Hải Lăng tạo động lực phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn

Với mục tiêu khai thác tiềm năng, thế mạnh để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, du lịch Hải Lăng đã có nhiều chuyển biến tích cực khi được đầu tư, khai thác một cách hiệu quả, tạo nên sự đa dạng, phong phú về các loại hình du lịch, góp phần nâng cao đời sống cho Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội huyện Hải Lăng.

 Khu Di tích lịch sử trằm Trà Lộc có cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp - Ảnh: PVHHL

Khu Di tích lịch sử trằm Trà Lộc có cảnh quan, môi trường xanh, sạch, đẹp - Ảnh: PVHHL

Hải Lăng là địa phương có nhiều lợi thế để phát triển du lịch. Những năm qua, huyện Hải Lăng tập trung chỉ đạo công tác quản lý, khai thác và phát triển du lịch theo nhiều loại hình. Anh Võ Văn Vượng, Phó Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hải Lăng cho biết: Đối với du lịch tâm linh kết hợp tham quan các di tích lịch sử cách mạng, huyện đã lập quy hoạch xây dựng, hình thành khu đô thị khu vực La Vang với các giải pháp hạ tầng kỹ thuật đồng bộ, cảnh quan kiến trúc hiện đại; phát triển các quầy lưu niệm, dịch vụ ẩm thực giới thiệu sản phẩm truyền thống, đặc sản của Hải Lăng và xây dựng các sản phẩm trở thành thương hiệu như: Chè vằng, nón lá Trà Lộc, cháo bột Diên Sanh, nước mắm Mỹ Thủy, cam K4, bánh ướt Phương Lang, rượu Kim Long... nhằm tạo việc làm, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân, đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

Hệ thống các di tích lịch sử trên địa bàn huyện Hải Lăng được phân bố đan xen ở các địa phương như Khu đô thị La Vang-Chi khu Mai Lĩnh-Di tích Dũng sĩ Phường Sắn, mộ danh nhân Bùi Dục Tài... thuận lợi cho việc khai thác phát triển các tuyến du lịch tâm linh kết hợp tham quan các di tích lịch sử cách mạng. Đồng thời, kết nối với tour du lịch hoài niệm chiến trường xưa và đồng đội của tỉnh để phát triển du lịch của huyện. Huyện Hải Lăng cũng đã tập trung phát triển du lịch tham quan kết hợp nghỉ dưỡng, bằng việc quan tâm thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích thu hút đầu tư các hạng mục cơ sở hạ tầng vào Khu Di tích lịch sử trằm Trà Lộc, phục chế di tích Chăm tại đây để kết hợp phát triển du lịch tham quan các di tích lịch sử với du lịch nghỉ dưỡng, nhằm đưa trằm Trà Lộc trở thành điểm du lịch hấp dẫn, tạo động lực thúc đẩy phát triển du lịch toàn huyện. Chú trọng việc duy trì, nâng cao chất lượng phục vụ khách du lịch tại bãi tắm Mỹ Thủy; từng bước hình thành, đầu tư Khu Dịch vụ du lịch Hải Khê kết nối với tuyến du lịch hồ Khe Khế-La Vang-Khu Di tích lịch sử trằm Trà Lộc và các điểm du lịch khác nhằm thu hút du khách trong và ngoài tỉnh.

Khu Di tích lịch sử trằm Trà Lộc được bao bọc bởi rừng cây nguyên sinh và thảm thực vật đa dạng có tổng diện tích gần 100 ha. Đây là điểm kết nối giữa các tour du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa tâm linh từ Thành Cổ Quảng Trị đến Trung tâm hành hương Đức Mẹ La Vang. Lượng khách đến Khu Di tích lịch sử trằm Trà Lộc tăng từng năm, cụ thể năm 2016 có 31.500 lượt khách, năm 2019 có 50.400 lượt khách và năm 2020, gần 30.000 lượt khách. Doanh thu từ hoạt động du lịch, dịch vụ ăn uống tăng mạnh, từ 2,5 tỉ đồng (năm 2016) tăng lên 4,7 tỉ đồng (năm 2019) và khoảng 2,6 tỉ đồng trong năm 2020 (do ảnh hưởng thiên tai, dịch bệnh). Bên cạnh đó, một hoạt động du lịch cộng đồng được khai thác có hiệu quả, là du lịch biển với bãi tắm Mỹ Thủy có cảnh quan đẹp, cơ sở hạ tầng giao thông được đầu tư nâng cấp; hoạt động du lịch đi vào nền nếp…, phục vụ tốt nhu cầu nghỉ ngơi, vui chơi, giải trí cho du khách.

Hoài Nhung

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154448