Hà Nội tìm giải pháp xử lý việc thiếu 'quỹ đất' cho trường học

Dự báo trong 3 năm học tới, số học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS tại Hà Nội tăng khoảng 28.912 học sinh tương đương khoảng 722 lớp. Hà Nội vừa phê duyệt xây và thành lập mới 16 trường THPT, cung cấp thêm khoảng 10.000 chỉ tiêu lớp 10 công lập. Tuy nhiên, số lớp học và chỉ tiêu vẫn chỉ đáp ứng được hơn 1/3 số lượng học sinh dự kiến tăng trong 3 năm tới.

Học sinh tại kỳ thi vào lớp 10 vừa qua tại Trường THPT Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú

Học sinh tại kỳ thi vào lớp 10 vừa qua tại Trường THPT Ba Vì, Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú

16 trường THPT mới cũng chưa thấm tháp?!

Trong báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ về công tác tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2023 - 2024, Sở GD&ĐT Hà Nội đưa ra một số giải pháp. Theo đó để công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT trên địa bàn TP trong thời gian tới được công khai, minh bạch, công bằng, khách quan, tạo thuận lợi cho người dân và đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô, Sở GD&ĐT đề xuất Bộ GD&ĐT cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù trong công tác tuyển sinh vào lớp 10 các trường THPT công lập tại các quận và một số địa bàn huyện giáp ranh khu vực nội thành từ năm học 2023 - 2024.

Cụ thể, cho phép tăng 10% số lớp/trường (từ 45 lớp/trường thành 50 lớp/trường, vượt 5 lớp/trường); cho phép tăng 10% số học sinh/lớp (từ 45 học sinh/lớp thành 50 học sinh/lớp, vượt 5 học sinh/lớp); cho phép áp dụng thay diện tích đất/học sinh bằng diện tích sử dụng/học sinh...

Tuy nhiên, về lâu dài đó là việc ưu tiên đầu tiên là dành quỹ đất để xây thêm trường công lập, nhất là tại khu vực nội đô, khu vực có tốc độ đô thị hóa nhanh. Cùng với đó là đẩy mạnh giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng; đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị đào tạo cho cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên công lập;

Trong kỷ tuyển sinh vào lớp 10 tại Hà Nội vừa qua, nếu tính tỷ lệ chọi của 12 khu vực tuyển sinh, cuộc đua vào lớp 10 công lập của Hà Nội không chỉ căng thẳng ở các quận trung tâm mà còn xảy ra ở các huyện ngoại thành. Tình trạng gia tăng sức ép tuyển sinh lớp 10 ở các huyện ngoại thành không có gì lạ khi những địa bàn như Gia Lâm và khu vực phía Tây Hà Nội tăng nóng dân số cơ học trong khoảng 7 năm trở lại đây.

Trong khi đó, dù Hà Nội có tới 95 trường THPT tư thục tuyển sinh xấp xỉ 30.000 chỉ tiêu, sự phân bố không đồng đều của các trường thuộc nhóm này cũng như mức phí cao khiến cho việc tiếp cận trường tư của phần lớn người dân là không dễ dàng.

Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Hà Nội gửi tới Bộ GD&ĐT, UBND TP về tuyển sinh lớp 10 công lập năm học 2023 - 2024, các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Ba Đình, Tây Hồ có sự thiếu hụt đáng kể trường tư thục. Đồng nghĩa với việc học sinh khu vực này có ít sự lựa chọn nếu không đỗ công lập, hoặc phải chấp nhận di chuyển xa để học trường tư.

95 trường THPT tư thục phân bố nhiều nhất ở KV3 với 31 trường, chiếm tỷ lệ 29,52%, tập trung nhiều ở quận Cầu Giấy. Đứng thứ hai là KV7 với 22 trường, chiếm 20,9%, tập trung ở quận Nam Từ Liêm và Bắc Từ Liêm. Hai khu vực này chiếm đến 50% tổng số trường THPT tư thục của Hà Nội, cũng là nơi tập trung nhiều trường tư thục có tiếng nhất với mức phí trung bình đắt đỏ nhất.

