Hà Nội: Kiên quyết không để xảy ra gian lận trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (THPT) năm 2024 đã cận kề. Với 108.573 thí sinh đăng ký dự thi, thành phố Hà Nội là địa phương có quy mô thí sinh dự thi lớn nhất cả nước. Chính vì vậy, công tác tổ chức kỳ thi đòi hỏi mức độ cao hơn về tính chu đáo và các điều kiện bảo đảm an toàn.

Bảo đảm các điều kiện

Theo kế hoạch, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 sẽ diễn ra trong hai ngày 27 - 28/6. Trong đó, ngày 27/6, buổi sáng thí sinh dự thi môn Ngữ văn, buổi chiều thí sinh dự thi môn Toán; ngày 28/6, buổi sáng thí sinh dự thi bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội, buổi chiều thí sinh dự thi môn Ngoại ngữ. Trước đó, ngày 26/6, các thí sinh đến phòng thi làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có) và nghe phổ biến Quy chế thi, lịch thi. Ngày 29/6 là ngày thi dự phòng.

Với 108.573 thí sinh đăng ký dự thi (94.935 thí sinh dự thi theo chương trình giáo dục THPT và 13.638 thí sinh dự thi theo chương trình Giáo dục thường xuyên), thành phố Hà Nội là địa phương có quy mô thí sinh dự thi lớn nhất cả nước. Để tổ chức kỳ thi, Thành phố đã bố trí 196 điểm thi với 4.532 phòng thi chính thức tại 30 quận, huyện, thị xã; điều động 15.115 cán bộ, giáo viên, nhân viên tham gia công tác coi thi và gần 600 cán bộ, giáo viên tham gia công tác chấm thi…

Với 108.573 thí sinh đăng ký dự thi, thành phố Hà Nội là địa phương có quy mô thí sinh dự thi lớn nhất cả nước.

Với 108.573 thí sinh đăng ký dự thi, thành phố Hà Nội là địa phương có quy mô thí sinh dự thi lớn nhất cả nước.

Một trong những điểm mới tại kỳ thi năm nay là ngoài giáo viên các trường công lập, Hà Nội còn huy động giáo viên các trường tư thục, hiệp quản, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên tham gia coi thi. Vì vậy, việc phổ biến, hướng dẫn nghiệp vụ coi thi và những quy định có liên quan được đặc biệt quan tâm, bảo đảm 100% thành viên tham gia làm nhiệm vụ đều nắm vững quy chế.

Quán triệt tinh thần quyết tâm tổ chức kỳ thi bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công bằng và tạo điều kiện tốt nhất cho thí sinh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hà Nội Trần Thế Cương đã yêu cầu lãnh đạo 196 điểm thi chuẩn bị kỹ càng, toàn diện mọi điều kiện, trong đó tăng cường giám sát để bảo vệ tuyệt đối an toàn và bảo mật cho đề thi, từ khâu giao - nhận đề đến khâu bảo quản tại điểm thi trong suốt thời gian thi. Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đặc biệt lưu ý, lãnh đạo các điểm thi cần triển khai tập huấn nghiêm túc, đầy đủ cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nắm vững các quy định, quy chế thi, đảm bảo tối đa quyền lợi của thí sinh.

Nhấn mạnh tới những tình huống bất thường có thể xảy ra trong kỳ thi, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu phụ trách các điểm thi không được lơ là, chủ quan. Các cán bộ, giáo viên, nhân viên làm nhiệm vụ cần nêu cao trách nhiệm trong mỗi khâu, mỗi công đoạn theo tinh thần “3 chủ động”, “4 đúng” và “3 không”. Trong đó, “3 chủ động” gồm: Chủ động công tác thông tin tuyên truyền với phụ huynh, thí sinh, dư luận xã hội; chủ động đề xuất chuẩn bị các điều kiện tổ chức kỳ thi; chủ động thông tin báo cáo và xử lý thông tin. “4 đúng” gồm: Đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng đủ quy trình; đúng vị trí, chức trách, nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” gồm: Không lơ là chủ quan, không tự ý xử lý các tình huống bất thường và không gây căng thẳng quá mức.

Ngoài ra, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đề nghị lãnh đạo các điểm thi chủ động làm việc với Ban Chỉ đạo thi cấp quận, huyện, thị xã và chính quyền địa phương về tăng cường công tác phối hợp bảo đảm an ninh, an toàn cho kỳ thi; phân luồng giao thông, giải tỏa các điểm ùn tắc. Đặc biệt, các điểm thi cần có phương án bảo vệ các phòng thi sát nhà dân; phương án phòng, chống cháy nổ, mưa lũ, mất điện; phương án ứng trực cấp cứu bảo đảm sức khỏe cho thí sinh…

Kiên quyết không để xảy ra gian lận

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 là kỳ thi cuối cùng theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Xác định ý nghĩa quan trọng của kỳ thi khi kết quả thi vừa được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa là một trong những yếu tố để các cơ sở đào tạo sử dụng để tuyển sinh, việc ngăn ngừa các nguy cơ gian lận được đặt lên hàng đầu.

