Guardiola đã hóa giải Tuchel như thế nào?

Trận đại chiến tại vòng 6 Premier League kết thúc với chiến thắng nghiêng về Man City trong một thế trận mà kết quả phản ánh chính xác những gì diễn ra trên sân.

Trên sân Stamford Bridge, Thomas Tuchel không làm bất kỳ ai bất ngờ về danh sách thi đấu. Ở trận gặp Tottenham Hotspur, Chelsea bộc lộ điểm yếu khi bị đối thủ dồn người vào tuyến hai áp sát, buộc Tuchel phải gia cố bằng cách thêm một tiền vệ trung tâm nữa là N'Golo Kante. Cách bố trí này tiếp tục được ứng dụng khi cầu thủ người Pháp hợp cùng Jorginho và Mateo Kovacic trước mặt 3 trung vệ.

Bên phía Man City cũng không hẳn là những bất ngờ về mặt con người. Những cái tên phong độ cao được sát cánh với sự trở lại của Kevin De Bruyne và Phil Foden. Trong khi đó, Rodri và Aymeric Laporte được cho là chưa bình phục hoàn toàn sau chấn thương nhưng cũng xuất trận.

Điểm gây bất ngờ nằm ở sơ đồ thi đấu mà Pep Guardiola lựa chọn: 4-2-3-1.

 Pep Guardiola vượt qua Thomas Tuchel sau hai trận thua liên tiếp. Ảnh: Getty.

Pep Guardiola vượt qua Thomas Tuchel sau hai trận thua liên tiếp. Ảnh: Getty.

Man City triển khai áp sát chặt chẽ

Có lẽ, Guardiola đã dự đoán được trước việc Thomas Tuchel sẽ sử dụng sơ đồ 3 tiền vệ trung tâm. Logic âu cũng là hợp lý: Jorginho và Kante thì luôn đáng tin cậy, còn Kovacic đang đạt phong độ quá cao.

Thế nên, vị HLV người Tây Ban Nha đã bố trí hệ thống áp sát ngay trên phần sân đối thủ hoàn toàn tương ứng.

Trong sơ đồ 4-2-3-1 của Pep, cặp tiền vệ trung tâm là Rodri và Bernardo Silva. Cánh trái vẫn là Jack Grealish, cánh phải vẫn là Gabriel Jesus. Phil Foden chơi tiền đạo và sau lưng anh là Kevin De Bruyne.

Mỗi khi Chelsea triển khai bóng, như thường lệ, họ sẽ chuyền ngắn từ những tuyến dưới cùng với bộ ba trung vệ và thủ môn.

Guardiola yêu cầu cách theo người một kèm một chặt chẽ tại các vị trí trọng yếu trung lộ: Phil Foden bám theo trung vệ chính giữa, Grealish - De Bruyne - Jesus lần lượt từ trái qua phải sẽ đeo bám 3 tiền vệ trung tâm của Chelsea là Kante - Jorginho - Kovacic.

 Man City dàn trận khi đối thủ có bóng.

Man City dàn trận khi đối thủ có bóng.

Phía sau 4 nhân sự tuyến trên này là lớp phòng thủ với vị trí xuất phát mang tính khu vực, có cặp tiền vệ trung tâm án ngữ trước hai trung vệ. Hai hậu vệ biên cũng tập trung ở bên trong và chờ đợi dấu hiệu.

Và dấu hiệu ấy rất rõ ràng: chỉ chờ thủ môn Edouard Mendy chuyền bóng cho một trong hai trung vệ lệch bên, khối đội hình của City lập tức có sự biến đổi.

Tiền vệ biên ở cùng cánh bóng lăn sẽ đẩy lên thật nhanh để áp sát trung vệ nhận bóng, cụ thể là Jesus sẽ áp sát nếu Antonio Rudiger nhận bóng, Grealish đối với Cesar Azpilicueta ở đối diện.

Khi ấy, hai tiền vệ trung tâm của Man City sẽ nghiêng qua để hỗ trợ bắt người và bọc lót. Đồng thời, hậu vệ cánh sẽ đẩy lên để gây áp lực tới cầu thủ chạy biên của Chelsea.

Cách vận hành hệ thống áp sát từ xa bằng sơ đồ 4-2-3-1 của Man City.

Các tình huống này buộc Chelsea phải chuyền qua lại thông qua thủ môn, khiến áp lực ngày càng tăng cao, hoặc phải phất dài lên để kỳ vọng vào khả năng tự xử lý của cặp tiền đạo.

Dù Romelu Lukaku có một số tình huống thể hiện được sức mạnh tranh chấp tay đôi, nhưng phải làm rõ rằng anh và Timo Werner hầu như không tạo ra được bất kỳ cơ hội nguy hiểm nào trước cặp trung vệ của City.

Sức ép liên tục được tạo ra với một hệ thống cực kỳ kỷ luật và cần mẫn, City dễ dàng nắm được thế trận và liên tục kiểm soát bóng với thời lượng từ 65% trở lên.

Sự lì lợm của Chelsea

Ở chiều ngược lại, Chelsea tỏ ra không hề bối rối trong các pha phòng ngự. Hai tiền đạo Werner và Lukaku đã làm tốt nhiệm vụ che chắn hướng chuyền bóng từ vị trí các trung vệ đội khách tới tiền vệ trụ Rodri trong hiệp một.

