Hà Nội và những cây cầu đi cùng năm tháng

Hơn 100 năm qua, từ cây cầu Long Biên mang tính biểu tượng, hiện đã có thêm 6 cây cầu khác được xây dựng góp phần vào sự phát triển thịnh vượng của Thủ đô nghìn năm văn hiến.

Kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024):

 Cầu Long Biên là cây cầu mang tính biểu tượng gắn liền với lịch sử phát triển của Hà Nội. Ảnh: Q.H

Cầu Long Biên là cây cầu mang tính biểu tượng gắn liền với lịch sử phát triển của Hà Nội. Ảnh: Q.H

Cầu Long Biên

Đây là cây cầu mang tính biểu tượng không chỉ của Hà Nội mà của cả đất nước ta trong suốt những năm dài kháng chiến. Cầu Long Biên do Pháp xây dựng từ 1898 đến 1902 là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng nối quận Hoàn Kiếm với quận Long Biên. Đây là công trình nổi tiếng thế giới lúc bây giờ khi được xây dựng, đưa vào khai thác với lối thiết kế hiện đại đầu thế kỷ 20.

Theo thiết kế, cầu Long Biên có chiều dài 2.290 m qua sông và 896 m đường dẫn, gồm 19 nhịp dầm thép đặt trên 20 trụ cao hơn 40 m (kể cả móng), đường dẫn xây bằng đá. Cầu dành cho đường sắt đơn chạy ở giữa, hai bên là đường dành cho xe cơ giới và người đi bộ. Đường cho các loại xe là 2,6 m và luồng đi bộ là 0,4 m.

 Hơn 100 năm tồn tại, cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử của đất Thủ đô. Ảnh: H.Y

Hơn 100 năm tồn tại, cầu Long Biên là nhân chứng lịch sử của đất Thủ đô. Ảnh: H.Y

Cầu Long Biên giúp kết nối ba tuyến đường sắt huyết mạch Hà Nội - Đồng Đăng, Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - Lào Cai với đường sắt quốc gia chạy xuyên tâm từ phía bắc TP Hà Nội đi tuyến phía Nam. Hiện nay, cây cầu này đang xuống cấp nghiêm trọng và liên tục được tu sửa để duy trì tuyến đường sắt Hà Nội - Lạng Sơn.

Cầu Thăng Long

Trước nhu cầu đi lại giữa hai bờ sông Hồng ngày càng tăng cao, góp phần giảm áp lực cho cầu Long Biên nên năm 1974, cầu Thăng Long đã chính thức được khởi công xây dựng. Tuy nhiều kỳ vọng nhưng đây lại là cây cầu có thời gian thi công dài nhất với những thăng trầm trong suốt quá trình thi công.

 Cầu Thăng Long là biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô. Ảnh: B. N

Cầu Thăng Long là biểu tượng cho tình hữu nghị Việt Nam – Liên Xô. Ảnh: B. N

Theo đó, cây cầu này được phía Trung Quốc hỗ trợ xây dựng nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đã ngừng lại. Trước áp lực về nhu cầu giao thông nên Chính phủ nước ta vào thời điểm đó đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ và cây cầu tiếp tục được xây dựng vào năm 1979.

Ngày 9/5/1985, sau 11 năm thi công thì cầu Thăng Long đã được đưa vào sử dụng. Theo thiết kế, cầu có kết cấu giàn thép dài 3.250m, gồm 2 tầng với 25 nhịp phần cầu chính và 46 nhịp đường dẫn của đường sắt và đường xe thô sơ. Hai làn cầu riêng biệt rộng 3,5m mỗi làn dùng cho phương tiện thô sơ. Phần giữa tầng một là đường dành cho tàu hỏa chạy tuyến Văn Điển - Bắc Hồng và xe máy, xe đạp rộng 11 m. Tầng hai dành cho các loại xe cơ giới có chiều rộng 21m, hai làn dành cho người đi bộ tham quan.

Tuy có thời gian thi công kéo dài và là một trong những cây cầu lớn nhất của Thủ đô nhưng kinh phí xây dựng lại vô cùng ít ỏi. Toàn bộ công trình khi hoàn thành chỉ hết khoảng 3 triệu rúp vào thời điểm đó.

Cầu Thăng Long được xem là cây cầu biểu tượng cho tình hữu nghị bền vững giữa Việt Nam và Liên Xô. Sau nhiều lần xuống cấp thì vào tháng 8/2020, dự án sửa chữa mặt cầu Thăng Long chính thức được khởi công. Sau 5 tháng thi công, cầu Thăng Long được thông xe trở lại ngày 7/1/2021 với khả năng chịu lực tăng gấp 3 lần so với trước đây.

