Hà Nội phát động chiến dịch '45 ngày đêm ra quân hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số'

Hà Nội vừa phát động Chiến dịch '45 ngày đêm ra quân hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số' để vận hành chính quyền địa phương hai cấp.

Ngày 24-7, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh đã ký ban hành Chỉ thị triển khai Chiến dịch “45 ngày đêm ra quân hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số tại các xã, phường trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp”.

Theo chỉ đạo này, việc ứng dụng công nghệ số trong quản lý và phục vụ người dân phải được thực hiện đồng bộ, nhanh chóng, hiệu quả, đặc biệt trong bối cảnh TP Hà Nội vừa hoàn tất sắp xếp lại các đơn vị hành chính cấp xã, phường.

100% xã, phường phải có cán bộ CNTT, chuyển đổi số

Một trong những yêu cầu bắt buộc trong đợt ra quân này là tất cả các xã, phường trên địa bàn TP Hà Nội đều phải bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm phụ trách CNTT và chuyển đổi số.

Đối với các địa phương chưa có nhân sự phù hợp, TP cho phép chủ động ký hợp đồng thuê cán bộ CNTT theo hướng dẫn của Sở Nội vụ. Đây là điều kiện tiên quyết để các xã, phường triển khai hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số, vận hành tốt mô hình chính quyền hai cấp, phục vụ người dân nhanh hơn, minh bạch hơn.

Cùng với đó, mỗi xã, phường sẽ được bố trí tối thiểu 2 nhân sự hỗ trợ kỹ thuật đến từ các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin, hoặc sinh viên công nghệ thông tin từ các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP.

Thành phố chỉ đạo các xã, phường khẩn trương kiện toàn Tổ Chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố; đồng thời, thành lập Tổ Ứng cứu công nghệ và nghiệp vụ ở cấp cơ sở để kịp thời hỗ trợ cán bộ và người dân trong quá trình sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

 Hà Nội yêu cầu 100% xã, phường trên địa bàn TP Hà Nội đều phải bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm phụ trách CNTT và chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Phú

Hà Nội yêu cầu 100% xã, phường trên địa bàn TP Hà Nội đều phải bố trí cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm phụ trách CNTT và chuyển đổi số để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Ảnh: Trọng Phú

Các tổ này sẽ được tập huấn đầy đủ về kỹ năng số, hướng dẫn sử dụng các nền tảng như Cổng Dịch vụ công quốc gia, hệ thống iHanoi, các ứng dụng trí tuệ nhân tạo phục vụ người dân…

Đặc biệt, thành viên tổ chuyển đổi số sẽ đóng vai trò “cầm tay chỉ việc”, hỗ trợ người dân, nhất là người cao tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo… trong việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Tập huấn cho cả người dân và cán bộ

Một điểm nhấn quan trọng khác trong chiến dịch lần này là việc triển khai mô hình “Bình dân học vụ số lưu động” – nơi người dân được hướng dẫn tận tay cách sử dụng các nền tảng số để làm thủ tục hành chính, truy cập thông tin và dịch vụ công.

Các điểm lưu động này sẽ được trang bị đầy đủ thiết bị, nhân lực, mạng kết nối (bao gồm cả mạng 5G) để phục vụ hiệu quả nhu cầu của người dân. TP cũng khuyến khích các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ hỗ trợ hạ tầng tại các điểm phục vụ người dân.

Chỉ thị cũng yêu cầu toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức cấp xã sẽ tham gia các khóa đào tạo kỹ năng số cơ bản, bao gồm học trực tuyến, trực tiếp và “cầm tay chỉ việc”. Nội dung tập trung vào khai thác, vận hành các hệ thống thông tin, nền tảng số phục vụ chính quyền hai cấp, như hệ thống giải quyết thủ tục hành chính, các phần mềm dùng chung…

Việc hoàn thành khóa học sẽ là một trong những tiêu chí đánh giá, khen thưởng cuối năm của các đơn vị cơ sở.

Bên cạnh đó, TP cũng bố trí các kênh hỗ trợ kỹ thuật 24/7 để cán bộ, công chức không bị gián đoạn trong quá trình làm việc, xử lý hồ sơ cho người dân.

Chiến dịch huy động sức mạnh tổng hợp từ các sở, ban, ngành, trường đại học, doanh nghiệp công nghệ, đoàn thể thanh niên và cả người dân. Thành đoàn Hà Nội và các trường đại học sẽ cử sinh viên CNTT xuống các xã, phường hỗ trợ trong suốt chiến dịch.

Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội là đơn vị chủ lực trong việc vận hành hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính, đảm bảo hỗ trợ kịp thời tại chỗ. Đơn vị này cũng sẽ phối hợp với các sở, ngành tổ chức dịch vụ công lưu động và triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo trên hệ thống iHanoi để hỗ trợ người dân giải đáp thủ tục.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội giao Sở Khoa học và Công nghệ làm đầu mối điều phối các lực lượng CNTT, tổ chức tập huấn, huy động nguồn nhân lực và đánh giá kết quả thực hiện chiến dịch.

Sở Tài chính được giao bố trí nguồn ngân sách cần thiết; Sở Nội vụ hướng dẫn bố trí nhân sự; Công an TP Hà Nội phối hợp triển khai tài khoản quản trị các nền tảng học tập số.

Tại chỉ thị, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh yêu cầu các xã, phường lập kế hoạch cụ thể, phân công rõ trách nhiệm, báo cáo kết quả thực hiện về Trung tâm Phục vụ hành chính công trước 16 giờ hằng ngày. Trường hợp không thực hiện đúng tiến độ, báo cáo thiếu hoặc không báo cáo sẽ bị xử lý nghiêm.

TP cũng giao các cơ quan báo chí, truyền thông đẩy mạnh tuyên truyền để người dân nắm bắt kịp thời thông tin và hưởng ứng tích cực chiến dịch.

Chiến dịch chính thức bắt đầu từ ngày 24-7-2025, kéo dài trong 45 ngày liên tục. Trong khoảng thời gian này, Hà Nội kỳ vọng từng cán bộ xã, phường trở thành một “hạt nhân số”, từng người dân tiếp cận được dịch vụ số cơ bản, góp phần vận hành trơn tru chính quyền địa phương hai cấp – một mô hình mới đòi hỏi sự đồng bộ và chuyên nghiệp từ cơ sở.

Trọng Phú

Nguồn PLO: https://plo.vn/ha-noi-phat-dong-chien-dich-45-ngay-dem-ra-quan-ho-tro-hoat-dong-chuyen-doi-so-post862282.html