Hà Nội 'xanh hóa' xe buýt cách nào?

UBND TP Hà Nội vừa trình HĐND thành phố xem xét Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh.

3 kịch bản xanh hóa xe buýt

Theo Đề án, Hà Nội đặt mục tiêu 100% xe buýt mới và xe buýt thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ năm 2025 và 100% taxi mới và taxi thay thế sử dụng điện hoặc năng lượng xanh từ 2030.

Việc xanh hóa xe buýt sẽ giúp người dân đi lại an toàn, giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa.

Việc xanh hóa xe buýt sẽ giúp người dân đi lại an toàn, giảm ô nhiễm môi trường. Ảnh minh họa.

Theo thông tin của Báo Giao thông, Sở GTVT Hà Nội - cơ quan được giao xây dựng Đề án đã đưa ra 3 kịch bản chuyển đổi xe buýt sử dụng năng lượng điện, năng lượng xanh giai đoạn 2026-2030: 100% xe buýt điện; 70% xe buýt điện, 30% xe buýt khí thiên nhiên hóa lỏng LNG/CNG.

Kịch bản thứ 3 được Sở GTVT đưa ra, cũng là kịch bản chọn là: 50% xe buýt điện, 50% xe buýt LNG/CNG.

Nếu điều kiện cho phép, sẽ thực hiện theo kịch bản 2 (70% xe buýt điện, 30% xe buýt LNG/CNG) và sau năm 2040, toàn thành phố theo kịch bản 1 (100% xe buýt điện).

Ông Nguyễn Phi Thuờng - Giám đốc Sở GTVT Hà Nội cho rằng: Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh của Hà Nội được xây dựng dựa trên Quyết định 876 ngày 22/7/2022 của Thủ tướng về việc phê duyệt Chương trình hành động về chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí CO2 và khí metan của ngành giao thông vận tải giai đoạn 2022-2030.

Trong đó, với lĩnh vực giao thông đô thị, đặt mục tiêu từ năm 2025 thay thế, đầu tư mới 100% xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh tại thủ đô Hà Nội. Đề án cũng là nhằm góp phần thực hiện cam kết quốc tế của Chính phủ nước ta là đưa phát ròng về 0 vào năm 2050.

Theo thông tin của Báo Giao thông, Hà Nội đang là một trong những địa phương đi đầu trên cả nước trong chuyển đổi năng lượng xanh ngành GTVT. Thành phố hiện có nhiều loại hình vận tải hành khách công cộng thân thiện với môi trường đang được khai thác nhất trên cả nước, gồm xe buýt điện và xe buýt khí thiên nhiên nén CNG; taxi điện; đường sắt đô thị; xe điện hai bánh và xe đạp công cộng.

Hiện mỗi ngày, khoảng 200 xe buýt điện Green Bus và khoảng 70 xe buýt sử dụng nhiên liệu sạch CNG, chiếm 13,6% tổng số xe buýt ở Hà Nội, đảm nhiệm việc chuyên chở lượng hành khách hàng chục ngàn người trên những tuyến giao thông đông đúc của thủ đô. Đây đều là những phương tiện chạy bằng 100% năng sạch, hoàn toàn không phát thải, không có mùi gây say xe và không gây ô nhiễm tiếng ồn đô thị.

Không chỉ xanh hóa xe buýt, mà giao thông đều cần xanh

Theo ông Phan Trường Thành - Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GTVT Hà Nội, việc phát triển giao thông xanh, cụ thể là phương tiện xanh cũng như phương tiện phi cơ giới là một trong những xu thế tất yếu, giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh nhận thức, thói quen sử dụng phương tiện giao thông của người dân, các vấn đề như hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, hạ tầng khí, nguồn lực tài chính… là những rào cản lớn cho quá trình xanh hóa giao thông của Thủ đô.

