Hà Nội: Phương án và lộ trình tăng giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt từ 1/7

Theo tờ trình, Sở Tài chính đã đề ra phương án và lộ trình tăng giá nước sạch sinh hoạt sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2023 và từ ngày 1/1/2024.

Lộ trình tăng giá nước sạch

Theo Tờ trình đề nghị phê duyệt phương án điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố của Sở Tài chính gửi UBND thành phố Hà Nội, phương án và lộ trình tăng giá nước sẽ áp dụng từ ngày 1/7/2023 và từ ngày 1/1/2024. Với các hộ dân cư khu vực nội thành, số tiền dự tính phải chi thêm khoảng 15.000 - 26.000 đồng/tháng...

Việc điều chỉnh giá nước sạch sinh hoạt trên địa bàn thành phố được chia thành các giai đoạn cụ thể.

Theo đó, đối với hộ dân, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá 10m3 nước đầu tiên (hộ/tháng) được điều chỉnh từ 5.973 đồng/m3 tăng lên 7.500 đồng/m3; từ trên 10-20m3 là 8.800 đồng; từ trên 20-30m3 là 12.000 đồng; từ trên 30m3 là 24.000 đồng.

Từ năm 2024 sẽ là 8.500 đồng/m3 đối với 10m3 đầu tiên; từ trên 10-20m3 là 9.900 đồng; từ trên 20-30m3 là 16.000 đồng; từ trên 30m3 là 27.000 đồng.

Theo các chuyên gia, phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.

Theo các chuyên gia, phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.

Đối với cơ quan hành chính sự nghiệp, đơn vị sự nghiệp, phục vụ công cộng, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 9.955 đồng/m3 tăng lên thành 12.000 đồng/m3. Từ năm 2024 sẽ là 13.500 đồng/m3.

Đối với đơn vị hoạt động sản xuất vật chất, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 11.615 đồng/m3 tăng lên thành 15.000 đồng/m3. Từ năm 2024 sẽ là 16.000 đồng/m3.

Đối với đơn vị kinh doanh dịch vụ, trong 6 tháng cuối năm 2023, mức giá được điều chỉnh từ 22.068 đồng/m3 tăng lên thành 27.000 đồng/m3; từ năm 2024 sẽ là 29.000 đồng/m3.

Đặc biệt, đối với hộ dân thuộc diện gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ cận nghèo, mức giá nước sạch áp dụng tại mức sử dụng nước sạch 10m3 đầu tiên vẫn được giữ nguyên theo mức giá cũ là 5.973 đồng/m3.

Dự kiến giá nước sạch của Hà Nội sau khi điều chỉnh từ ngày 1/7

Dự kiến giá nước sạch của Hà Nội sau khi điều chỉnh từ ngày 1/7

Tăng giá tác động tới người dân như thế nào?

Theo Sở Tài chính Hà Nội, so với giá nước sạch của các tỉnh, thành phố khác, phương án giá điều chỉnh của thành phố Hà Nội tương đương hoặc thấp hơn.

Trong đó, giá nước cho mục đích sinh hoạt mức 1 của hộ gia đình sử dụng đến 10m3/tháng của Hà Nội là 75.000 đồng/hộ; Bình Dương là 101.500 đồng/hộ; Quảng Ninh là 82.000 đồng/hộ; Điện Biên là 80.000 đồng/hộ...

Ngoài ra, phương án điều chỉnh giá nước mới cơ bản không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân.

Cụ thể, trong tổng thu nhập và chi tiêu của một hộ gia đình tại khu vực thành thị trong 1 tháng, tiền nước chỉ chiếm 0,72% (Theo kết quả khảo sát mức sống dân cư năm 2022 do Tổng cục Thống kê công bố, số nhân khẩu bình quân một hộ khu vực thành thị là 3,5 người; khu vực nông thôn là 3,7 người. Mức thu nhập bình quân của người lao động 9 tháng năm 2022 là 6,6 triệu đồng/người; 22,4 triệu đồng/hộ).

Đối với hộ gia đình, theo nhu cầu tiêu dùng nước thực tế tại Hà Nội ở khu vực nội thành (10-16m3/hộ/tháng), số tiền phải chi thêm là 15.000 - 26.000 đồng/tháng; khu vực nông thôn (6-8m3/hộ/tháng), số tiền phải chi thêm 10.000 - 13.000 đồng/tháng.

Đặc biệt, theo tính toán của tổ công tác thẩm định phương án giá nước sạch, phương án điều chỉnh giá nước tác động làm tăng chỉ số giá tiêu dùng khoảng 0,17%, không ảnh hưởng lớn đến giá các loại hàng hóa, dịch vụ có liên quan.

Các chuyên gia nói gì?

Đánh giá về phương án điều chỉnh giá nước sạch của Hà Nội, Chủ tịch Hội Cấp thoát nước Việt Nam Nguyễn Ngọc Điệp cho rằng, nếu tính về cơ cấu chi tiêu, chi tiêu cho nước sạch chiếm rất ít so với tiền điện, điện thoại... Với nhu cầu sử dụng thực tế hiện nay, giá nước sau khi điều chỉnh có tăng nhưng cũng rất hợp lý. Mức tiền chi tăng thêm này không quá lớn so với chi tiêu tăng thêm của gia đình.

Bà Trần Thành Tâm - Phó giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cũng cho biết mức tăng dự kiến theo dự thảo của sở được đánh giá không tác động nhiều đến đời sống và thu nhập của người dân. Sau điều chỉnh giá nước ở Hà Nội vẫn mức tương đương hoặc thấp hơn các tỉnh thành.

PGS.TS Bùi Thị An (nguyên đại biểu Quốc hội) đồng ý về việc phân giá nước với từng đối tượng cụ thể như trong dự thảo quyết định điều chỉnh giá nước sạch của Hà Nội. Tuy nhiên, bà cho rằng nên quan tâm tới những hộ nghèo, chứ không nên quy định 10m³ đầu tiên mới không tăng giá, bởi theo bà An, "người nghèo cũng có thể dùng hơn 10m³ nước/tháng". Về tăng giá nước, bà An đồng ý, tuy nhiên theo bà, tăng giá phải đi kèm với chất lượng và nước sạch phải tương xứng với giá bán.

Đồng tình phương án tăng giá nước sạch, tuy nhiên, ông Nguyễn Tiến Dĩnh - nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ lưu ý, cần có thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất nước sạch. Bởi theo phụ lục tại quyết định có nêu giá bán buôn trung bình chỉ 3.000 đồng nhưng giá bán lẻ lên tới hàng chục nghìn. Tất nhiên, mỗi cơ sở sản xuất công nghệ khác nhau, nhưng cũng cần minh bạch xem thất thoát khâu nào, khâu nào thất thoát nhiều, tỉ lệ thất thoát ra sao?

Đỗ Nga

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/ha-noi-phuong-an-va-lo-trinh-tang-gia-ban-le-nuoc-sach-sinh-hoat-tu-17-260432.html