Cầu Chương Dương

Nằm cạnh cầu Long Biên về phía hạ lưu sông Hồng, cầu Chương Dương là cây cầu có thời gian thi công ngắn nhất của nước ta khi chỉ mất chưa đến 2 năm (từ 10/1983-6/1985). Vào những năm 80, đất nước ta bước vào thời kỳ tái thiết sau chiến tranh, nhu cầu đi lại của người dân ở nội thành và ngoại thành Hà Nội tăng cao trong khi chỉ có mỗi cây cầu Long Biên, còn cầu Thăng Long vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Cầu Chương Dương mang vẻ đẹp huyền ảo khi đêm về. Ảnh: H.Y

Cầu Chương Dương mang vẻ đẹp huyền ảo khi đêm về. Ảnh: H.Y

Trước tình thế cấp bách, để phát triển kinh tế đất nước và đảm bảo lưu thông phương tiện giữa các tỉnh phía Bắc, mùa xuân năm 1983, ý tưởng về một dự án xây cầu vượt sông Hồng tại bến Chương Dương đã được đặt ra. Ban đầu cầu Chương Dương có tên gọi Mùa Xuân và thiết kế kiểu cầu treo nhiều nhịp liên tục.

Khởi công vào tháng 10/1983, công tác đóng cọc làm mố neo được nhanh chóng tiến hành. Nhưng sau 6 tháng thi công, nhận thức được nhiều bất cập giữa khả năng áp dụng công nghệ hiện đại và thực tiễn của ngành xây dựng giao thông khi đó, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GTVT Đồng Sỹ Nguyên đã phải đưa ra một quyết sách khó khăn nhưng vô cùng đúng đắn là chuyển cầu treo Mùa Xuân thành cầu cứng Chương Dương.

Cầu Chương Dương là cây cầu lớn đầu tiên được thiết kế và thi công hoàn toàn bởi đội ngũ kỹ sư Việt Nam. Cầu bắc qua Sông Hồng nối quận Long Biên với quận trung tâm của Thủ đô, dài 1.230 m, gồm 21 nhịp, chia làm bốn làn xe chạy hai chiều, mỗi bên rộng 5 m. Thiết kế ban đầu của cầu ước tính đáp ứng 7.000 phương tiện mỗi ngày nhưng sau đó lượng xe tăng gấp 3-4 lần. Ngày nay, cầu Chương Dương vẫn là cây cầu có lưu lượng người và phương tiện qua lại đông nhất của Hà Nội.

Cầu Đông Trù

Cầu Đông Trù là công trình đặc biệt chào mừng kỷ niệm 60 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Cầu được khởi công xây dựng từ năm 2006 và khánh thành vào ngày 9/10/2014, cầu bắc qua sông Đuống nối liền quận Long Biên và huyện Đông Anh (Hà Nội).

 Cầu Đông Trù khi hoàng hôn về. Ảnh: N.S

Cầu Đông Trù khi hoàng hôn về. Ảnh: N.S

Theo thiết kế, cầu dài 1,1 km, rộng 55m với 8 làn xe có tổng mức đầu tư 882 tỷ đồng. Ngoài hệ thống đường dẫn, cầu gồm 3 nhịp chính trong đó 2 nhịp biên dài 80 m và nhịp giữa sông dài 120 m. Trước đây, cầu do Tổng công ty cầu đường Quảng Tây (Trung Quốc) thi công kết cấu vòm ống thép nhồi bê tông lần đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, đến tháng 6/2012, đơn vị này xin rút khỏi dự án nên TP Hà Nội đã chọn Cienco1 là nhà thầu chính. Ngay khi nhận triển khai dự án, Cienco 1 đã huy động trên 500 cán bộ, công nhân và làm 3 ca liên tục trên công trường để đáp ứng và hoàn thành công trình đúng tiến độ.

Ngày nay, cầu Đông Trù giúp kết nối hạ tầng giao thông phía bắc Hà Nội tạo nên trục vành đai 2. Phương tiện đi từ Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương… sẽ dễ dàng đến thẳng sân bay Nội Bài.

Cầu Thanh Trì

Cầu Thanh Trì được khởi công năm 2002 và thông xe năm 2007, là một trong những cây cầu bê tông cốt thép dự ứng lực dài và rộng nhất Việt Nam, đồng thời cũng là công trình cầu được thi công với nhiều ứng dụng công nghệ mới.

 Cầu Thanh Trì kết nối trục Hà Nội với cao tốc Hải Phòng, QL5… Ảnh: B.N

Cầu Thanh Trì kết nối trục Hà Nội với cao tốc Hải Phòng, QL5… Ảnh: B.N

Cầu Thanh Trì có tổng mức đầu tư 410 triệu USD nằm trên trục Vành đai 3, là tuyến giao thông huyết mạch kết nối với QL1A, QL5, cao tốc Hà Nội - Hải Phòng… nên có mật độ giao thông rất cao.

Cầu bắt đầu từ điểm cắt quốc lộ 1A tại Pháp Vân (Thanh Trì), điểm cuối cắt quốc lộ 5 tại Sài Đồng (Gia Lâm). Phần cầu chính dài 3.084 m, rộng 33,1 m chia làm 6 làn xe chạy, trong đó 4 làn cao tốc cho phép chạy 80 km/h.

