Hà Nội FC và cuộc cách mạng mang tên Daiki Iwamasa

Khi ông Daiki Iwamasa đến làm HLV Hà Nội FC vào đầu năm 2024, đội bóng thủ đô đang khủng hoảng, đang mất phương hướng. Nhưng sau gần 6 tháng, tất cả đã đổi thay theo chiều hướng tích cực.

Sự thay đổi tích cực từ lối chơi đến thành tích của đội Hà Nội có dấu ấn của HLV Daiki Iwamasa

Sự thay đổi tích cực từ lối chơi đến thành tích của đội Hà Nội có dấu ấn của HLV Daiki Iwamasa

Ngày ông đến, Hà Nội FC đã thi đấu được 8 trận ở V-League 2023-2024 và xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng. Hà Nội FC trước đó cũng bị loại từ vòng bảng AFC Champions League, đây là kết quả không tương xứng với sự đầu tư và mong đợi của lãnh đạo câu lạc bộ.

Với thành tích dần đi xuống như thế này, Hà Nội FC thay đổi liên tục HLV và Daiki Iwamasa đã là HLV thứ 4 dù mùa bóng mới đi được 8/26 chặng đường.

Thế mà khi mùa giải kết thúc vào ngày 30.6, Hà Nội FC đã vươn lên vị trí thứ 3 để 15 năm liên tiếp luôn nằm ngoài top 3 giải vô địch quốc gia kể từ mùa 2010. Bốn ngày sau, tối 4.7, Hà Nội FC tiếp tục có trận thắng thuyết phục 4-1 trước đội bóng mạnh Thể Công Viettel ở bán kết Cúp quốc gia 2023-2024 để thiết lập kỷ lục mới: 7 lần vào chung kết Cúp quốc gia!

Đâu là nguyên nhân giúp Hà Nội FC thành công và lấy lại hình ảnh của đội bóng giàu thành tích nhất của BĐVN?

Dù còn quá sớm nhưng ngay lúc này có thể kết luận rằng: sự thay đổi tích cực từ lối chơi đến thành tích của đội Hà Nội có dấu ấn của HLV Daiki Iwamasa.

Trước khi chính thức nhận lời dẫn dắt đội Hà Nội, HLV Daiki đã xem, đã nghiên cứu rất kỹ về phong cách thi đấu của đội Hà Nội và qua nguồn tư liệu này, ông đã nói với truyền thông Việt Nam rằng: các cầu thủ Hà Nội đều có kỹ thuật tốt và phù hợp với triết lý của ông.

Triết lý của ông Daiki

Là thứ bóng đá kiểm soát bóng, tất cả cầu thủ di chuyển đồng bộ trong phòng ngự lẫn tấn công với mục đích đẩy đối thủ càng lùi sâu về cuối sân càng tốt. Đó là xu hướng bóng đá tấn công hiện đại: gây áp lực tầm cao, kiểm soát bóng và luôn sẵn sàng phản công, chuyển đổi nhanh từ phòng thủ qua tấn công để đưa bóng vào lưới khung thành đối phương sớm nhất có thể.

Ông Daiki cũng biết rõ ở V-League, từ lối chơi cho đến thành tích của các câu lạc bộ phụ thuộc quá nhiều vào ngoại binh, thực trạng này về dài lâu không tốt cho các câu lạc bộ cũng như cho cả nền BĐVN, chính vì vậy, quan điểm của ông Daiki khi đến làm việc cho Hà Nội FC rất rõ ràng: đội Hà Nội sẽ là đội bóng không phụ thuộc nhiều vào ngoại binh.

Nhưng vì sao các cầu thủ Hà Nội, đặc biệt là ở hàng tiền đạo luôn gặp vấn đề ở khâu ghi bàn dù kỹ thuật, kỹ năng của các chân sút Hà Nội đều tốt?

Tât cả là vì tâm lý mặc định việc ghi bàn, ưu tiên thuộc về các ngoại binh do đó các nội binh không đủ tự tin và không có nền tảng để sẵn sàng ghi bàn dù có cơ hội. Nhưng vượt lên trên tất cả nguyên nhân của mọi nguyên nhân, đó là do lối chơi của đội tập trung và tạo điều kiện cho các ngoại binh ghi bàn.

Từ quan điểm này, ông Daiki đã xây dựng lối chơi đồng đội và cơ hội được chia đều cho ngoại binh cũng như là nội binh. Ông Daiki nói rõ, ông luôn suy nghĩ nội binh hay ngoại binh đều có thể làm được như nhau, ông sẽ hỗ trợ các nội binh đến cùng, quan trọng là các cầu thủ phải tuân thủ lối chơi của toàn đội, tấn công và tạo cơ hội ghi bàn.

Ông Daiki cũng biết bóng đá phản công đang ưu thế ở Việt Nam, nhưng ông vẫn muốn cùng đội Hà Nội đi ngược dòng chảy, và ông biết rằng các cầu thủ sẽ cảm thấy tích cực nếu đội có kết quả tốt, ngược lại, đội bóng sẽ mất phương hướng. Đó là lý do ông Daiki luôn giải thích rõ ràng trước mỗi đổi thay trong vận hành của đội bóng từ tập luận cho đến khâu chuẩn bị rồi thi đấu. Tất nhiên, ông Daiki khẳng định ông là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi thành-bại của đội.

