Hà Nội lung linh sắc màu qua Triển lãm 'Phố xưa hè cũ' của chàng trai khiếm thính

Tuy bị thiệt thòi hơn các bạn cùng trang lứa, nhưng Trần Nam Long lại có khả năng thiên bẩm về hội họa. Và điều đó được thể hiện qua loạt tranh cực thực về phố Hà Nội được ra mắt người đam mê nghệ thuật tại Triển lãm 'Phố xưa hè cũ' vào chiều 2/3 tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài.

Khi sinh ra được 1 tuổi, sau một trận ốm nặng, cậu bé Trần Nam Long đã mất hoàn toàn thính lực. Vài năm sau đó, em được chẩn đoán mắc chứng tự kỷ tăng động ở mức nặng. Bên cạnh đó, Trần Nam Long còn bị dị tật ở chân và phải trải qua nhiều cuộc phẫu thuật. Chưa dừng lại, điều không may mắn lại đổ ập xuống gia đình nhỏ của Long khi cha cậu qua đời sớm.

Như sự bù trù của tự nhiên, con người khiếm khuyết điều này thì sẽ được ông trời bù lại một khả năng thiên bẩm khác. Trần Nam Long là một trường hợp như thế. Trong thế giới tĩnh lặng của người vô thanh, cậu có khả năng ghi nhớ một cách chính xác các sự vật hiện tượng. Nam Long thích vẽ và bộc lộ năng khiếu về hội họa ngay từ nhỏ. Không có khả năng nghe và nói nhưng cậu lại có thể lắng nghe bằng mắt và nói bằng tranh.

 Họa sĩ trẻ Trần Nam Long cùng mẹ (bên trái) tại triển lãm "Phố xưa hè cũ".

Họa sĩ trẻ Trần Nam Long cùng mẹ (bên trái) tại triển lãm "Phố xưa hè cũ".

Để được như ngày hôm nay, Trần Nam Long đã vượt qua muôn vàn khó khăn và tình yêu thương của mẹ, sự tận tâm giúp đỡ của các thầy cô giáo dạy vẽ. Mẹ của em đã đồng hành cùng con, rong ruổi khắp các ngõ phố của Hà Nội để Long vẽ ký họa. Cậu có thể vẽ chính xác từng đường nét kiến trúc, các chi tiết trên đường phố một cách say sưa.

Những thiệt thòi về thể chất như mất thính lực hoàn toàn lại giúp Trần Nam Long tập trung vào các bức họa và đặc tả về đô thị cũ Hà Nội theo lối cực thực. Xem tranh của Long, mọi người đều cảm nhận phố Hà Nội tĩnh lặng, lãng đãng và thanh nhã cố hữu.

Những ngôi nhà trên phố cổ như Tô Hiến Thành, Trần Xuân Soạn, Phan Huy Chú, Trần Hưng Đạo, Đặng Tất hay khu tập thể D14 Phương Mai, tập thể A12 Tôn Thất Tùng đã được Trần Nam Long lưu giữ vẻ đẹp xưa cũ và bảo lưu một cách cẩn thận, nơi thời gian ngừng trôi. Hội họa là chiếc chìa khóa đã mở cho Long cánh cửa đến với thế giới với bên ngoài. Và chính Long đã đưa mọi người đến với thế giới tĩnh lặng, nhiều màu sắc của cậu.

Chia sẻ tại triển lãm, nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân, Phó viện trưởng Viện Nhân học văn hóa nhận xét, tông vàng chủ đạo trong tranh phố của Long gợi cho ông đến một thứ hoài niệm cá nhân, của ký ức và trải nghiệm riêng tư, là khi con người hằng nhớ về ấu thơ hồn nhiên vô ưu, nơi mọi thứ đều đơn giản và hạnh phúc hơn.

 Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân, Phó viện trưởng viện nhân học văn hóa phát biểu tại triển lãm.

Nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân, Phó viện trưởng viện nhân học văn hóa phát biểu tại triển lãm.

"Tuy không được học vẽ bài bản nhưng tranh của Long, dù là ký họa hay tác phẩm sơn dầu hoàn chỉnh, có độ chi tiết kỳ lạ và bố cục, tỉ lệ chuẩn xác về kiến trúc. Nếu để ý kỹ, có những cái vụng của người không trải qua trường lớp chính quy, song, đây là sự non vụng làm nổi bật cái nhìn trong sáng vốn là giá trị thực sự trong tác phẩm của Long.

