Hà Nội hiện thực hóa thành phố thông minh phía Bắc

Hà Nội định hướng phát triển 3 địa phương gồm Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn thành thành phố phía Bắc để làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm, kết nối thông qua không gian trục cảnh quan sông Hồng. Khi hình thành, đây sẽ là một thành phố hiện đại, xanh và thông minh.

Phối cảnh “Thành phố thông minh Bắc Hà Nội”

Phối cảnh “Thành phố thông minh Bắc Hà Nội”

Bổ trợ cho đô thị trung tâm

Cuối tháng 12-2023, Hội đồng nhân dân TP Hà Nội đã thông qua Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065. Đồ án đưa ra các đề xuất mới về mô hình cấu trúc phát triển Thủ đô Hà Nội; định hướng phát triển không gian; định hướng phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, định hướng điều chỉnh quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật…

Đặc biệt, đồ án nhấn mạnh việc xây dựng trục sông Hồng là trung tâm hội tụ, điểm nhấn quan trọng của vùng đô thị hóa đồng bằng sông Hồng và đưa ra mô hình thành phố trong Thủ đô. Theo đó, một thành phố ở phía Bắc sông Hồng sẽ được hình thành, gồm toàn bộ địa giới hành chính các huyện Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn với tổng diện tích khoảng 633km2. Cụ thể, theo định hướng, Đông Anh được kỳ vọng sẽ là “hạt nhân” của thành phố phía Bắc sông Hồng. Đây sẽ là đô thị hiện đại, thông minh, năng động, khai thác phát huy tối đa tiềm năng của Sân bay quốc tế Nội Bài, vị trí giao thoa giữa trục kinh tế Đông - Tây và Bắc - Nam của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đồng thời, đây là thành phố xanh - sạch - thông minh, làm đối trọng và bổ trợ cho đô thị trung tâm, kết nối thông qua không gian trục cảnh quan sông Hồng.

Với ý tưởng xây dựng động lực cho “Thành phố vì hòa bình”, kết nối toàn cầu, thành phố phía Bắc sông Hồng sẽ là trung tâm đối thoại, hợp tác quốc tế tầm cỡ khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đồng thời, Hà Nội xây dựng thành phố phía Bắc là trung tâm nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học 4.0; tập trung đầu tư cho các ngành công nghiệp và dịch vụ kỹ thuật cao, ứng dụng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh cho một thiết chế xã hội bền vững, sử dụng năng lượng sạch.

Thành phố phía Bắc cũng sẽ là trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghiệp văn hóa, trung tâm thu hút tài năng trẻ, khởi nghiệp trong lĩnh vực văn hóa nhằm có thể xuất khẩu văn hóa đến năm 2045; phát triển du lịch kết hợp phát huy, bảo tồn các không gian cảnh quan, kiến trúc lịch sử, văn hóa truyền thống trên cơ sở quần thể Cổ Loa thành, đền Sóc, chuỗi du lịch liên tỉnh trên hành lang sông Hồng.

Thành phố phía Bắc cũng sẽ phát triển trung tâm logistics có quy mô lớn tại miền Bắc, trung tâm đầu mối giao thương quốc tế, phát triển cảng cạn ICD, thúc đẩy hạ tầng xuất nhập khẩu, trung tâm thương mại miễn thuế, “outlet” lớn tại khu vực. Ngoài ra, thành phố sẽ nghiên cứu phát triển các trung tâm giải trí và thương mại giải trí, kinh doanh, kinh tế đêm, cùng hệ thống sân golf sẽ hình thành chuỗi tổ hợp vui chơi giải trí, văn hóa, thể dục thể thao tầm cỡ quốc tế…

Điểm nhấn từ “Thành phố thông minh Bắc Hà Nội”

Đầu tháng 11-2023, Dự án “Thành phố thông minh Bắc Hà Nội” đã được công bố triển khai tại huyện Đông Anh, với tổng mức đầu tư dự kiến gần 4,2 tỷ USD. Nằm tại trung tâm của quy hoạch hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài, “Thành phố thông minh Bắc Hà Nội” có tổng diện tích gần 272ha tại các xã Hải Bối, Vĩnh Ngọc và Kim Nỗ.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân TP Hà Nội Dương Đức Tuấn, dự án có hạng mục tháp tài chính 108 tầng thuộc danh mục các công trình trọng điểm đã được Hội đồng nhân dân thành phố quyết nghị, là công trình có thiết kế quy mô lớn thể hiện ý tưởng và công nghệ mới, sáng tạo mang tầm quốc tế. Với thiết kế hiện đại, hài hòa và bền vững trên nền tảng công nghệ thông minh, thành phố xanh, tiết kiệm năng lượng, thân thiện môi trường dựa trên kinh nghiệm phát triển đô thị, quản lý đô thị của Nhật Bản, dự án được kỳ vọng sẽ góp phần giải quyết được những vấn đề lớn về hạ tầng hiện nay của Thủ đô như giao thông, năng lượng, giáo dục, y tế, môi trường… đóng góp cho kết quả hiện thực hóa Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội.