Công an Hà Nội hướng dẫn cán bộ coi thi nhận diện thiết bị có thể được sử dụng để gian lận trong kỳ thi.

Công an Hà Nội hướng dẫn cán bộ coi thi nhận diện thiết bị có thể được sử dụng để gian lận trong kỳ thi.

Thượng tá Ngô Xuân Hải (Phó trưởng Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an thành phố Hà Nội) đề nghị các cán bộ, giáo viên, nhân viên làm việc tại các điểm thi, dù vừa hoàn thành nhiệm vụ tại kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 cũng không chủ quan, lơ là khi thực hiện nhiệm vụ. Bên cạnh đó, các cán bộ coi thi cần nhắc nhở thí sinh đề thi là tài liệu bí mật Nhà nước độ “tối mật”, nếu cố tình sao chụp, phát tán sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Đặc biệt, khi phát hiện thí sinh sử dụng thiết bị gian lận, Trưởng điểm thi cần lập biên bản và báo cáo ngay cho lực lượng Công an để kịp thời truy xét, khẩn trương ngăn chặn việc phát tán ra bên ngoài, hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kỳ thi.

“Hà Nội là địa phương có số thí sinh tự do rất lớn. Các điểm thi cần nhắc nhở thí sinh, không để xảy ra gian lận, đặc biệt là mang điện thoại vào phòng thi. Các điểm thi cần chủ động giải pháp ứng phó với tình huống bất thường, bảo đảm thuận lợi nhất cho thí sinh. Các trường phổ thông có học sinh dự thi cũng cần quan tâm, phối hợp với gia đình trong việc chăm sóc sức khỏe, không nên tạo căng thẳng cho thí sinh; đồng thời tính toán khoảng cách di chuyển từ nhà đến điểm thi để thí sinh không đi thi muộn”, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương nhắn nhủ.

Một số phương pháp phát hiện hoạt động sử dụng phương tiện kỹ thuật để thực hiện hành vi gian lận thi cử đã được Thượng tá Hà Thị Hằng (Phó trưởng Phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Công an thành phố Hà Nội) triển khai tới lãnh đạo 196 điểm thi. Trong đó, các hành vi sử dụng thiết bị kỹ thuật và công nghệ để gian lận trong thi cử, không chỉ diễn ra với thí sinh mà còn diễn ra với cả giáo viên và phụ huynh. Ngoài ra, việc quan sát, nhận biết thái độ, hành vi bất thường của thí sinh cũng cần được các cán bộ coi thi chú trọng để kịp thời phát hiện, ngăn chặn gian lận...

Phó Trưởng phòng Quản lý thi và Kiểm định chất lượng (Sở GD&ĐT Hà Nội) Nguyễn Thị Thúy Bạch lưu ý các điểm thi đặc biệt quan tâm việc chuẩn bị điều kiện cơ sở vật chất bảo đảm an toàn, đúng quy định. Theo đó, mỗi phòng thi phải bố trí chỗ ngồi cho 24 thí sinh, khoảng cách tối thiểu giữa hai thí sinh ngồi cạnh nhau là 1,2m theo hàng ngang.

Điểm khác của kỳ thi này so với kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 là ngoài phòng thi chính thức còn có thêm 2 loại phòng thi dự phòng, dành cho những điểm thi có thí sinh không dự thi đủ các môn thi trong bài thi tổ hợp (bài thi tổ hợp có ba môn thi). Loại thứ nhất là phòng chờ vào - dành cho thí sinh chỉ thi môn thứ hai hoặc môn thứ ba, thi môn thứ hai và môn thứ ba của bài thi tổ hợp. Loại thứ hai là phòng chờ ra - dành cho thí sinh chỉ thi môn thứ nhất, môn thứ hai hoặc thi môn thứ nhất và môn thứ hai của bài thi dự phòng. Sở GD&ĐT Hà Nội yêu cầu các điểm thi lưu ý nội dung này trong quá trình chuẩn bị, đồng thời rà soát kỹ các điều kiện bảo đảm an toàn cho kỳ thi.

Chánh Thanh tra Sở GD&ĐT Hà Nội Đoàn Thị Kiều Oanh cho biết, qua kiểm tra, hiện nay hầu hết các điểm thi đã chuẩn bị đầy đủ các phương án, phương tiện chu đáo, kỹ lưỡng, chỉ còn một số điểm chưa hoàn thành lắp đặt camera, thiếu tủ đựng bài thi. Tuy nhiên, các điểm thi này đã cam kết sẽ hoàn thiện các khâu vào ngày 24/6. Sở GD&ĐT Hà Nội sẽ tiếp tục thanh kiểm tra, đảm bảo tất cả 196 điểm thi hoàn thành các điều kiện, sẵn sàng tổ chức kỳ thi nghiêm túc, an toàn, đúng quy định.

T.P

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/ha-noi-kien-quyet-khong-de-xay-ra-gian-lan-trong-ky-thi-tot-nghiep-thpt-nam-2024-172665.html