Hải Lăng hoàn thành sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã

Thực hiện các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp, tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, đến cuối năm 2019 huyện Hải Lăng đã hoàn thành việc sáp nhập từ 98 thôn, khóm còn 71 thôn, khóm; từ 19 xã và 1 thị trấn xuống còn 15 xã, 1 thị trấn. Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp, đặc biệt chú trọng công tác dân vận nên tỉ lệ người dân tại các thôn, xã đồng thuận ở mức cao.

 Chợ Diên Sanh nay thuộc thị trấn Diên Sanh. Ảnh: Trần Tuyền

Chợ Diên Sanh nay thuộc thị trấn Diên Sanh. Ảnh: Trần Tuyền

Xã Hải Định được sáp nhập từ 2 xã Hải Thiện và Hải Thành. Sau khi sáp nhập, xã Hải Định có 4 thôn với 1.418 hộ, 4.411 nhân khẩu. Đặc thù xã Hải Thành độc canh cây lúa, dân số ít, trong khi xã Hải Thiện phát triển đa ngành nghề, đời sống có phần cao hơn nên khi hay tin hai xã sẽ sáp nhập làm một, không ít người dân ở hai địa phương băn khoăn, lo lắng rằng: khi sáp nhập, địa bàn quá rộng, liệu ở những thôn xa trung tâm thì cán bộ có quan tâm, bao quát hết không? Địa thế của xã nằm ở vùng trũng, đường thấp nên vào mùa mưa thường bị ngập cục bộ, giao thông cách trở, người dân đi lại làm thủ tục hành chính xa xôi, khó khăn hơn thì phải làm sao?

“Trước những băn khoăn, lo lắng ấy, cấp ủy, chính quyền xã chú trọng vào công tác tuyên truyền, vận động nhiều lần để người dân hiểu rằng dù địa bàn xã mới có rộng hơn, dân cư đông hơn nhưng các cán bộ, đảng viên luôn nắm chắc địa bàn, kịp thời có mặt để nắm bắt tâm tư nguyện vọng Nhân dân, giải quyết các vấn đề khi người dân phản ánh. Sau khi sáp nhập, bộ máy hệ thống chính trị được phân chia về làm việc tại hai trụ sở nên người dân sẽ không phải đi lại xa khi làm các thủ tục hành chính”, Bí thư Đảng ủy xã Hải Định Nguyễn Văn Hạnh nói.

Sau khi sáp nhập, các cán bộ, công chức được sắp xếp, bố trí những công việc phù hợp với năng lực, trình độ công tác. Tuy nhiên, cũng có vài người không đủ tiêu chuẩn hoặc sắp đến tuổi nghỉ hưu. Qua tuyên truyền, vận động, nhiều người tự nguyện xin nghỉ để tạo điều kiện cho người trẻ tuổi, có trình độ, năng lực. Xã Hải Thành có ông Hồ Đăng Bụi, Chủ tịch Hội Nông dân xã; ông Hồ Đăng Điền, Chủ tịch Ủy ban MTTQVN xã; bà Huỳnh Thị Hân, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã tự nguyện xin nghỉ. Xã Hải Thiện có ông Lê Văn Mỹ, Bí thư Đảng ủy xã; ông Đặng Bá Hoàng, Phó Chủ tịch UBND xã; ông Lê Phương, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tự nguyện xin nghỉ trước hưu… Tuy nhiên, ngoài những cán bộ, công chức đã được sắp xếp, bố trí công việc thì hiện nay xã Hải Định có trên 25 người hoạt động không chuyên trách chưa được bố trí công việc.

“Xã Hải Định hiện có 30 cán bộ, công chức. Với đội ngũ cán bộ sau sáp nhập khá đông, nếu tập trung lại một trụ sở cũ để họp hành thì sẽ không đủ chỗ ngồi làm việc. Nếu phân chia ra làm ở 2 trụ sở cũ thì nhiều khi có việc cần bàn bạc, hội ý phải đi bằng xe máy khoảng 3 km. Tuy nhiên, sau một thời gian cùng làm việc với tôn chỉ “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, anh em cán bộ, đảng viên dần hiểu nhau hơn, qua đó hỗ trợ, tạo điều kiện để đồng nghiệp hoàn thành tốt công việc, làm quen địa bàn mới”, Bí thư Đảng ủy xã Hải Định Nguyễn Văn Hạnh cho hay.

