Hà Nội: Tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch khi chưa đủ vắc xin

Sở Y tế Hà Nội đã tham mưu cho UBND thành phố có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ mua 15.782 liều và phân nhóm ưu tiên theo thứ tự. Hiện nay, vắc xin chưa có đủ để tiêm cho tất cả các đối tượng, vì vậy cần phải nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch.

Phó Chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng phát biểu kết luận phiên họp

Bài liên quan

Trường ĐH Khoa học và Công nghệ Hà Nội được tự chủ xây dựng các mức thu học phí

Hà Nội: Nhà hàng, quán cà phê được mở cửa trở lại từ mai 2/3

Hà Nội sắp có “tổ hợp” nhà ở xã hội với tổng diện tích lên tới 300 ha

Chiều 1/3, ông Chử Xuân Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP, Trưởng Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội, đã chủ trì phiên họp trực tuyến với các sở, ban, ngành và các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Mở đầu cuộc họp, Phó Giám đốc Sở Y tế Hoàng Đức Hạnh cho biết, tại Hà Nội tính từ ngày 16/02 đến nay không ghi nhận ca mắc mới, cộng dồn giai đoạn 4 ghi nhận 35 ca mắc ngoài cộng đồng. Trong tuần qua, ngành Y tế đã thực hiện xét nghiệm cho 3.908 đối tượng là tân binh nhập ngũ và 867 đối tượng là công an nghĩa vụ, tất cả đều âm tính.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện cách ly chặt chẽ và lấy mẫu xét nghiệm đối với tất cả các trường hợp nhập cảnh vào Hà Nội để chủ động giám sát, phòng chống bệnh Covid-19 theo đúng chỉ đạo của UBND thành phố. Theo nhận định, tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đã qua 14 ngày thành phố không ghi nhận ca mắc mới ngoài cộng đồng.

Tuy nhiên, hiện nay các chuyên gia, người lao động kỹ thuật tiếp tục được nhập cảnh, sinh viên các tỉnh sẽ trở lại thành phố học tập (trong đó có những trường hợp đến từ các tỉnh, thành có dịch) và khi thành phố thực hiện nới lỏng các biện pháp so với giai đoạn trước, Hà Nội khả năng cao có thể ghi nhận thêm các ca mắc mới trong thời gian tới.

Tại phiên họp, các quận, huyện, thị xã thông tin đã chuẩn bị sẵn sàng cho công tác đón học sinh các cấp quay trở lại trường học vào ngày 2/3. Theo đó, các nhà trường đã hoàn thành tổng vệ sinh, khử khuẩn trường lớp trước ngày 1/3.

Đại diện Sở Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, tiếp tục duy trì 2 đoàn công tác của Sở kiểm tra các trường nghề trên địa bàn. Yêu cầu các cơ sở giáo dục nghề nghiệp thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch. Qua thực tế cho thấy, các trường đã chuẩn bị đủ điều kiện cơ sở vật chất đón sinh viên, học viên trở lại trường.

Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, từ 26/2, Sở đã có văn bản hướng dẫn các trường về việc chuẩn bị các điều kiện đón học sinh trở lại trường học khi được thành phố cho phép và 100% các trường đã hoàn thành trước ngày 01/3. Đồng thời, chỉ đạo nhà trường phối hợp với phụ huynh kiểm tra sức khỏe học sinh… Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, đến thời điểm này, không có cơ sở nào gặp khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.

Đại diện CDC Hà Nội cho biết, từ 0 giờ ngày 3/3, tỉnh Hải Dương sẽ kết thúc thời gian cách ly xã hội toàn tỉnh. Tuy nhiên, có 04 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao là thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn, huyện Cẩm Giàng và huyện Kim Thành vẫn thực hiện theo Chỉ thị số 15 của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, đại diện CDC đề nghị tất cả người từ Hải Dương về Hà Nội từ ngày 3/3 trở đi đều phải khai báo y tế; đối với những người thuộc 04 địa phương thuộc nhóm nguy cơ cao phải tự cách ly tại nhà trong vòng 14 ngày.

Đại diện CDC cũng cho biết, thời gian tới đơn vị sẽ tiến hành xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên các khu công nghiệp, trung tâm thương mại, khu vực có đông chuyên gia nước ngoài sinh sống…

Thông tin về kết quả giải trình trình tự gene của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đối với BN2229 và BN2234 (là F1 của BN2229), Giám đốc Sở Y tế Trần Thị Nhị Hà, Phó Trưởng Ban Thường trực BCĐ cho biết, chủng vi rút này thuộc nhóm 20C lần đầu tiên xuất hiện tại Việt Nam và không phải là nguồn lây từ cộng đồng.

Cùng với việc tiến hành bao vây, khoanh vùng, truy vết nhanh chóng, kết quả, có 3 ca mắc trong chùm ca bệnh. Toàn bộ người có liên quan được cách ly kịp thời và xét nghiệm âm tính. Như vậy, đã cắt đứt nguồn lây dịch bệnh và không còn nguy cơ lây nhiễm đối với chùm ca bệnh này.

Liên quan đến vắc xin, Sở Y tế đã tham mưu cho UBND thành phố có văn bản gửi Bộ Y tế đề nghị hỗ trợ mua 15.782 liều và phân nhóm ưu tiên theo thứ tự (từ lực lượng tuyến đầu chống dịch như nhân viên y tế, thành viên BCĐ, những người sinh sống tại vùng có dịch, người làm việc tại vùng cách ly, tổ Covid-19 cộng đồng, người trên 65 tuổi, người có bệnh lý nền). Hiện nay, vắc xin chưa có đủ để tiêm cho tất cả các đối tượng, vì vậy cần phải nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch.

Tại buổi làm việc của Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 TP Hà Nội chiều 1/3, Phó chủ tịch UBND TP Chử Xuân Dũng cho biết UBND Hà Nội đã có sự thống nhất của Thường trực Thành ủy về việc nới lỏng các hoạt động kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

Cụ thể, từ 0h ngày 2/3, các nhà hàng được mở cửa trở lại nhưng phải phục vụ trong nhà. Ông Dũng cũng nhấn mạnh điều kiện để các quán ăn được hoạt động là đảm bảo giãn cách giữa người với người 1m hoặc có tấm chắn giữa các chỗ ngồi, khuyến khích bán hàng mang về nhà.

Bên cạnh đó, toàn bộ nhà hàng, quán ăn, cà phê phải thực hiện khai báo y tế qua mã QR, đảm bảo nghiêm các quy định phòng chống dịch như vệ sinh, khử khuẩn, đeo khẩu trang đối với nhân viên...

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ha-noi-tiep-tuc-nang-cao-cac-bien-phap-phong-chong-dich-khi-chua-du-vac-xin-post121283.html