Tôi nghĩ, tranh Hà Nội của Long được đón nhận và yêu mến bởi tính cộng cảm và hoài niệm phổ quát. Nhìn ngắm chúng, mỗi chúng ta sẽ tự liên hệ tới từng câu chuyện, từng trải nghiệm, từng kỷ niệm của riêng ta với Hà Nội", nhà nghiên cứu Phạm Minh Quân chia sẻ.

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Trần Hậu Yên Thế đã chia sẻ một kỷ niệm nho nhỏ về Trần Nam Long. Đó là lần cậu cùng các anh chị trong nhóm Ký họa đô thị tới vẽ trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam. Anh đã lặng người đi khi thấy bàn chân của Nam Long vừa phẫu thuật, phải chống nạng để đi và thương hơn nữa khi biết em là người khiếm thính.

Năm 2019, khi lựa chọn các tác phẩm ký họa cho triển lãm "Mỹ thuật Đông Dương và nghệ thuật ứng dụng tại Hà Nội-nửa đầu thế kỷ 20" tại Bảo tàng Hà Nội, Trần Hậu Yên Thế đã chọn bức vẽ tòa nhà số 65 Nguyễn Thái Học của Long.

5 năm đã trôi qua, giờ Trần Nam Long ngày nào đã trở thành chàng trai 18 tuổi bên những tác phẩm mới vẽ về những con phố thân quen rất Hà Nội. Đó là phố Phùng Hưng-Hàng Mã, cửa hàng phở gia truyền Mai Hà số 20 Phan Huy Chú, hiệu thuốc chữa sâu răng số 24 Trần Xuân Soạn...

"Hà Nội ngày một đông đúc, đồ sộ, tấp nấp, tân kỳ nhưng Hà Nội của em nho nhỏ quen quen, vừa đủ để ta quanh quẩn cả đời, bịn rịn và nhớ nhung khi xa", nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế đánh giá.

Một số tác phẩm hội họa của Trần Nam Long trưng bày tại Triển lãm “Phố xưa hè cũ”

 Toàn cảnh triển lãm “Phố xưa hè cũ” của họa sĩ trẻ Trần Nam Long chiều 2/3 tại Hà Nội.

Toàn cảnh triển lãm “Phố xưa hè cũ” của họa sĩ trẻ Trần Nam Long chiều 2/3 tại Hà Nội.

 Người dân, du khách thưởng lãm tranh của Trần Nam Long.

Người dân, du khách thưởng lãm tranh của Trần Nam Long.

 Tác phẩm 'Nắng' của Trần Nam Long.

Tác phẩm 'Nắng' của Trần Nam Long.

 Tác phẩm Phố Hàng Đường.

Tác phẩm Phố Hàng Đường.

 Tác phẩm "Phố Tô Hiến Thành".

Tác phẩm "Phố Tô Hiến Thành".

 Tác phẩm "Phố Nguyễn Biểu".

Tác phẩm "Phố Nguyễn Biểu".

 Nhiều du khách check-in bên tác phẩm của họa sĩ trẻ Trần Nam Long.

Nhiều du khách check-in bên tác phẩm của họa sĩ trẻ Trần Nam Long.

Ở tuổi 18, tài năng trẻ Trần Nam Long đã có triển lãm tranh cá nhân đầu tiên diễn ra từ ngày 2/3 đến ngày 6/3 tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài, Hà Nội. Triển lãm giới thiệu gần 80 tác phẩm và đã có nhiều bức trong số này được các nhà sưu tầm sưu tập.

Sự thành công ở những bước đi chập chững đầu tiên của Trần Nam Long trong thế giới hội họa là minh chứng cho tấm gương vượt khó và là một trường hợp khích lệ đầy cảm hứng không chỉ dành cho các em khuyết tật, mà cho các bậc làm cha làm mẹ. Những trớ trêu, thách thức của số phận không hẳn sẽ khép lại một cuộc đời, mà trái lại, đôi khi lại mở ra những cách tiếp cận mới trong nghệ thuật, những nghị lực phi thường để chiến thắng số phận.

Tin và ảnh: Trung Nguyễn

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-lung-linh-sac-mau-qua-trien-lam-pho-xua-he-cu-cua-chang-trai-khiem-thinh-post237612.html