Cầu Nhật Tân

Cầu Nhật Tân nằm trên trục đường Vành đai 2 của TP Hà Nội, được khởi công vào năm 2009 và khánh thành ngày 4/1/2015 với tổng mức đầu tư hơn 13.600 tỷ đồng. Đây là cầu dây văng đầu tiên của Hà Nội với tổng chiều dài gồm đường dẫn là 8.900 m, phần chính cầu dài 1.500 m. Sáu nhịp dây văng kết hợp cùng 5 trụ tháp hình thoi - tượng trưng cho 5 cửa ô.

 Cầu Nhật Tân có vị trí kết nối Hà Nội với sân bay Nội Bài. Ảnh: H.K

Cầu Nhật Tân có vị trí kết nối Hà Nội với sân bay Nội Bài. Ảnh: H.K

Ngoài công nghệ thi công cầu dây văng nhiều nhịp, phần cầu chính còn áp dụng nhiều công nghệ tiến tiến lần đầu được áp dụng ở Việt Nam như: Công nghệ hộp neo bằng thép trên trụ tháp, hệ thống quan trắc theo dõi với nhiều thiết bị hiện đại như đo lực căng cáp văng, đo ứng suất cốt thép, dầm thép, đặc biệt là kết cấu móng vòng vây cọc ống thép (SPSP).

Mặt cầu rộng 33,2 m với 8 làn xe cho cả hai chiều, chia thành 4 làn xe cơ giới, 2 làn xe buýt, 2 dải hỗn hợp, phân cách giữa, đường dành cho người đi bộ. Cầu Nhật Tân được khánh thành đồng bộ với đường Nhật Tân - Nội Bài tạo nên một tuyến cao tốc hiện đại, rút ngắn gần một nửa thời gian di chuyển từ Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tới trung tâm Hà Nội.

Cầu Vĩnh Tuy

Cầu Vĩnh Tuy bắc qua sông Hồng nằm trên tuyến vành đai 2 nối quận Hai Bà Trưng và quận Long Biên của thành phố. Ngày 3/2/2005, dự án cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 1 được khởi công với tổng mức đầu tư gần 3.600 tỷ đồng và dự kiến hoàn thành sau 2 năm xây dựng.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, trong đó có chậm tiến độ giải phóng mặt bằng (GPMB), trượt giá vật tư khiến công trình đội lên tới 5.500 tỷ đồng và phải tới tháng 9/2009 mới có thể khánh thành, đưa vào khai thác.

 Cầu Vĩnh Tuy giúp giảm áp lực giao thông giữa quận Long Biên và nội thành. Ảnh: L.A

Cầu Vĩnh Tuy giúp giảm áp lực giao thông giữa quận Long Biên và nội thành. Ảnh: L.A

Chiều dài tuyến chính cầu dài 5.800 m, phần vượt sông dài 3.700 m. Mặt cầu Vĩnh Tuy hiện rộng 19m, đã được quy hoạch mở rộng trong giai đoạn hai là 38m, trở thành cầu rộng nhất Việt Nam.

Sau hơn 11 năm đưa vào khai thác, tháng 1/2021, Hà Nội tiếp tục khởi công xây dựng cầu Vĩnh Tuy - giai đoạn 2. Cây cầu này nằm song song và được thiết kế với hình dáng tương tự cầu giai đoạn 1, gồm 4 làn xe lưu thông. Ngày 30/8/2023, Thủ tướng Chính phủ đã cắt băng khánh thành cầu Vĩnh Tuy 2 sau hơn 2 năm thi công.

Cầu Vĩnh Tuy hoạt động góp phần rút ngắn lộ trình từ trung tâm thành phố ra quốc lộ 5 đi Hải Phòng, Quảng Ninh khoảng 3km, giảm tải cho cầu Chương Dương và Long Biên.

Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ có tổng cộng 16 cây cầu vượt sông Hồng, tạo điều kiện thuận lợi kết nối liền mạch giữa các trung tâm kinh tế - chính trị; giữa các vùng địa phương và các đô thị vệ tinh. Lấy cảm hứng từ cánh chim hòa bình, 1 trong 4 dự án cầu sẽ khởi công ở Hà Nội trong năm nay.

Cầu Thượng Cát được xây dựng bắc qua sông Hồng sẽ góp phần phát triển đồng bộ hạ tầng giao thông, kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, với thành phố phía bắc Thủ đô trong tương lai và tỉnh Vĩnh Phúc.

Ngoài cầu Thượng Cát, 3 cây cầu còn lại là Vân Phúc, Hồng Hà, Mễ Sở cũng sẽ được xây dựng trong quý 3, quý 4 năm nay. Trong đó, Hồng Hà và Mễ Sở là 2 cây cầu trên Vành đai 4 được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt cho phát triển của Thủ đô.

Theo quy hoạch từ nay đến năm 2030, Hà Nội sẽ có thêm 4 cây cầu nữa nối đôi bờ sông Hồng, gồm cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo, Ngọc Hồi và Phú Xuyên.

Mộc Miên - Hải Yến

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn//ha-noi-va-nhung-cay-cau-di-cung-nam-thang-385514.html