Nhưng ông Daiki không chỉ có lý thuyết, những gì ông làm, ông thay đổi đều dựa trên các dữ liệu. Qua các buổi tập cũng như thi đấu, từ những thông số đã cho thấy số lần chạy nước rút của cầu thủ Hà Nội đã khác rất nhiều so với trước đó, mà trong bóng đá hiện đại, cự ly đội hình, tốc độ và sức mạnh là rất quan trọng. Ông Daiki cho các cầu thủ Hà Nội biết rõ sự thay đổi tích cực này để tất cả thêm tự tin, vì sự thay đổi này là để phù hợp với xu hướng phát triển của bóng đá hiện đại. Và đúng như ông Daiki mong đợi và hy vọng: các cầu thủ Hà Nội rất nghiêm túc, kỷ luật, tinh thần cầu tiến khi luôn có thái độ làm đúng những gì được yêu cầu như các cầu thủ Nhật Bản.

Kết quả là khi đội Hà Nội được ông Daiki huấn luyện từ vòng 9-League, đội đã ghi được 36 bàn sau 18 trận đạt tỷ lệ 2 bàn/trận, hiệu quả hơn so với 1,125 bàn/trận trước đó. Kết thúc giải, với 45 bàn, Hà Nội là đội bóng có số bàn thắng nhiều thứ ba sau Nam Định (60) và Quy Nhơn Bình Định (47). Tuy nhiên đội Hà Nội có đến 10 cầu thủ ghi bàn trong đó 8/10 là cầu thủ Việt Nam và ghi được 31 bàn chiếm tỷ lệ 68,8%.

Nhớ lại 8 vòng đấu đầu tiên đội Hà Nội ghi được 9 bàn, trong đó Joel Tagueu, Denilson Junior mỗi người ghi 3 bàn, đạt tỷ lệ 66,66% (3 bàn còn lại của Tuấn Hải 2 và Văn Quyết 1). Thống kê này cho thấy khi HLV Daiki chưa đến, đội Hà Nội giống như bao đội khác ở V-League: phụ thuộc vào ngoại binh!

Trong khi đó đến cuối mùa, Nguyễn Văn Quyết và Phạm Tuấn Hải là hai nội binh trong top 10 cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất giải, dưới sự dẫn dắt của HLV Daiki, đội Hà Nội cũng lập nên thành tích đội bóng có chuỗi trận thắng liên tiếp nhiều nhất: 5 trận!

Ngay trọng trận bán kết Cúp quốc gia, đội hình xuất phát của đội Hà Nội cũng chỉ có 2 ngoại binh, đến phút 26 chỉ còn 1 do tiền vệ Da Silva bị chấn thương phải rời sân và được thay bằng Nguyễn Văn Trường. Đến phút 84, đội Hà Nội mới dùng ngoại binh thứ ba là Joel Tagueu. Tuy Tagueu ghi hai bàn vào phút 86 và 90+7, nhưng cả hai bàn đều phối hợp với Tuấn Hải, trong đó bàn đầu tiên do Tuấn Hải kiến tạo và bàn thứ hai Tuấn Hải chuyền bóng cho Tagueu trong vòng 16m50, sau đó Tagueu tính chuyền bóng phối hợp với Tuấn Hải, nhưng bóng lại bật chân trung vệ Thể Công Viettel đến đúng vị trí đang lao xuống của Tagueu và anh đã tung cú sút cháy lưới ấn định tỷ số chung cuộc 4-1.

Kể lại chi tiết hai bàn thắng của Tagueu để chúng ta thấy rõ hơn hai bàn thắng đến từ sự phối hợp và có phần đóng góp không nhỏ của Tuấn Hải – cầu thủ Việt Nam. Còn hai bàn thắng trước đó cũng do hai cầu thủ Việt Nam ghi là Văn Quyết, Hai Long, và kết quả này cũng đến từ những pha phối hợp đồng đội đẹp mắt từ lối chơi không còn phụ thuộc ngoại binh của đội Hà Nội

***

Cuộc cách mạng của ông Daiki bước đầu đã thành công ở Hà Nội FC. Quan trọng hơn là ông Daiki muốn làm điều này ở đội Hà Nội là để BĐVN thay đổi văn hóa bóng đá phản công, là BĐVN có thêm nhiều tiền đạo giỏi… và trên hết là mong muốn góp phần giúp BĐVN phát triển.

Thời gian sẽ có câu trả lời chính xác hơn. Nhưng ít ra HLV Daiki Iwamasa và đội Hà Nội đã đem lại làn gió mới rất thoáng mát và sảng khoái cho môi trường BĐVN.

Đặng Hoàng

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/ha-noi-fc-va-cuoc-cach-mang-mang-ten-daiki-iwamasa-219202.html