Hà Nội: vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương hai cấp ngay từ những ngày đầu

Sau 15 ngày vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, TP Hà Nội ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực trong tổ chức bộ máy, cung cấp dịch vụ hành chính và chuyển đổi số.

Các xã, phường đã chủ động thích ứng, khắc phục khó khăn về nhân sự, cơ sở vật chất và hạ tầng công nghệ trong hoạt động. Trong quá trình vận hành cũng bộc lộ những bất cập, đang sớm được tháo gỡ để nâng cao hiệu quả quản trị và phục vụ người dân.

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với cán bộ xã Phúc Thịnh tại Điểm phục vụ hành chính công của xã. Ảnh: Phạm Hùng

Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi với cán bộ xã Phúc Thịnh tại Điểm phục vụ hành chính công của xã. Ảnh: Phạm Hùng

Vận hành đồng bộ từ thành phố đến cơ sở

Theo Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức Thành ủy Nguyễn Hồng Nhật, sau 15 ngày vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, hệ thống chính trị các cấp từ TP đến các xã, phường đã thể hiện tinh thần chủ động, quyết liệt, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng. Công tác kiện toàn tổ chức bộ máy, bố trí nhân sự, phân cấp, phân quyền và chuyển đổi số được thực hiện đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu lực quản lý và phục vụ người dân.

Cụ thể, Thành ủy đã chỉ định hơn 2.500 cán bộ vào Ban Chấp hành, 1.047 cán bộ vào Ban Thường vụ, kiện toàn đầy đủ bí thư, phó bí thư, phó chủ tịch HĐND và UBND tại gần như toàn bộ các phường, xã. Hướng dẫn công tác cán bộ cũng được ban hành kịp thời, làm căn cứ cho các địa phương tiếp tục kiện toàn bộ máy, chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ xã, phường lần thứ Nhất, nhiệm kỳ 2025–2030.

Ngày 1/7, ngày đầu tiên mô hình chính quyền địa phương 2 cấp chính thức đi vào hoạt động trên cả nước, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đi thăm, kiểm tra tại công tác vận hành mô hình tại xã Phúc Thịnh, phường Tây Hồ và Trung tâm dịch vụ hành chính công (thuộc TP Hà Nội). Qua kiểm tra, Tổng Bí thư biểu dương và chúc mừng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thủ đô Hà Nội đã nêu cao tinh thần đoàn kết, trách nhiệm triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, bảo đảm vận hành thông suốt ngay trong ngày đầu tiên. Đồng thời bày tỏ tin tưởng, TP Hà Nội sẽ tiếp tục năng động, đổi mới sáng tạo, xây dựng bộ máy chính quyền địa phương 2 cấp thực sự chuyên nghiệp, phục vụ Nhân dân ngày càng tốt hơn.

126/126 xã, phường đã thành lập các cơ quan tham mưu, trung tâm chính trị khu vực, hoàn thiện bộ máy đảng, chính quyền. HĐND các cấp ban hành khoảng 600 nghị quyết chuyên đề, tập trung vào các vấn đề thiết yếu như tổ chức bộ máy, chương trình kỳ họp, phát triển kinh tế - xã hội.

Về thủ tục hành chính, Hà Nội tiếp nhận hơn 66.000 hồ sơ chỉ trong vòng 13 ngày, trong đó 14% qua hình thức trực tuyến. Số lượng TTHC cấp xã được tăng từ 112 lên 559, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân. Hơn 200 luật sư được huy động hỗ trợ pháp lý miễn phí tại các điểm hành chính công. Ngoài ra, gần 500 đại lý dịch vụ công trực tuyến cũng được thiết lập, giúp người dân tiếp cận dịch vụ dễ dàng hơn.

Các nền tảng chuyển đổi số như quản lý văn bản điện tử, họp trực tuyến, ký số, tổng đài 1022 và ứng dụng iHanoi hoạt động đồng bộ. Chỉ trong vòng hai tuần, ứng dụng iHanoi tiếp nhận hơn 3.500 phản ánh, 1.700 tài khoản đăng ký mới, trong khi tổng đài 1022 tiếp nhận gần 1.800 cuộc gọi.

Trong lĩnh vực xây dựng Đảng, Hà Nội triển khai thành công 4 TTHC của Đảng trên nền tảng số với hơn 72.000 đảng viên đăng ký, ghi nhận hơn 42.000 lượt giao dịch đóng đảng phí. Việc tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp đang được khẩn trương triển khai, dự kiến hoàn tất trong tháng 8/2025.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm bộ phận một cửa của phường Thanh Xuân. Ảnh: Hồng Thái

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong thăm bộ phận một cửa của phường Thanh Xuân. Ảnh: Hồng Thái

Bộc lộ những khó khăn từ thực tiễn triển khai

Mô hình mới bước đầu phát huy hiệu quả, nhưng lãnh đạo các phường, xã cũng thẳng thắn chỉ ra những bất cập như thiếu cán bộ, cơ sở vật chất không đồng bộ, hạ tầng CNTT chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, xã Minh Châu hiện thiếu tới 19 cán bộ trong tổng số 15 vị trí việc làm; phường Hồng Hà thiếu thiết bị, chưa có chữ ký số, dữ liệu đảng viên chưa cập nhật kịp thời.