Cụ thể, Dự án “Thành phố thông minh Bắc Hà Nội” sẽ được triển khai thành 5 giai đoạn. Giai đoạn 1 và giai đoạn 2, được triển khai từ quý IV-2023 đến quý IV-2028, gồm các chức năng chính: cây xanh thành phố, công trình công cộng, nhà ở, trường học, giao thông, bãi đỗ xe, các công trình di tích, tôn giáo và các dự án riêng… Giai đoạn 3, 4 sẽ có thêm các công trình hỗn hợp, trạm trung chuyển đa phương thức, công trình di tích… Giai đoạn 5 được triển khai từ quý IV-2023 đến quý IV-2032, gồm trung tâm tài chính, thương mại hỗn hợp cao 108 tầng; cây xanh khu vực, giao thông, bãi đỗ xe…

Còn quá sớm để nói về hình hài của dự án này khi hoàn thành, thậm chí có thể kéo dài nhiều năm, song theo kỳ vọng từ phía chủ đầu tư dự án, “Thành phố thông minh Bắc Hà Nội” sẽ hiện thực hóa một trung tâm đô thị đẳng cấp quốc tế dẫn đường cho kỷ nguyên mới của khu vực ASEAN; là một thành phố hướng tới tăng trưởng xanh, nơi người dân cùng phát triển bền vững qua nhiều thế hệ.

Có thể thấy, nhìn vào tiềm năng, thế mạnh và sự phát triển năng động ở 3 huyện phía Bắc sông Hồng, nhất là sự bứt phá mạnh mẽ của huyện Đông Anh khi sắp đạt đủ các tiêu chí lên quận trong thời gian ngắn tới đây, hình hài về một thành phố Bắc sông Hồng hiện đại không phải chỉ là đồ án nằm trên bản vẽ. Bức tranh về thành phố Bắc sông Hồng hứa hẹn đầy tươi sáng, năng động, góp phần đưa Thủ đô phát triển hiện đại, văn minh, bền vững.

Đại biểu Quốc hội, PGS.TS Hoàng Văn Cường (Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân): Mô hình thành phố trực thuộc thành phố

“Thủ đô Hà Nội có tiềm năng phát triển rất lớn. Đây là một trung tâm phát triển toàn diện cả về chính trị, kinh tế, đối ngoại, văn hóa, xã hội, không chỉ của vùng đồng bằng sông Hồng, của cả nước, mà còn là cửa ngõ của Đông Nam Á. Do đó, quy hoạch đô thị phải khai thác hết các tiềm năng, thế mạnh của thành phố.

Theo Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, thành phố sẽ phát triển theo trục sông Hồng, xây dựng trục không gian sông Hồng là đô thị trung tâm, không gian văn hóa sáng tạo, trục phát triển kinh tế - xã hội và là không gian điểm nhấn biểu tượng của thành phố. Với định hướng phát triển thành phố hai bên sông Hồng như vậy, việc quy hoạch, đầu tư phát triển thành phố phía Bắc sông Hồng là rất quan trọng để giúp Hà Nội hiện thực hóa. Thành phố Bắc sông Hồng cần được quy hoạch phát triển đồng bộ để tạo ra một đô thị văn minh, hiện đại, không chỉ là xây lên những công trình cao tầng mà còn phải sử dụng công nghệ, thiết kế, kiến trúc hiện đại nhất; có trục giao thông kết nối đồng bộ; hệ thống hạ tầng đồng bộ để phục vụ cho đời sống, tạo công ăn việc làm cho người dân… Và khi những đô thị này được hình thành sẽ tạo ra diện mạo mới, bộ mặt mới cho Thủ đô. Mô hình thành phố trực thuộc thành phố rất cần đưa vào Luật Thủ đô (sửa đổi), bởi không phải chỉ có thành phố phía Bắc sông Hồng hay thành phố phía Tây như mô hình Hà Nội hiện đang đề xuất mà có thể trong tương lai còn có những thành phố khác.

Tôi cho rằng, Hà Nội nên đặt ra mô hình cả Hà Nội là một đô thị đặc biệt. Trong đô thị đặc biệt này có 2 phần, một phần là đô thị trung tâm, tức vùng này hoàn toàn là đô thị. Phần còn lại sẽ có cả vùng đô thị và vùng nông thôn, nhưng nông thôn phát triển theo các tiêu chí của đô thị đặc biệt, và phần này được gọi là các thành phố (thành phố trong đô thị đặc biệt). Như vậy, cơ chế thành phố trong Thủ đô là một cơ chế để tạo ra các không gian phát triển ở tất cả mọi vùng trên địa bàn Thủ đô, phát triển theo các tiêu chí, quy chuẩn để hướng tới xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại”.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ha-noi-thuc-hien-hoa-thanh-pho-thong-minh-phia-bac-post565778.antd