Hà Nội thí điểm tổ chức suất ăn sẵn cho học sinh bán trú
Thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, trước mắt thành phố Hà Nội đang triển khai tổ chức thí điểm mô hình bữa ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn Hà Nội theo hướng tổ chức tập trung suất ăn sẵn nhằm kiểm soát toàn bộ quá trình và giảm các khâu trung gian.
Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 25, HĐND TP Hà Nội sáng 9/7, đại biểu HĐND TP chất vấn lãnh đạo Sở Y tế về trách nhiệm khi xảy ra những vi phạm an toàn thực phẩm (ATTP) tại bếp ăn tập thể; tình trạng thức ăn đường phố không bảo đảm ATTP; thực phẩm chức năng giả, sữa giả; thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ; công tác hậu kiểm với thực phẩm chức năng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà làm rõ một số nội dung đại biểu quan tâm
Giao trách nhiệm cho UBND xã, phường xử lý bán hàng rong
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng cho biết, toàn thành phố hiện có 2.500 bếp ăn tập thể; 1.200 bếp ăn tập thể ở doanh nghiệp, khu công nghiệp, bệnh viện; gần 7.000 điểm kinh doanh thức ăn đường phố chủ yếu tập trung quanh các trường học, bến xe.
Trong 6 tháng đầu năm 2025 Sở Y tế thanh tra, kiểm tra 4.200 lượt đã phát hiện 68 bếp ăn tập thể vi phạm, xử phạt trên 3,2 tỷ đồng. Qua thanh, kiểm tra phát hiện 20% nhân viên chưa đủ kiến thức về ATTP; 70% điểm bán thức ăn đường phố khó truy xuất nguồn gốc.
Theo Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng, nguyên nhân do một số chủ cơ sở chưa nhận thức tốt về vấn đề ATTP; số lượng lớn, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố nhỏ lẻ; chính quyền địa phương chưa kiểm soát chặt chẽ, công tác hậu kiểm khó khăn; chưa truy xuất được nguồn gốc thực phẩm.

Đại biểu HĐND TP nêu vấn đề chất vấn
Về trách nhiệm, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, Sở Y tế là cơ quan thường trực chỉ đạo về ATTP của thành phố, ban hành quy trình kiểm tra hướng dẫn các bếp ăn tập thể, trường học, khu công nghiệp. Bên cạnh đó, UBND các địa bàn chịu trách nhiệm trực tiếp về quản lý bán hàng rong, các điểm bán hàng nhỏ lẻ quanh trường học. Đồng thời, trong vấn đề này cũng có trách nhiệm của Ban giám hiệu nhà trường, chủ doanh nghiệp, bệnh viện phải cam kết, giám sát trực tiếp quy trình thực hiện tại đơn vị mình.
Để tăng cường quản lý Nhà nước đối với các cơ sở thức ăn đường phố, bếp ăn tập thể, Phó giám đốc phụ trách Sở Y tế cho rằng: cần rà soát quản lý đầy đủ ATTP tại bếp ăn tập thể, điểm bán thức ăn đường phố ở gần trường học, xử lý triệt để những cơ sở không tuân thủ. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra đột xuất. Tăng cường áp dụng công nghệ số, đặc biệt sử dụng ứng dụng QR để truy xuất nguồn gốc.
Ngoài ra, có thể triển khai các camera giám sát tại các bếp ăn tập thể, tại cộng đồng như các khu kinh doanh nhỏ lẻ, tuyến phố đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm. Cần giao rõ trách nhiệm cho UBND xã, phường kiên quyết xử lý hàng rong ở cổng trường, không để phát sinh các điểm bán chưa được quản lý.
Cuối cùng là tăng cường truyền thông, tập huấn cho nhân viên tham gia cung ứng dịch vụ ăn uống, hiểu kiến thức về ATTP. Truyền thông mạnh mẽ tới tất cả các đối tượng.

