Hài hòa lợi ích các bên khi phân chia lợi ích từ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học

Chiều 15/02, tại phiên họp thứ 8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ; đề nghị nghiên cứu làm rõ phân chia lợi ích sao cho phù hợp khi chuyển giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

CƠ BẢN THỐNG NHẤT CÁC NỘI DUNG SỬA ĐỔI CỦA LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đã trình bày báo cáo Một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Về cơ bản, các nội dung tiếp thu, chỉnh lý đã có sự đồng thuận, nhất trí giữa Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật, đặc biệt đối với 2 vấn đề lớn Chính phủ xin ý kiến Quốc hội tại kỳ họp thứ 2 bao gồm việc giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.

Về thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, Thường trực Ủy ban Pháp luật thống nhất với Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu ý kiến đa số đại biểu Quốc hội và giữ nội dung này như Luật hiện hành.

Bên cạnh đó, thống nhất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giá, Luật Hải quan, Luật Khoa học và công nghệ, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

BẢO ĐẢM HÀI HÒA LỢI ÍCH CỦA CÁC CHỦ THỂ

Cho ý kiến vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ, các ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị làm rõ một số nội dung liên quan đến giao quyền đăng ký sáng chế.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học công nghệ và môi trường của Quốc hội Nguyễn Quang Huy, về giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cần theo đúng tinh thần của Nghị quyết 20, thúc đẩy việc ứng dụng các nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đời sống.

Ông NGUYỄN QUANG HUY - Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công Nghệ và Môi trường: “Đối với điều 42 Nghị định 08/2017/NĐ-CP hay Nghị định 70 phân chia lợi nhuận thì kiểm chứng các chế định từ năm 2014 đến nay như thế nào, thực tế có vấn đề gì hay không.”

Tán thành quy định giao quyền đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cho tổ chức chủ trì, tuy nhiên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng đề nghị cần làm rõ mức độ phân chia lợi nhuận, có nên đặt ở mức tối thiểu, hay cần quy định ở mức tối đa. Đồng thời, xem xét đến việc chuyển giao kết quả ra nước ngoài.

Ông VŨ HỒNG THANH - Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội: “Coi kết quả nghiên cứu khoa học như một sản phẩm. Dự thảo Luật quy định chỉ chuyển giao cho bên Việt Nam, cụ thể là các tổ chức được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam, cá nhân là công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam thì không hiểu ý tứ ở đây là sao. Nếu nghiên cứu mà giá trị chuyển giao cao sao lại hạn chế không chuyển giao cho nước ngoài.”

Cùng quan điểm, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng việc đảm bảo hài hào lợi ích của việc đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí là kết quả của nhiệm vụ khoa học và công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước cần phải đúng theo tinh thần của Nghị quyết 30.

Chủ tịch Quốc hội VƯƠNG ĐÌNH HUỆ: “Các tổ chức, các cá nhân có những kết quả nghiên cứu khoa học bằng ngân sách nhà nước không chỉ là các đơn vị nhà nước mà còn cả ngoài nhà nước, có cả doanh nghiệp tư nhân. Trước đây hỗ trợ nhiều như Công ty cơ khí Quang Trung áp dụng cho nhà máy thủy điện Sơn La. Do đó cần quy định chặt chẽ, phân chia bảo đảm hài hòa lợi ích theo Nghị quyết 30.”

Ông HUỲNH THÀNH ĐẠT - Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ:Rất cân nhắc khi mở rộng việc thương mại hóa chuyển giao công nghệ cho nước ngoài. Tiếp thu ý kiến, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu xem cơ chế nào, chuyển giao như thế nào để có thể chuyển giao kết quả nghiên cứu nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước dưới dạng chuyển giao công nghệ hoặc thương mại hóa ra nước ngoài để tạo được nguồn thu lớn hơn, tốt hơn và đảm bảo quyền lợi của quốc gia, dân tộc.”

Phát biểu kết thúc nội dung phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị các cơ quan tiếp tục phối hợp nghiên cứu, tiếp thu đẩy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các đại biểu tại phiên họp hôm nay; tiếp thu giải trình ý kiến văn bản của Bộ Thông tin và Truyền thông; làm rõ tính chắc chắn của việc thu hẹp đối tượng xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ; cũng như làm rõ căn cứ việc sửa đổi bổ sung các luật có liên quan.

Thực hiện : Diệu Huyền Thùy Linh Anh Đức Quang Sỹ

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/co-ban-thong-nhat-cac-noi-dung-sua-doi-cua-luat-so-huu-tri-tue