Hải Dương: Nhiều khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện phong trào trồng cây

Tại cuộc hội thảo của Thường trực HĐND tỉnh Hải Dương về phong trào trồng cây trên địa bàn, các đại biểu đã nêu ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Báo cáo tại hội thảo về kết quả thực hiện phong trào trồng cây trên địa bàn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương cho biết, từ năm 2015 đến tháng 3/2024 toàn tỉnh đã trồng 11.131.060 cây. Hằng năm, kết quả trồng cây luôn đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tổng kinh phí thực hiện của cả giai đoạn là hơn 3,2 tỷ đồng. Tại 3 tuyến quốc lộ 37, 38B, 17B và 25 đường tỉnh do Sở Giao thông vận tải quản lý với tổng chiều dài hai bên đường là 1.156 km, đơn vị đã trồng 773 km cây xanh, đạt 47% đối với quốc lộ và 71% đường tỉnh.

Bên cạnh những thuận lợi và kết quả đã đạt được, các đại biểu tham gia hội thảo cũng đề cập nhiều khó khăn, hạn chế trong việc triển khai thực hiện phong trào trồng cây. Theo đó, nguồn kinh phí cho phong trào trồng cây còn hạn hẹp nên chưa thể thực hiện như kỳ vọng. Công tác xã hội hóa trồng cây xanh ở từng địa phương, khu vực chưa đồng đều dẫn tới mất mỹ quan. Nhiều khu vực, cây xanh chưa được chăm sóc, bảo vệ nên tỷ lệ sống thấp. Việc quy hoạch cây xanh từng khu vực chưa tốt, nhiều loại cây sau khi trồng được 5 - 10 năm lại phải chặt đi trồng cây khác gây lãng phí. Diện tích rừng trồng ở tỉnh này không nhiều nhưng chất lượng thấp, chưa đáp ứng được cảnh quan và bảo vệ môi trường.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương báo cáo về phong trào trồng cây do đơn vị phụ trách. Ảnh: Báo Hải Dương

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hải Dương báo cáo về phong trào trồng cây do đơn vị phụ trách. Ảnh: Báo Hải Dương

Để khắc phục hạn chế và nâng cao hiệu quả thực hiện phong trào trồng cây, Chủ tịch HĐND tỉnh Hải Dương Lê Văn Hiệu yêu cầu các địa phương xây dựng ngay đề án trồng và cải tạo cây xanh bảo đảm tính đồng bộ, lâu dài, tạo cảnh quan môi trường. Việc lựa chọn cây trồng phải phù hợp và bảo đảm ít chi phí chăm sóc, xây dựng dự toán sơ bộ để trình HĐND tỉnh xem xét, hỗ trợ các địa phương. Tất cả các cây trồng ở các khu vực, tuyến đường liên quan đến đầu tư công phải bố trí kinh phí chăm sóc thường xuyên, bảo đảm hiệu quả. Các cây trồng ở thôn, xóm, khu dân cư giao cho nhân dân và các đoàn thể chăm sóc để cây sinh trưởng, phát triển tốt.

Ngành nông nghiệp tỉnh cần nghiên cứu, có định hướng cụ thể về loại cây trồng ở từng khu vực như đô thị, ven đường giao thông, nghĩa trang cho các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, phù hợp điều kiện thổ nhưỡng và trồng trong thời gian tới. Với cây trồng ven các tuyến đường giao thông đã quy hoạch mở rộng trong thời gian tới cần trồng những cây ngắn hạn để khai thác. Ở một số thị trấn và tuyến phố của TP.Hải Dương, địa phương vận động nhân dân trồng cây xanh ở ban công, tạo cảnh quan xanh. Sở Xây dựng cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần tìm những mô hình trồng cây xanh hiệu quả để phổ biến, học hỏi, nhân rộng các mô hình.

Sông Hồng

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hai-duong-nhieu-kho-khan-vuong-mac-trong-trien-khai-thuc-hien-phong-trao-trong-cay-89415.html