5/53 trường có mức phí 5 - 6 triệu đồng/tháng, 16/53 trường có mức phí từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. 4/53 trường có mức phí trên 10 triệu đồng/tháng, 3/53 trường có mức phí từ 25 triệu đồng/tháng. Như vậy, chỉ còn 25 trường có mức phí dưới 5 triệu đồng/tháng, đều là những trường có chất lượng đầu vào thấp, ít tên tuổi.

Nếu các đề xuất về cơ chế đặc thù trong tuyển sinh tại Hà Nội được chấp thuận, mỗi trường THPT của Hà Nội sẽ có tối đa 50 lớp, trung bình mỗi khối có khoảng 17 lớp, mỗi lớp tối đa 50 học sinh. Như vậy một trường xây mới sẽ nhận khoảng 850 học sinh lớp 10.

7 trường phổ thông liên cấp có tối đa 68 lớp, trong đó có 24 lớp bậc THPT, trung bình mỗi khối có 8 lớp, mỗi lớp 50 học sinh. Như vậy, một trường phổ thông liên cấp nhận khoảng 400 học sinh lớp 10. Tổng số chỉ tiêu lớp 10 của 16 trường THPT mới (không tính trường phổ thông dành cho trẻ khuyết tật) vào khoảng gần 10.000. Từ năm 2026, thời điểm giả thiết cả 16 trường THPT công lập thành lập mới của Hà Nội đi vào hoạt động, chỉ tiêu bổ sung lên đến gần 10.000 không “thấm tháp” gì so với số học sinh tăng (dự đoán) từ 22.000 - 59.000...

Chênh lệch chất lượng giữa các trường trong một địa phương

Bà Vũ Thu Hà - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội cho hay Hà Nội là địa phương có quy mô học sinh lớn nhất cả nước. Năm học 2022 - 2023, toàn TP có 2.870 trường mầm non, phổ thông và trung tâm GDTX với gần 2,2 triệu học sinh. Bà Vũ Thu Hà cũng cho hay hiện nay, TP Hà Nội có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh. Bình quân mỗi năm tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương ứng cần xây mới từ 30 - 40 trường học. Tuy nhiên, một số địa phương, đặc biệt là các quận nội thành gặp khó, do không còn quỹ đất.

Vì vậy, để đảm bảo được nhu cầu của số lượng học sinh cũng như đáp ứng được trường học chuẩn, Hà Nội đề nghị các cấp xem xét cho phép áp dụng xác định tiêu chuẩn, định mức diện tích sử dụng/học sinh thay cho tiêu chí diện tích đất/học sinh đối với công trình sự nghiệp thuộc lĩnh vực GD&ĐT.

Với các quận nội thành, khi quỹ đất không còn, để đáp ứng số lượng học sinh tăng rất nhanh, Hà Nội kiến nghị cho phép được nâng tầng đối với các khối nhà xây dựng; đồng thời cho phép việc xây dựng tầng hầm các trường học trong các quận nội thành để khai thác sử dụng quỹ đất hiệu quả.

Hà Nội cũng nghiên cứu xây dựng những mô hình trường học theo yêu cầu phát triển của Thủ đô, như xây dựng trường chất lượng cao và đặc biệt đã có Nghị quyết để xây dựng trường học tiên tiến nhiều cấp học, theo hướng tiên tiến hiện đại, với nguồn lực đầu tư hiện nay đang thí điểm ở 7 địa phương với tổng kinh phí là 2.500 tỷ đồng.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội nêu thực trạng hiện nay ở Hà Nội, chênh lệch chất lượng giữa các trường trong một địa phương vẫn còn. Có những trường phụ huynh phải xếp hàng để xin được một suất vào đó, nhưng cũng có những trường trong cùng địa bàn đó, sĩ số chưa cao.

Trước đó, tại hội nghị triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024 của ngành GD&ĐT Hà Nội, bà Hà cho hay trong nguyên tắc chung, đầu tư kinh phí chi thường xuyên tập trung cho ngành giáo dục không thấp hơn 20%. Song, đối với TP Hà Nội, theo tổng hợp báo cáo của Sở Tài chính, kinh phí cho chi thường xuyên trong ngành giáo dục chiếm 32,8% trong tổng chi thường xuyên của TP. Như vậy có thể nói, TP rất quan tâm đầu tư cho ngành giáo dục.

Thái Phương

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/ha-noi-tim-giai-phap-xu-ly-viec-thieu-quy-dat-cho-truong-hoc-349162.html