Hà Nội: Lấy ý kiến phân vùng dừng hoạt động của xe máy và thu phí phương tiện vào nội đô

Ngày 25/10, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đã tổ chức hội nghị lấy ý kiến các tổ chức xã hội về việc xây dựng đề án phân vùng dừng hoạt động xe máy vào năm 2030 và thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc giao thông.

Hoàn thiện đề án phân vùng dừng hoạt động xe máy vào năm 2030 và thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn nhằm giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông tại Hà Nội (Ảnh minh họa)

Tại hội nghị, Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Vũ Văn Viện cho biết, trên địa bàn thành phố hiện nay có 6,6 triệu phương tiện giao thông trong đó có 5,9 triệu xe máy, 0,6 triệu ô tô, phương tiện trong giai đoạn 2011 - 2018 tăng trung bình 11% năm.

Tốc độ tăng trưởng của đường bộ không theo kịp với sự phát triển của phương tiện dẫn đến quá tải cho hệ thống đường bộ, làm cho tình trạng ùn tắc ngày càng diễn ra phức tạp, ô nhiễm môi trường ngày càng tăng lên.

Vì vậy tháng 7/2017, HĐND Thành phố Hà Nội đã thông qua Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ nhằm giảm ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường giai đoạn 2017- 2020 tầm nhìn 2030”.

Trong đó nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng 2 đề án “Thu phí phương tiện cơ giới vào một số khu vực trên địa bàn thành phố có nguy cơ ùn tắc và ô nhiễm môi trường để hạn chế số lượng xe cơ giới đi vào”.

Và đề án “Phân vùng hạn chế hoạt động của xe máy phù hợp với cơ sở hạ tầng và năng lực phục vụ của hệ thống vận tải hành khách công cộng tiến tới dừng hoạt động của xe máy tại các quận vào năm 2030”.

Các ý kiến tại hội nghị đã làm những nội dung liên quan đến khu vực thu phí, các điều kiện cần thiết để thực hiện thuy phí, các giải pháp hỗ trợ nhằm giảm tác động bất lợi cho nhân dân khi thu phí; lộ trình thực hiện.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Viện chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết, Hà Nội hiện có 12 quận, huyện. Đến năm 2030, khi đề án được thực hiện, Hà Nội sẽ có 17 quận (5 quận mới chuyển từ các huyện ngoại thành: Hoài Đức, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh, Đan Phượng).

Từ thực tế này, việc xây dựng Đề án dừng hoạt động xe máy vào nội đô cũng phải tính cả địa giới hành chính 5 huyện hiện nay.

Với đề án thứ 2, đơn vị sẽ tính toán để xác định mốc phạm vi từ các đường vành đai trở vào. Trong đó, với hạ tầng và mặt cắt đường đủ rộng, các tuyến đường Vành đai 1, Vành đai 2, và Vành đai 3 đều được tính đến.

Vệc lựa chọn vành đai hạn chế hoạt động xe máy sẽ căn cứ điều kiện phát triển kinh tế xã hội, hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và vận tải hành khách công cộng sẽ tiến hành lựa chọn vành đai hạn chế hoạt động xe máy phù hợp.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty vận tải Hà Nội Nguyễn Công Nhật đã đề xuất các giải pháp phục vụ nhu cầu đi lại cho người dân trong khu vực hạn chế xe máy.

Trong đó tăng cường chính sách ưu tiên phát triển vận tải hành khách công cộng, đổi mới về phương tiện, lộ trình hợp lý, nâng cao chất lượng dịch vụ… thu hút hành khách đi xe buýt.

P.V

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-lay-y-kien-phan-vung-dung-hoat-dong-cua-xe-may-va-thu-phi-phuong-tien-vao-noi-do-post69716.html