Gương Anh hùng - Liệt sĩ sống mãi trong những bài ca không quên

Có được cuộc sống hòa bình hôm nay, cả dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng xương máu của nhiều thế hệ trong hai cuộc kháng chiến và đó chính là một 'Bài ca' xúc động, thiêng liêng nhất lịch sử mà mãi mãi chúng ta không được phép lãng quên.

Đã có nhiều tác phẩm xuất sắc ca ngợi gương anh hùng liệt sĩ gây xúc động mãnh liệt, hun đúc đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, bồi đắp cho thế hệ sau tinh thần cống hiến cho Tổ quốc. Gương các anh hùng liệt sĩ sẽ bất tử cùng non sông đất nước và trong giai điệu của những bài ca sống mãi cùng năm tháng.

“Biết ơn Võ Thị Sáu”

Vào một đêm tháng bảy, tôi cùng nhiều du khách rưng rưng ngấn lệ khi chứng kiến đoàn cựu chiến binh, cựu CAND và người dân từ các địa phương nghiêm trang, thành kính cất tiếng hát trước mộ nữ Anh hùng - Liệt sĩ Võ Thị Sáu tại nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu): “Mùa hoa lê-ki-ma nở/ Ở quê ta miền đất đỏ/ Sông núi đất nước ơn người anh hùng/ Đã chết cho đời sau”...

Nhạc sĩ Huy Du, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và nhạc sĩ Tân Huyền.

Nhạc sĩ Huy Du, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn và nhạc sĩ Tân Huyền.

Người đội viên Công an xung phong trẻ tuổi Võ Thị Sáu yêu ca hát và rất yêu hoa. Được tổ chức giao nhiệm vụ ném lựu đạn phá cuộc mít tinh của giặc, chị Sáu vui vẻ thực hiện nhưng không may bị địch bắt và bị tuyên án tử hình khi mới 19 tuổi. Chúng xử bắn chị vào mùa xuân khi hoa lê-ki-ma đang nở rộ. Trước khi hy sinh, chị vẫn hiên ngang hát vang bài “Tiến quân ca” và “Quốc tế ca” ngay giữa pháp trường khiến quân thù sợ hãi.

Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn đọc cuốn “Vượt Côn đảo” của Phùng Quán, ông phát hiện và chọn hình tượng hoa lê-ki-ma cùng tiếng hát của Võ Thị Sáu làm ý tưởng để ngợi ca với âm nhạc mềm mại, trữ tình lắng đọng trong “Biết ơn Võ Thị Sáu”: “Chị Sáu đã hy sinh rồi/ Giọng hát vẫn như còn vang dội”, “Sông núi đất nước ơn người anh hùng/ Đã chết cho mùa hoa lê-ki-ma nở”...

Viết về hy sinh nhưng không gây cảm xúc buồn thảm, ngược lại ca khúc khiến người nghe tự hào, khâm phục, lạc quan tin tưởng vào cách mạng và tương lai: “Người thiếu nữ ấy như mùa xuân/ Chị đã dâng cả cuộc đời/ Để chiến đấu với bao niềm tin/ Dù chết vẫn không lùi bước/ Chị Sáu đã hy sinh rồi/ Giọng hát vẫn như còn vang dội/ Vào trái tim những người đang sống/ Giục đi lên không bao giờ lùi!”. Bài hát ra đời từ hơn 60 năm trước, gây xúc động mãnh liệt với nhiều thế hệ và sẽ sống mãi cùng năm tháng.

Đại tá, NSƯT, nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn (1929 - 2016) quê Cầu Giấy, Hà Nội. Sinh thời, ông từng bộc bạch: Sự hy sinh anh dũng của các anh hùng, liệt sĩ đã đem lại cuộc sống hòa bình hôm nay, sáng tác về họ là sự tri ân, truyền lửa vì nghĩa lớn cho các thế hệ sau. Và ông viết nhiều về đề tài này, như: “Noi gương Lý Tự Trọng”, “Bài ca Ngô Mây”, “Nguyễn Văn Trỗi anh còn sống mãi”, “Nguyễn Viết Xuân cả nước yêu thương”... Ông đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật, Danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Huân chương Độc lập hạng Ba, cùng nhiều Huân, Huy chương danh giá khác.

