Hà Nội: Triển khai Chiến dịch 45 ngày đêm ra quân hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số
Các sở, ban, ngành, UBND xã, phường và các đơn vị có liên quan nghiêm túc tổ chức triển khai Chiến dịch '45 ngày đêm ra quân hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số tại các xã, phường trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp' trên địa bàn TP Hà Nội.

Người dân làm thủ tục hành chính tại Trung tâm phục vụ hành chính công TP Hà Nội.
UBND TP Hà Nội vừa ban hành Chỉ thị số 11/CT-UBND, ngày 24/7/2025, về việc triển khai Chiến dịch "45 ngày đêm ra quân hỗ trợ hoạt động chuyển đổi số tại các xã, phường trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp" trên địa bàn TP Hà Nội.
Tăng cường nhân lực công nghệ thông tin và ưu tiên các nhóm yếu thế tiếp cận dịch vụ công
Chỉ thị nêu rõ, để hỗ trợ 126 xã, phường trên địa bàn TP Hà Nội nâng cao hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) và chuyển đổi số trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ, bố trí bảo đảm 100% UBND xã, phường có công chức, viên chức có bằng chuyên môn về CNTT thực hiện nhiệm vụ vị trí việc làm quản lý nhà nước về CNTT, chuyển đổi số và vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên môn dùng chung (về CNTT, chuyển đổi số) phục vụ chính quyền địa phương 2 cấp nhằm đảm bảo thực hiện hiệu quả công tác chuyển đổi số tại địa phương.
Trường hợp chưa bố trí được nhân sự CNTT, thực hiện phương án ký hợp đồng thuê nhân sự CNTT trực tiếp hỗ trợ xã, phường triển khai nhiệm vụ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Bảo đảm 100% xã, phường có lực lượng sẵn sàng hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân trong quá trình thực hiện TTHC và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại cấp xã. Cụ thể, rà soát, kiện toàn các thôn, tổ dân phố làm cơ sở để thành lập, kiện toàn Tổ Chuyển đổi số cộng đồng tại các xã, phường mới sau sắp xếp; thành lập Tổ Ứng cứu công nghệ và nghiệp vụ tại cấp xã, phường theo hướng dẫn triển khai Kế hoạch số 02 của Trung ương, nhằm kịp thời hỗ trợ kỹ thuật, giải đáp nghiệp vụ và xử lý tình huống phát sinh trong quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến và chuyển đổi số tại cơ sở.
Bên cạnh đó, huy động nguồn nhân lực CNTT và viễn thông trên địa bàn Thành phố tham gia Chiến dịch hỗ trợ 126 xã, phường triển khai ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong giai đoạn đầu vận hành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm mỗi xã, phường được bố trí tối thiểu 2 nhân sự hỗ trợ.
Theo đó, đơn vị đang triển khai mạng truyền số liệu chuyên dùng và các hệ thống thông tin dùng chung của Thành phố tiếp tục bố trí cán bộ kỹ thuật có chuyên môn về CNTT, viễn thông tham gia hỗ trợ vận hành, khai thác và sử dụng hiệu quả các ứng dụng, nền tảng số tại 126 xã, phường.
Khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng trên địa bàn TP Hà Nội cử sinh viên thuộc các ngành đào tạo liên quan đến CNTT, viễn thông tham gia Chiến dịch, hỗ trợ cán bộ, công chức và người dân trong việc hướng dẫn, sử dụng, khai thác các ứng dụng, nền tảng số tại địa bàn, đặc biệt trong các đợt cao điểm của Thành phố và vào những thời điểm phù hợp trong năm.
Đẩy mạnh tổ chức triển khai các Điểm "Bình dân học vụ số lưu động", trong đó tập trung thực hiện các dịch vụ công lưu động tại 126 xã, phường, bảo đảm phù hợp với điều kiện thực tế và nhu cầu của địa phương; bố trí đầy đủ trang thiết bị, nhân lực và hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối, vận hành. Ưu tiên hỗ trợ người cao tuổi, người khuyết tật, hộ nghèo, cận nghèo và các nhóm đối tượng yếu thế trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
100% thành viên Tổ Chuyển đổi số cộng đồng tại các thôn, tổ dân phố được tập huấn sử dụng các nền tảng số phục vụ người dân, bảo đảm sẵn sàng hướng dẫn người dân, doanh nghiệp thực hiện TTHC và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại chính quyền địa phương 2 cấp; 100% cán bộ, công chức, viên chức tại UBND cấp xã tham gia các khóa tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng số cơ bản thông qua nhiều hình thức phù hợp, tập huấn trực tiếp, hình thức "cầm tay chỉ việc"... nhằm bảo đảm khả năng sử dụng thành thạo các nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp do Thành phố triển khai.
100% cán bộ, công chức, viên chức được hỗ trợ kịp thời, hiệu quả trong quá trình vận hành các nền tảng số, hệ thống thông tin phục vụ hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp thông qua các kênh hỗ trợ trực tuyến 24/7 do Thành phố triển khai.
Triển khai xây dựng, nâng cấp, lắp đặt bổ sung hạ tầng mạng viễn thông (bao gồm mạng băng thông rộng cố định và mạng di động 5G) tại các điểm phục vụ người dân, doanh nghiệp, bảo đảm kết nối thông suốt, ổn định phục vụ việc thực hiện TTHC và sử dụng dịch vụ công trực tuyến tại chính quyền địa phương 2 cấp.
Ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ngay khi phát sinh nhu cầu thực hiện TTHC, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hoặc tìm hiểu thông tin liên quan đến hoạt động của chính quyền địa phương 2 cấp.
Triển khai hiệu quả - phối hợp chặt chẽ
Để triển khai hiệu quả các nội dung theo kế hoạch, UBND TP Nội yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các xã, phường và các đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, chủ động tổ chức thực hiện đầy đủ, đúng tiến độ và phù hợp với tình hình thực tiễn tại đơn vị. Trong đó, một số đơn vị đầu mối được phân công nhiệm vụ cụ thể nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong toàn hệ thống hành chính.
Sở Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai các nội dung trong Kế hoạch thuộc phạm vi quản lý. Sở có trách nhiệm xây dựng hướng dẫn thực hiện, tổ chức kiểm tra, giám sát, bảo đảm chất lượng và tiến độ. Đồng thời, tham mưu cho UBND Thành phố trong việc tổ chức sơ kết, tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác. Ngoài ra, giao Sở Khoa học và Công nghệ định kỳ tổng hợp và báo cáo kết quả triển khai theo quy định của Thành phố.
Trung tâm Phục vụ hành chính công TP Hà Nội là đơn vị có vai trò quan trọng trong việc phối hợp triển khai các nhiệm vụ được giao. Theo đó, phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan để đảm bảo tiến độ thực hiện, đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Các hoạt động cần bám sát mục tiêu cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả.
Giao UBND các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm chủ động xây dựng kế hoạch triển khai phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương. Cần bố trí đầy đủ nguồn lực, kinh phí và nhân lực để tổ chức thực hiện hiệu quả các nội dung trong kế hoạch. Đồng thời, chính quyền cấp xã phải thực hiện việc rà soát, đánh giá, kiểm tra thường xuyên quá trình triển khai, đảm bảo kịp thời phát hiện và xử lý các vướng mắc phát sinh. Việc báo cáo tiến độ và kết quả thực hiện cũng cần được thực hiện nghiêm túc, định kỳ theo hướng dẫn của cấp trên…
Chiến dịch được triển khai trong thời gian 45 ngày liên tục, tính từ ngày Chỉ thị này được ban hành.