Hà Nội đảm bảo an toàn thực phẩm trong đợt cao điểm kỷ niệm Quốc khánh 2/9
Hà Nội bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ đợt cao điểm các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
Ngày 4/7, UBND Thành phố Hà Nội ban hành Kế hoạch số 176/KH-UBND về Đảm bảo an toàn thực phẩm đợt cao điểm phục vụ các hoạt động kỷ niệm 80 năm Cách mạng tháng Tám thành công (19/8/1945-19/8/2025) và Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam (2/9/1945-2/9/2025), chào mừng Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Hà Nội lần thứ 18, nhiệm kỳ 2025-2030 và nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2025 trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Ảnh minh họa
Theo đó, mục tiêu của Kế hoạch là kiểm soát chặt chẽ chuỗi cung ứng thực phẩm trong các khâu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng nhằm bảo đảm thực phẩm an toàn, phòng ngừa ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm. Thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm “từ sớm, từ xa”, kiểm soát từ khâu đầu vào đến tay người tiêu dùng.
Thời gian thực hiện kiểm tra từ ngày 1/7/2025 đến 31/12/2025; cao điểm từ 1/7 đến 30/9/2025 trên toàn địa bàn Thành phố, trọng tâm tại các điểm tổ chức Lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành 80 năm Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9.
UBND Thành phố Hà Nội đề ra nội các dung công tác triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm chuẩn bị trước thời gian tổ chức các hoạt động: Xây dựng kế hoạch triển khai đảm bảo ATTP cho các hoạt động kỷ niệm và Đại hội Đảng; rà soát cơ sở thực phẩm: sản xuất, kinh doanh, chế biến, dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kiểm tra và xử lý vi phạm, xử phạt cơ sở không đảm bảo điều kiện ATTP; kiểm tra thực phẩm tài trợ bằng yêu cầu thông tin trước 20 ngày, kiểm nghiệm chỉ tiêu an toàn; tuyên truyền, giáo dục ATTP, cảnh báo nguy cơ mất ATTP và chuẩn bị phương án xử lý ngộ độc thực phẩm: lập đội phản ứng nhanh, sẵn sàng điều tra, cấp cứu.
Đối với giai đoạn diễn ra hoạt động, lập tổ kiểm tra giám sát ATTP, thực hiện kiểm thực 3 bước, lưu mẫu thức ăn, xét nghiệm nhanh; giám sát địa điểm ăn, nghỉ của đại biểu, kiểm tra cơ sở cung cấp nguyên liệu, dịch vụ ăn uống lân cận và xử lý ngộ độc thực phẩm: phản ứng nhanh, điều tra kịp thời các ca nghi ngộ độc.
Bên cạnh đó, tăng cường thực hiện đồng bộ hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm an toàn thực phẩm 6 tháng cuối năm 2025: Xác định công tác bảo đảm an toàn thực phẩm là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên, liên tục, gắn với mục tiêu phát triển bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô. Triển khai thực hiện hiệu quả các kế hoạch và văn bản chỉ đạo của UBND Thành phố trên cơ sở bám sát các chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy Hà Nội về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm như Chỉ thị 17-CT/TW (2022); Chỉ thị 17/CT-TTg (2020); Chỉ thị 38/CT-TTg (2024); Công điện 55/CĐ-TTg (2025).
UBND thành phố Hà Nội giao ngành Y tế có trách nhiệm kiểm soát ATTP tại trường học, bếp ăn tập thể, điểm tổ chức sự kiện; giám sát thực phẩm, truy xuất nguồn gốc, tăng cường kiểm tra ngoài giờ hành chính. Lấy mẫu giám sát, cảnh báo nguy cơ. Đẩy mạnh truyền thông, tập huấn kiến thức. Thực hiện mô hình điểm ATTP;
Ngành Công Thương sẽ kiểm soát làng nghề bánh, kẹo và dịp Tết Trung thu, cửa hàng trái cây. Tăng cường kiểm tra thị trường, xử lý hàng giả, vi phạm thương mại điện tử. Hậu kiểm, lấy mẫu, xử lý vi phạm, công khai kết quả. Kết nối cung - cầu sản phẩm an toàn, có truy xuất nguồn gốc;
Ngành Nông nghiệp giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, đông lạnh, trái cây nhập khẩu. Duy trì sản xuất ổn định, phòng chống dịch. Xúc tiến thương mại nông sản sạch. Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn. Kiểm soát vận chuyển, giết mổ, bảo vệ thực vật. Truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ vùng trồng, vùng nuôi. Truyền thông ATTP, phổ biến kiến thức chọn mua thực phẩm an toàn.
Giao Sở Y tế chủ trì phối hợp liên ngành đảm bảo ATTP các hoạt động chính trị lớn. Kiểm tra các cơ sở thực phẩm, kiểm soát nguồn nguyên liệu, suất ăn, khách sạn. Kiểm soát ATTP quanh trường học, xử lý hàng rong không bảo đảm. Đề xuất thay thế các quyết định phân cấp quản lý ATTP phù hợp thực tiễn. Phối hợp tuyên truyền, lấy mẫu, giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm. Đảm bảo lực lượng ứng phó sự cố thực phẩm.
Các Sở: Nông nghiệp và Môi trường kiểm tra động vật, rau quả, chợ đầu mối, cơ sở giết mổ. Lấy mẫu kiểm nghiệm hóa chất bảo vệ thực vật. Phối hợp truy xuất nguồn gốc thực phẩm; Sở Công Thương kiểm tra thị trường, truy xuất nguồn gốc, nhãn mác. Xử lý vi phạm về ATTP, hàng giả, nhập lậu; Công an Thành phố điều tra, xử lý nghiêm các vi phạm về ATTP, hàng giả. Phối hợp xử lý hàng rong, mất trật tự đô thị, điểm bán hàng trước trường học. Tham gia đoàn kiểm tra liên ngành; Sở Văn hóa và Thể thao kiểm tra quảng cáo thực phẩm, bảo đảm không gây hiểu nhầm. Phát sóng chuyên mục truyền thông về ATTP;
Sở Du lịch kiểm soát ATTP tại cơ sở lưu trú, điểm du lịch; Sở Khoa học và Công nghệ đảm bảo quy chuẩn, chất lượng sản phẩm thực phẩm; Sở Giáo dục và Đào tạo thực hiện kiểm soát ATTP trong và quanh trường học. Giám sát quy trình chế biến, vận chuyển, lưu mẫu thực phẩm. Ngăn thực phẩm không rõ nguồn gốc vào trường học; báo chí, truyền hình thực hiện đưa tin, phát sóng truyền thông về ATTP, nâng cao nhận thức cộng đồng.