“Bế Văn Đàn sống mãi”

Trong chiến dịch Đông Xuân 1953-1954, trong tình thế bị quân ta vây hãm, địch phản kích điên cuồng hòng phá vây, khiến bộ đội thương vong nhiều. Trước tình thế cấp bách đó, Bế Văn Đàn, chiến sĩ dân tộc Tày, đã lấy hai vai mình làm giá súng trung liên cho đồng đội tiêu diệt địch và anh đã hy sinh anh dũng. Ngày 31/8/1955, liệt sĩ Bế Văn Đàn được truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Quân công hạng Nhì, Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Nhạc sĩ Huy Du sáng tác “Bế Văn Đàn sống mãi” (phỏng thơ Trinh Đường) vào dịp kỷ niệm 10 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/1964), là một tác phẩm xuất sắc ngợi ca tinh thần quyết chiến quyết thắng của bộ đội ta trong chiến dịch Điện Biên: “Bế Văn Đàn ơi! Mười năm qua anh vẫn còn sống mãi/ Đất nước quê anh lá thắm rừng xanh, cam Mường Pồn quanh mồ anh xây đỏ/ Lúa chín vàng chiến địa cũ Mường Thanh/ Đàn em thơ đang hát ca đời anh”.

Bài hát có âm hưởng thành kính, thiết tha, chứa chan tình cảm. Sau này, ca khúc đã được các ca sĩ sửa lời đôi chỗ khi trình diễn để phù hợp với hoàn cảnh, như “Mười năm qua anh vẫn còn”, sửa thành “Thời gian qua” hay “Nhiều năm qua”; “Miền Nam đang xả đạn” đổi thành “Miền biên cương xả đạn”…

Nhạc sĩ Huy Du (1926-2007) quê Bắc Ninh, là nhạc sĩ lớn, nổi tiếng với các tác phẩm như “Nổi lửa lên em” (thơ Giang Lam), “Đường chúng ta đi” (thơ Xuân Sách), “Trên đỉnh Trường Sơn ta hát”, “Tình em”... “Bế Văn Đàn sống mãi” là một trong 5 tác phẩm đưa ông đến với Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật năm 2000.

“Cỏ non thành cổ”

Nhạc sĩ Doãn Nho đánh giá bài hát “Cỏ non Thành cổ” là một trong những tác phẩm viết về chiến tranh hay nhất, giản dị tới mẫu mực. Nhạc sĩ Trương Ngọc Ninh cho rằng “Cỏ non Thành Cổ” là sáng tác trọn vẹn cả về tư tưởng và nghệ thuật, một điển hình về sự chân thành, giản dị đến không cùng khi người nghệ sĩ biết chắt lọc cái tinh hoa nhất của đời sống.

Những lời ca bình dị trong ca khúc “Cỏ non thành cổ” của nhạc sĩ Tân Huyền như xoáy vào lòng người nghe nỗi day dứt khôn nguôi. Ca khúc còn là tiếng chuông tri ân những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cho cuộc sống hòa bình hôm nay: “Cỏ non Thành cổ, một màu xanh non tơ/ Bình minh Thành cổ, cỏ mềm theo gió đung đưa/ Nào có ai ngờ nơi đây một thời máu đổ/ Người vợ nào, người mẹ nào, ngậm ngùi nuốt lệ, khi chồng con không trở về”…

Năm 1989, Tân Huyền cùng đoàn nhạc sĩ đi thực tế tại Quảng Trị. Nhà văn Nguyễn Quang Lập nói với ông: Không hiểu vì sao cỏ ở đây xanh hơn, tốt hơn các nơi khác? Người ta nói đó là cỏ xương máu... Cứ đào bất kỳ nhát xẻng nào ở đây cũng có thể gặp hài cốt... Tân Huyền xúc động, lặng người đi rất lâu. Và trong ông ý nhạc dần “bật” ra: “Cho tôi hôm nay vào Thành Cổ/ Thắp một nén nhang viếng người nằm dưới cỏ/ Cỏ xanh non tơ, cỏ xanh non tơ/ Xin chớ vô tình với người hy sinh trên mảnh đất quê mình”.

