab tăng gần 20 lần.

5 năm, Grab báo lỗ 3.600 tỷ đồng.

Mặc dù doanh thu liên tục tăng, thế nhưng, do “đốt” quá nhiều vào quảng cáo, cùng các chương trình ưu đãi, lợi nhuận của Grab rất “èo ọt”.

Cụ thể, năm 2016, Grab báo lỗ gần 450 tỷ đồng. Sang năm 2017, Grab tiếp tục báo lỗ gần 800 tỷ đồng. Năm 2018, Grab tiếp tục lỗ nặng, âm gần 900 tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2019, dù doanh thu đạt 3.500 tỷ đồng, thế nhưng Grab tiếp tục báo lỗ 1.700 tỷ đồng.

Duy nhất năm 2020, Grab báo có lãi 250 tỷ đồng. Như vậy, trong giai đoạn 2016 - 2020, Grab đã lỗ gần 3.600 tỷ đồng. Điều này đã khiến vốn chủ sở hữu của Grab xuống rất thấp.

Năm 2020, đại dịch COVID-19 ảnh hưởng nghiêm trọng tới các ngành vận tải. Trong đó, các ứng dụng đặt xe công nghệ cũng không nằm ngoài ảnh hưởng đó. Vì vậy, sự tăng trưởng dương của Grab được coi là kỳ tích trên thị trường.

Tuy nhiên, trong năm 2020, Grab đã phải đối mặt với sự phản đối của các tài xế, đối tác chính của đơn vị này. Liên tục điệp khúc tăng chiết khấu với tài xế, tăng phí, nộp thuế đã khiến nhiều tài xế tắt app và đình công.

Cuối năm 2020, hàng trăm tài xế Grabbike đã tắt ứng dụng, kéo đến trụ sở Grab ở đường Duy Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) để phản đối mức khấu trừ cho mỗi chuyến xe tăng từ 20% lên 27,2% vì cho rằng mức chiết khấu này quá cao, ảnh hưởng đến thu nhập của họ.

Trong khi đó, đại diện Grab cho rằng phần chiết khấu vẫn là 20%, còn phần tăng thêm là thuế VAT áp dụng theo Nghị định 126. Để bù lại lại phần tăng thuế VAT lên 10%, Grab chủ động tăng giá dịch vụ GrabBike thêm 6%.

Theo quy định của Nghị định 126, thuế VAT 10% được áp dụng cho toàn bộ doanh thu từ hoạt động kinh doanh vận tải, bao gồm cả phần doanh thu vận tải của đối tác tài xế.

Trong suốt quá trình có mặt tại Việt Nam, Grab đã phải đối mặt với rất nhiều đợt phản đối của các tài xế lái xe, liên quan tới điệp khúc tăng chiết khấu và đình công. Ngoài năm 2020, trong những năm 2017, 2018, các đối tác của Grab cũng xảy ra tình trạng như trên.

Cùng chia sẻ mảng đặt xe công nghệ, các ứng dụng Go Việt (sau đổi tên thành Gojek), Baemin, NOW... tình cảnh của các doanh nghiệp này cũng không khá khẩm hơn là bao.

Năm 2020, Baemin báo lỗ 1.400 tỷ đồng.

Trong đó, “Tân binh” Baemin, trong giai đoạn 2016 - 2020, doanh thu của Baemin tăng từ 15 tỷ đồng lên 440 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, lợi nhuận của Beamin lao dốc không phanh. Cụ thể, năm 2018, Baemin báo lỗ 3 tỷ đồng. Thế nhưng, năm 2019, Baemin báo lỗ 570 tỷ đồng và tới năm 2020 lỗ 1.400 tỷ đồng.

Việt Vũ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/grab-va-baemin-dua-lo-tiep-tuc-doi-mat-voi-nhieu-kho-khan-post164823.html