Phiên chất vấn về nhóm vấn đề an toàn thực phẩm được nhiều đại biểu HĐND TP quan tâm
Xử phạt trên 52 tỷ đồng cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về thực phẩm không rõ nguồn gốc, vi phạm quy định ATTP và nguy cơ đe dọa sức khỏe người dân, ông Nguyễn Đình Hưng thông tin, trên địa bàn Hà Nội có trên 90 nghìn cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong giai đoạn 2023 - 2025 ngành y tế đã thanh, kiểm tra trên 200 nghìn lượt. Qua kiểm tra phát hiện 13% cơ sở vi phạm, xử phạt tổng số trên 52 tỷ đồng.
"Riêng đối với nhóm tự công bố sản phẩm rất phức tạp, Sở Y tế đã kiểm tra, phát hiện 35 vụ vi phạm, xử phạt trên 1 tỷ đồng. Đặc biệt, nhóm sản phẩm này được quảng cáo sản phẩm không được kiểm duyệt, thường quảng cáo thổi phồng công dụng" - Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế nêu.
Theo đó, nguyên nhân của tình trạng trên do quy mô số lượng lớn, nhỏ lẻ. Theo quy định thì các sản phẩm được tự công bố nhưng lại chưa có chế tài kiểm duyệt, dễ phát sinh gian lận. Trong khi đó, lực lượng chuyên trách ít, tuyến xã phường mỏng và chuyên môn về ATTP chưa sâu. Đồng thời bản thân người tiêu dùng cũng dễ dãi trong chấp nhận sản phẩm. Giá sản phẩm rẻ hơn các sản phẩm chính hãng...

Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế Nguyễn Đình Hưng trả lời chất vấn
Với câu hỏi của đại biểu về thực trạng sữa giả, thực phẩm chức năng giả, Phó Giám đốc phụ trách Sở Y tế cho biết, trên toàn thành phố có 3.800 cơ sở kinh doanh, phân phối sữa và thực phẩm bổ sung. Từ năm 2023 đến nay ngành y tế đã tổ chức 82 đoàn kiểm tra, phát hiện 26 vụ vi phạm, xử phạt trên 1,7 tỷ đồng. Tuy nhiên, vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Nghị định 15 có nhiều hạn chế khi tự công bố sản phẩm, quảng cáo sai sự thật.
Các giải pháp để quản lý thực phẩm được lãnh đạo Sở Y tế đưa ra như: siết chặt việc công bố hậu kiểm, rà soát chặt các hồ sơ tự công bố, thường xuyên tổ chức hậu kiểm; kiểm soát nguyên liệu, chứng từ, hóa đơn của các cơ sở để truy xuất nguồn gốc, xây dựng big data về nguồn gốc để thuận tiện cho việc truy xuất; nâng cao năng lực truy vết cho cán bộ cấp xã, phường để có kiến thức sâu về chuyên ngành ATTP nhằm quản lý trên địa bàn; kết nối dữ liệu với các xã, phường khi thực hiện kiểm tra truy vết; có chế tài xử phạt vi phạm đủ răn đe; công khai danh sách cơ sở vi phạm để người dân biết, số hóa mã hóa bảng điện tử đánh dấu cơ sở bảo đảm ATTP.
Làm rõ thêm một số nội dung đại biểu quan tâm, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thời gian qua, cùng với truyền thông nâng cao nhận thức về vấn đề ATTP, thành phố đã công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng các cơ sở vi phạm vệ sinh ATTP, trong đó nhiều cơ sở phải ngừng hoạt động. Đồng thời, vinh, khen thưởng nhiều cơ sở thực hiện tốt nội dung này.

Quang cảnh phiên chất vấn và trả lời chất vấn sáng 9/7
Thành phố cũng tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm, phối hợp liên ngành kiên quyết xử lý các vi phạm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm. Trong đó, kiểm tra chặt chẽ thực phẩm từ các tỉnh về Hà Nội, có các cơ chế phối hợp để thực hiện bảo đảm ATTP...
Trong thời gian tới, thành phố tiếp tục đề xuất Chính phủ và các bộ ban hành sửa đổi bổ sung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ATTP nhằm đáp ứng yêu cầu thực hiện.
Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà thông tin, thực hiện chỉ đạo của Trung ương và Thành ủy, trước mắt thành phố đang triển khai tổ chức thí điểm mô hình bữa ăn bán trú cho học sinh trên địa bàn Hà Nội, theo hướng tổ chức tập trung suất ăn sẵn nhằm kiểm soát toàn bộ quá trình và giảm các khâu trung gian.
Theo đó, thành phố kiểm soát chặt chẽ nguyên liệu đầu vào khi cung cấp chuỗi thức ăn; quy trình chế biến cũng như xây dựng thực đơn bảo đảm dinh dưỡng, phù hợp với lứa tuổi… để triển khai từ năm học 2025 - 2026. Trong giai đoạn 2, thành phố sẽ triển khai thí điểm tổ chức suất ăn sẵn tại các bệnh viện.
Đồng thời, thời gian tới, thành phố cũng xây dựng tuyến phố có kiểm soát với các tiêu chuẩn, tiêu chí do thành phố ban hành nhằm bảo đảm thức ăn đường phố có kiểm soát.