Một số xã gặp khó khăn trong truy cập cổng dịch vụ công quốc gia hoặc chưa có quy trình điện tử cho nhiều TTHC. Khối lượng hồ sơ hành chính tăng đột biến cũng tạo áp lực lên đội ngũ cán bộ “một cửa”, đặc biệt tại các địa bàn đông dân như Hoàn Kiếm, Yên Sở, Hà Đông... Trước thực tế này, phường Hà Đông đã đưa ra sáng kiến tách riêng thủ tục chứng thực để giảm tải cho cán bộ và được người dân đánh giá cao. Trong khi đó, các phường Tây Hồ và Hồng Hà cũng đã chủ động triển khai kế hoạch hành động song song giữa chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ phường lần thứ Nhất và giải quyết TTHC cho người dân.

Để sớm khắc phục được những hạn chế mà các địa phương chỉ ra trong quá trình vận hành, các sở, ngành TP đã cam kết hỗ trợ các địa phương sớm khắc phục các khó khăn để vận hành mô hình thông suốt và hiệu quả. Theo đó, Sở Nội vụ đã lên kế hoạch tổ chức 6 lớp tập huấn chuyên sâu cho cán bộ các xã, phường về các lĩnh vực. Trung tâm Phục vụ hành chính công TP sẽ triển khai đào tạo trực tuyến cho cán bộ xã vào cuối tuần. Đồng thời thành lập 15 tổ công tác đến các xã để tháo gỡ vướng mắc tận nơi.

Trong khi đó, Sở KH&CN cam kết bổ sung đường truyền mạng mới cho phường Hồng Hà. Đồng thời cho biết Sở sẽ khởi động chiến dịch “30 ngày cao điểm hỗ trợ chuyển đổi số”. Lực lượng thanh niên và sinh viên tình nguyện sẽ tham gia hỗ trợ, góp phần lan tỏa tinh thần đồng hành cùng cơ sở.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Văn Phong yêu cầu các địa phương, sở, ngành tiếp tục duy trì sự ổn định, tập trung xây dựng chính quyền địa phương hai cấp hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Trước mắt là tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ 126 xã, phường lần thứ Nhất, triển khai các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm tăng trưởng trên 8% (Hà Nội phấn đấu tăng trưởng GRDP từ 8,3-8,5%), tổ chức tốt các ngày lễ lớn, chăm lo chính sách người có công, bảo đảm an sinh xã hội.

Công chức tại Điểm tiếp nhận, phục vụ hành chính công phường Kim Liên tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính cho người dân.

Công chức tại Điểm tiếp nhận, phục vụ hành chính công phường Kim Liên tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính cho người dân.

Bên cạnh đó, tiếp tục thống nhất về nhận thức rằng việc tổ chức hoạt động chính quyền địa phương hai cấp là việc rất lớn, những kết quả vừa qua mới là bước đầu, đòi hỏi quyết tâm chính trị cao của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là cấp xã. Tiếp tục làm tốt công tác tư tưởng đối với đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, bắt tay vào việc với tinh thần cao nhất. Cùng với đó là tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng chung tay xây dựng chính quyền cấp xã mới và tất cả hướng tới phục vụ lợi ích Nhân dân, phải dựa vào dân để thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương từ đô thị đến nông thôn...

Sau 15 ngày vận hành chính quyền địa phương hai cấp, TP Hà Nội cho thấy bước đi chắc chắn và bài bản trong đổi mới mô hình tổ chức hành chính. Những kết quả đạt được là tiền đề quan trọng để TP tiếp tục hoàn thiện mô hình, nâng cao chất lượng phục vụ người dân. Tuy nhiên, hành trình xây dựng một nền hành chính hiện đại, phục vụ không thể chỉ trông đợi vào sự chỉ đạo từ bên trên mà cần sự đồng hành của toàn hệ thống chính trị, tinh thần học hỏi, đổi mới của cán bộ cơ sở và quan trọng nhất là sự tin tưởng, ủng hộ từ người dân. Đó chính là nền tảng vững chắc để chính quyền địa phương hai cấp ở TP Hà Nội tiếp tục phát triển và đáp ứng kỳ vọng phát triển bền vững của Thủ đô trong thời kỳ mới.

Nguyên Bảo

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-van-hanh-hieu-qua-mo-hinh-chinh-quyen-dia-phuong-hai-cap-ngay-tu-nhung-ngay-dau.773375.html