Ca khúc có ca từ giản dị, giai điệu trầm lắng, âm hưởng da diết. Tân Huyền bộc bạch: Em trai ông đã hy sinh ở mặt trận phía Nam. Và cứ chiều chiều, mẹ ông lại đứng tựa cửa ngóng trông con… Viết “Cỏ non Thành cổ”, ông cảm thấy thanh thản phần nào bởi trong tình cảm chung vẫn nói được nỗi niềm riêng với người em trai liệt sĩ và người mẹ đã khuất.

Tác phẩm được Bộ Quốc phòng trao tặng “Bài hát xuất sắc về đề tài lực lượng vũ trang”. Nhạc sĩ Tân Huyền(1931-2008), tên thậtPhan Văn Tần, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh, ông đã được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhất, Giải thưởng Nhà nướcvề Văn học - Nghệ thuật.

“Bài ca không quên”

Có được cuộc sống hòa bình hôm nay, cả dân tộc ta đã phải đánh đổi bằng xương máu của nhiều thế hệ trong hai cuộc kháng chiến và đó chính là một “bài ca” xúc động, thiêng liêng nhất lịch sử mà mãi mãi chúng ta không được phép lãng quên: “Bài ca tôi không quên, tôi không quên/ Những người đã ngã/ Bài ca tôi không quên, tôi không quên/ Gửi trọn đời cho tất cả/ Là đồng đội tôi/ Còn ôm súng giữ biên cương”...

Vốn là bài hát viết cho bộ phim cùng tên của cố đạo diễn Nguyễn Văn Thông khởi chiếu vào năm 1982, nhưng “Bài ca không quên” của nhạc sĩ Phạm Minh Tuấn đã vượt ra khỏi bộ phim, trở thành ca khúc sống mãi cùng năm tháng. Phạm Minh Tuấn tên thật là Phạm Văn Thành, quê Nam Định, sinh năm 1942 ở Campuchia. 18 tuổi ông về nước gia nhập Đoàn văn công Giải phóng, trực tiếp chiến đấu, nếm trải nhiều gian khó trên các chiến trường Nam Bộ.

Nhạc sĩ tâm sự: Trong bài hát có một phần nỗi đau riêng của gia đình ông trong nỗi đau chung của dân tộc. Năm 1964, con gái đầu của ông chào đời trong hoàn cảnh hai vợ chồng cùng hoạt động bí mật trong rừng, nuôi con vô cùng khó khăn, vất vả. Lần đó, ông đi công tác Bến Tre, vợ ông dẫn đoàn cán bộ đi qua vùng có địch phục kích giáp Tây Ninh. Sợ con khóc sẽ bị lộ, vợ ông đành chọn cách cho con bú và áp thật chặt con vào bầu ngực mình. Nào ngờ, khi địch đi qua thì con gái ông đã ngạt thở. Cháu bé đã ra đi đau thương như vậy và nằm lại một mình giữa rừng sâu lạnh lẽo....

Bài hát như lời tự răn mình và nhắc nhở các thế hệ đi sau, nhất là lớp trẻ sinh ra trong hòa bình, về một thời máu lửa với bao người đã hy sinh cho đất nước: “Bài ca tôi đã hát/ Với em yêu, với đồng đội, với cả lòng mình/ Tôi không thể nào quên...”.

Phạm Minh Tuấn được tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật (2001), Huân chương Lao động hạng Nhất, Giải thưởng Văn học - Nghệ thuật Nguyễn Đình Chiểu, Giải âm nhạc xuất sắc phim “Bài ca không quên” cùng nhiều giải thưởng khác.

Hà Cầm Phong

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/tu-lieu-van-hoa/guong-anh-hung-liet-si-song-mai-trong-nhung-bai-ca-khong-quen-i776000/