Thị trấn Diên Sanh được sáp nhập từ xã Hải Thọ và thị trấn Hải Lăng. Sau khi sáp nhập, ông Nguyên Dư Thụy, Bí thư Đảng ủy xã Hải Thọ được phân công đảm trách vị trí Bí thư Đảng ủy thị trấn Diên Sanh. Ông Thụy cho biết, cũng như nhiều địa phương khác, sau khi sáp nhập, thị trấn Diên Sanh có 2 cán bộ và khoảng 10 người hoạt động không chuyên trách bị dôi dư. Với những cán bộ, đảng viên, người hoạt động bán chuyên trách chưa được bố trí, sắp xếp công việc sau sáp nhập, tất nhiên sẽ có những tâm tư, lo lắng. Do vậy, công tác vận động tư tưởng được Đảng ủy thị trấn đặt lên hàng đầu. Khi đã thông suốt, các cán bộ sắp đến tuổi về hưu chủ động xin nghỉ trước hưu; những người chưa được sắp xếp hoặc hoạt động bán chuyên trách cũng yên tâm hơn vì tin tưởng vào sự sắp xếp, bố trí của tổ chức. “Sau sáp nhập, thị trấn Diên Sanh có 2.511 hộ với 8.504 nhân khẩu. Với địa bàn rộng, dân số đông nhưng sau một thời gian ngắn, hầu hết các cán bộ, đảng viên của thị trấn đều làm tốt công việc và nắm chắc địa bàn. Nhân dân cũng đồng thuận, đồng lòng”, ông Thụy nói.

Thực hiện nghị quyết của Trung ương, sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh, huyện Hải Lăng tiến hành sáp nhập 8 đơn vị hành chính thành 4 đơn vị hành chính mới. Việc sáp nhập được cán bộ, đảng viên và Nhân dân nhận thức đúng đắn. Tên gọi các đơn vị sáp nhập mới đều được lấy theo tên gọi đơn vị hành chính cũ có từ trước trong lịch sử của huyện. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, tỉ lệ cán bộ, người dân đồng thuận cao, trên 95%. Đây là điều kiện thuận lợi để Ban Thường vụ Huyện ủy và các cơ quan liên quan xây dựng đề án để bố trí, sắp xếp lại bộ máy tổ chức hành chính mới, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả.

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác bố trí cán bộ theo đề án mới vẫn còn những khó khăn, đó là 8 đơn vị sáp nhập có số cán bộ dôi dư 72 người, người hoạt động không chuyên trách dôi dư 93 người. Cùng với đó là thực hiện chủ trương bố trí công an chính quy về làm trưởng công an cấp xã nên huyện Hải Lăng dôi dư thêm 17 cán bộ nữa. Vì vậy, trong quá trình thực hiện, cách đây hơn 2 năm, huyện đã thực hiện chủ trương của cấp trên là không đề bạt, không bố trí mới nên đến nay đã bố trí được công tác cán bộ được một phần. Trước khi bố trí, Ban Thường vụ Huyện ủy đã tích cực tuyên truyền vận động. Trong đó, có hơn 30 cán bộ không thực hiện được việc bố trí lại nên phải nghỉ việc hoặc nghỉ trước hưu. Trong quá trình vận động các cán bộ nghỉ việc hoặc nghỉ trước hưu, nhiều cán bộ đề xuất hỗ trợ về chính sách nên huyện Hải Lăng mong muốn cấp trên quan tâm, hỗ trợ bố trí hỗ trợ cho các cán bộ, người hoạt động không chuyên trách dôi dư.

Trần Tuyền

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=71&modid=415&itemid=149614