Man City đã cố gắng đưa ra một số miếng đánh nhất định để phá vỡ hệ thống này của đối thủ.

Ở cánh phải, Bernardo Silva thường xuyên chủ động lùi sâu để nhận bóng, thoát khỏi khu vực thông thường của một tiền vệ trung tâm cổ điển. Đồng thời, Kyle Walker cũng dâng cao và mở rộng. Từ đó, Ruben Dias luôn có 2 phương án để triển khai ra biên. Nếu Kovacic theo kèm Silva thì sẽ xuất hiện khoảng trống trung lộ, hoặc Walker tự do. Nếu Kovacic chuyển qua be hướng Walker, thì Silva lại thoải mái.

Marcos Alonso đã hỗ trợ bằng cách dâng lên nhiều hơn để phụ trách Walker. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa Gabriel Jesus khá thoải mái phía sau. Đây là lý do rất nhiều pha đối đầu giữa Jesus và Rudiger đã diễn ra trong hiệp một nhưng quan trọng là Rudiger thường thắng thế.

Ở cánh đối diện không có sự xuất hiện của Silva, Man City dựa nhiều vào chân chuyền Joao Cancelo. Thế nên cục diện ở cánh này cũng tương đối khác.

Chelsea có hai cách để phòng ngự. Cách thứ nhất là Kante sẽ đẩy lên áp sát Cancelo. Tuy nhiên, điểm yếu của cách này là Rodri sẽ có thể nhận bóng rất thoáng ở trung lộ. Jorginho thể hiện rõ ưu tiên phòng thủ khu vực sau lưng hơn là dâng lên để áp sát Rodri.

 Kante dâng lên áp sát Cancelo.

Kante dâng lên áp sát Cancelo.

Cách thứ hai là Reece James sẽ dâng lên, 4 người còn lại trong hàng thủ của Chelsea sẽ di chuyển nghiêng qua. Cách này lại có vấn đề về việc Grealish sẽ có thể thoát xuống dọc biên trái.

 Reece James dâng lên áp sát Cancelo.

Reece James dâng lên áp sát Cancelo.

Trong mọi trường hợp, Chelsea dường như chấp nhận đánh đổi các điểm yếu nhỏ này để khỏa lấp khu vực trước vùng cấm địa, nơi mọi thứ có thể xảy ra.

 Chelsea đã bảo vệ tốt "vùng xanh", khu vực nguy hiểm nhất để tổ chức tấn công. Đồ họa: Stats Perform.

Chelsea đã bảo vệ tốt "vùng xanh", khu vực nguy hiểm nhất để tổ chức tấn công. Đồ họa: Stats Perform.

Trừ các tình huống đá phạt góc, hầu như Man City chỉ có thể lên bóng ở cánh trái, nơi mà Foden và Kevin De Bruyne cùng lúc xuất hiện thường xuyên, cũng như Grealish có khả năng qua người.

Khoảnh khắc

Khi chiến thuật hai bên giằng co và ít điểm sơ hở, một lần nữa triết lý của Johan Cruyff lại cho thấy giá trị: bên nào cầm nhiều bóng hơn thì bên ấy sẽ "an toàn" hơn.

Chelsea ít có bóng nên chẳng mấy ngạc nhiên khi họ dứt điểm ít hơn Man City tới 10 lần trong 60 phút đầu. Trong 5 cú dứt điểm của đội chủ sân Stamford Bridge, có tới 3 lần diễn ra ngoài vùng cấm địa.

Man City cầm nhiều bóng hơn nên dù không có các cơ hội thực sự ngon ăn, họ cũng đã có 15 cú dứt điểm. 10 trong số đó được thực hiện sau vạch 16,5 m. Và một đã trở thành bàn thắng.

Khoảnh khắc của Gabriel Jesus không chỉ định đoạt trận đấu mà còn đẩy kịch tính lên cao, buộc Tuchel phải từ bỏ lối chơi phòng ngự. Sơ đồ 3-4-3 đã có hơi hướm xuất hiện ngay từ giây đầu tiên của hiệp hai khi Kovacic dâng lên còn Werner mở rộng ra biên phải nhiều hơn. Đến phút 60, khi Kante rời sân và Kai Havertz nhập cuộc, hai bên đôi công mạnh mẽ và khán giả đã mắt hơn.

Nhưng cái "đã mắt" ấy cũng không có nhiều tác dụng cho Tuchel. Số liệu thống kê cao cấp của Opta cho thấy, tổng giá trị các pha dứt điểm của Chelsea chỉ mang tới 22% cơ hội ghi một bàn. Trong khi đó, công thức toán học khẳng định Man City xứng đáng với 1,45 bàn.

Tỉ số 0-1 vì vậy cũng hoàn toàn phù hợp. Thomas Tuchel không thể thắng Guardiola lần thứ tư liên tiếp.

Highlights Champions League: Man City 6-3 Leipzig Màn so tài giữa Man City và Leipzig ở bảng A Champions League trở thành bữa tiệc của bóng đá tấn công với 9 bàn thắng được ghi.

Dũng Lê

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/guardiola-da-hoa-giai-tuchel-nhu-the-nao-post1266308.html