Theo ông Thành, giao thông xanh không chỉ đơn thuần là các phương tiện giao thông xanh mà còn là các công trình giao thông xanh. Trong đó bao gồm: đầu tư các công trình giao thông sử dụng năng lượng xanh, vật liệu xanh.

Ông Thành cho biết, tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cam kết đạt mức phát thải ròng bằng "0" (Net Zero) vào năm 2050.

Sau đó Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định số 876/QĐ-TTg. Ngay sau đó, TP Hà Nội đã triển khai một số giải pháp trong mạng lưới giao thông vận tải hành khách công cộng của Thủ đô như: Triển khai các phương tiện CNG (xe sử dụng khí tự nhiên), buýt điện, đường sắt đô thị, xe đạp…

Hà Nội là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước áp dụng phương tiện giao thông công cộng xanh, sạch, sử dụng khí hóa lỏng và sử dụng điện.

Đây chính là một trong những mục tiêu bước đầu đặt ra của Hà Nội. Hiện nay, toàn bộ mạng lưới có khoảng hơn 2.000 phương tiện xe buýt, trong đó có khoảng gần 14% là phương tiện nhiên liệu khí và phương tiện nhiên liệu điện.

Cũng theo ông Thành, mục tiêu hướng tới của Hà Nội là mạng lưới vận tải hành khách công cộng với khối lượng lớn đó chính là đường sắt đô thị. Do đó, phát triển giao thông xanh phải đi đôi với việc quản lý phương tiện cá nhân.

TP Hà Nội đã có trợ giá cho xe buýt, tổ chức các xe buýt nhỏ đón khách phù hợp với các hạ tầng giao thông; tham khảo kinh nghiệm của các nước trên thế giới để xây dựng kế hoạch hỗ trợ người dân nhằm đưa ra phương án tối ưu nhất, hài hòa được trong khả năng của người dân cũng như khả năng cân đối tài chính của thành phố.

Cùng với đó là đề xuất hỗ trợ về thuế, phí cho các doanh nghiệp xây dựng các trạm sạc. Nghiên cứu tìm hiểu thêm về kinh nghiệm chính sách quản lý nhu cầu giao thông của thế giới như: Ưu tiên chỗ đỗ cho phương tiện giao thông xanh; hỗ trợ phí chuyển đổi xe cá nhân…

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội giao thông công cộng Hà Nội cho rằng, để có một hệ thống giao thông xanh, không chỉ có phương tiện, mà còn phải đồng bộ với cơ sở hạ tầng, như hệ thống sạc cần được bố trí phù hợp, thuận tiện. Đặc biệt là vấn đề bảo dưỡng, sữa chữa để phục vụ cho số lượng lớn phương tiện.

"Thời gian gần đây, thành phố đã có những đổi mới trong việc phát triển giao thông xanh. Mạng lưới được hoàn thiện một cách tích cực, hợp lý hơn, mức bao phủ rộng rãi hơn, các phương tiện cũng được thay đổi nhiều hơn. Loại hình mới cũng được đưa vào đó là xe buýt điện, xe CNG, đường sắt đô thị...", ông Hải nói và cho rằng: Từng bước, người dân sẽ được tiếp cận với những dịch vụ mới thuận tiện hơn, văn minh hơ.

Theo thống kê của Sở GTVT Hà Nội, hiện nay lượng phương tiện giao thông trên địa bàn TP Hà Nội khoảng 9,2 triệu phương tiện (trong đó có hơn 6 triệu xe máy cá nhân, 1,4 triệu ô tô, hơn 1,2 triệu là phương tiện từ tỉnh ngoài vào Hà Nội). Tốc độ gia tăng phương tiện từ 4-5%/năm. Lượng phát thải từ các phương tiện giao thông ra môi trường chiếm 75%. Đây là con số thách thức, một bài toán đặt ra đối với giao thông Thủ đô.

Lê Tươi

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ha-noi-xanh-hoa-xe-buyt-cach-nao-192240628164851467.htm