Hai loại vaccine của Việt Nam có thể chống lại biến chủng nCoV mới

Việt Nam đang thử nghiệm hai loại vaccine Covid-19 cùng lúc. Nano Covax và COVIVAC được đánh giá là an toàn và có khả năng chống lại biến chủng SARS-CoV-2 mới.

Tại Việt Nam, hai vaccine Covid-19 đang thử nghiệm lâm sàng trên người đó là Nano Covax và COVIVAX. Trong đó, vaccine Nano Covax hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một. Ngày 21/1, vaccine Covid-19 COVIVAC của Việt Nam sản xuất chính thức bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Trước biến chủng SARS-CoV-2 mới, nhiều người lo ngại về khả năng chống lại virus của hai loại vaccine trên. Các kết quả đã cho thấy tiềm năng kháng biến chủng virus mới của hai sản phẩm “made in Vietnam” này.

Nano Covax

Ngày 9/2, Học viện Quân y (Hà Nội) đã tiêm xong 120 mũi thử nghiệm lâm sàng giai đoạn một cho vaccine Nano Covax. Số lượng này được tiêm cho tổng cộng 60 tình nguyện viên và chia thành các đợt. Đợt cuối cùng cho 22 người, tiêm mũi thứ 2 vừa hoàn thành. Trong số này, 2 tình nguyện viên nhóm 1b tiêm liều 50 mcg, 20 tình nguyện viên còn lại nhóm 1c tiêm liều 75 mcg.

Ở giai đoạn một, kết quả nghiên cứu cho thấy vaccine Nano Covax bước đầu đáp ứng sinh miễn dịch trên cả 3 nhóm tiêm liều 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg. Các chuyên gia đánh giá hiệu quả mà vaccine này tạo ra là an toàn, tạo phản ứng miễn dịch tốt, có tác dụng với virus SARS-CoV-2, kể cả biến chủng.

Hầu hết tình nguyện viên sau tiêm đều có sức khỏe ổn định. Một số ít trường hợp có biểu hiện đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ nhưng đều hết sau 1-2 ngày.

 Vaccine Nano Covax của Việt Nam đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 1. Ảnh: Văn Nguyện.

Vaccine Nano Covax của Việt Nam đã hoàn thành thử nghiệm giai đoạn 1. Ảnh: Văn Nguyện.

Dự kiến, giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine Nano Covax sẽ kéo dài 6 tháng, trên 560 tình nguyện viên. Trong đó, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương và Viện Pasteur TP.HCM sẽ cùng tham gia thử nghiệm.

Giai đoạn 3 dự kiến tiêm trên 10.000 tình nguyện viên, mở rộng tại một số nước có dịch Covid-19 trong cộng đồng, hoàn tất vào đầu năm 2022.

Vaccine Nano Covax của công ty Nanogen là vaccine phòng Covid-19 đầu tiên của Việt Nam đưa vào thử nghiệm lâm sàng. Những mũi tiêm đầu tiên được triển khai từ 17/12/2020. Loại vaccine này dựa trên tái tổ hợp protein S - đoạn gai của virus SARS-CoV-2, gồm 3 liều lượng 25 mcg, 50 mcg, 75 mcg.

Vaccine đã thử nghiệm trên chuột nhắt trắng, chuột hamster, khỉ và thỏ, kết quả cho thấy nó đảm bảo về an toàn. Ưu điểm của vaccine Nano Covax so với nhiều sản phẩm phòng ngừa Covid-19 khác trên thị trường đó là bảo quản được trong nhiệt độ tủ lạnh bình thường (2-8 độ C). Một số vaccine khác trên thế giới phải bảo quản đến nhiệt độ -75 độ C, khó khăn trong việc vận chuyển.

COVIVAC

Song song Nano Covax, vaccine COVIVAC cũng đủ điều kiện thử nghiệm lâm sàng trên người từ ngày 21/1. Nó được sản xuất dựa trên công nghệ tương tự vaccine cúm mùa đã thành công và xuất khẩu đi các nước.

Vaccine toàn hạt virus tinh khiết, bất hoạt, dạng dung dịch có hoặc không có tá chất bổ trợ, không có chất bảo quản. Theo Giáo sư Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, COVIVAC ứng dụng công nghệ sản xuất vaccine vector Newcastle, gắn gene biểu hiện protein S của SARS-CoV-2.

Các nhà khoa học sử dụng protein S của virus này làm kháng nguyên. Thế giới đã phát hiện đột biến trên một số chủng ở Anh, Nam Phi, trong đó, ghi nhận một số điểm trên gene mã hóa S.

Tuy nhiên, theo Giáo sư Đặng Đức Anh, đoạn protein S khá dài, đột biến chỉ xảy ra ở một số điểm mà không phải toàn bộ. Do đó, các loại vaccine Covid-19 đang nghiên cứu trên thế giới cũng không bị ảnh hưởng tới kháng nguyên và tính sinh miễn dịch.

 Hình ảnh vaccine COVIVAC với 3 liều khác nhau. Ảnh: Hà Quyên.

Hình ảnh vaccine COVIVAC với 3 liều khác nhau. Ảnh: Hà Quyên.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu chỉ ra biến chủng virus lây nhanh hơn chủng cũ nhưng về lâm sàng, chưa ghi nhận tình trạng bệnh nặng hơn và không khác biệt nhiều về tỷ lệ tử vong. Theo Giáo sư Tạ Thành Văn, Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Y Hà Nội, đột biến khoảng 1-3 điểm sẽ không làm ảnh hưởng tới kháng nguyên. Đó là lý do các nhà khoa học thế giới tiếp tục tạo vaccine dựa trên chủng ban đầu.

Vaccine COVIVAC được IVAC bắt đầu nghiên cứu từ tháng 5/2020, đã thực hiện các nghiên cứu tiền lâm sàng tại Ấn Độ, Mỹ và Việt Nam. Kết quả cho thấy tính an toàn và hiệu quả trên thực nghiệm, đạt đầy đủ các điều kiện, tiêu chuẩn để có thể nghiên cứu ở người.

Dự kiến, giai đoạn 1 thử nghiệm lâm sàng bắt đầu vào cuối tháng 12 trên 120 tình nguyện viên, tuổi từ 18 đến 59, khỏe mạnh, không mắc bệnh nền và được sàng lọc kỹ.

Tuyến bài "Tư vấn phòng Covid-19 chủng virus mới"

Tính từ ngày 27/1 đến nay, Việt Nam ghi nhận thêm 484 người mắc Covid-19 trong cộng đồng tại 13 tỉnh, thành. Trong đó, qua kết quả giải trình tự gene, nhiều bệnh nhân ở Quảng Ninh và Hải Dương SARS-CoV-2 chủng mới B117 từ Anh.

Đặc biệt, ngày 31/1, nhóm chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Hà Nội), đã phát hiện người đầu tiên tại Việt Nam nhiễm biến chủng virus mới từ Nam Phi. Đó là chuyên gia từ Nam Phi nhập cảnh vào Việt Nam.

Các biến chủng virus mới có khả năng lây lan nhanh, nhiều bệnh nhân không có triệu chứng. Do đó, chúng ta cần tuân thủ quy định 5K (Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tụ tập - Khai báo y tế) của Bộ Y tế, nhất là trong thời điểm dịp Tết Nguyên đán này.

Thiên Nhan

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hai-loai-vaccine-cua-viet-nam-co-the-chong-lai-bien-chung-ncov-moi-post1182883.html