Hải Phòng không chủ quan, lơ là với bão số 3

Cơn bão số 3 (Wipha) đã chính thức vào đất liền từ sáng nay, gây ảnh hưởng trực tiếp đến khu vực ven biển Bắc Bộ. Chính quyền hai cấp của Hải Phòng đã và đang khẩn trương triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống bão…

 Một số tuyến đường trên địa bàn TP Hải Phòng buổi trưa ngày 22/7 vắng người qua lại.

Một số tuyến đường trên địa bàn TP Hải Phòng buổi trưa ngày 22/7 vắng người qua lại.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, lúc 10h sáng 22/7, tâm bão Wipha đã vào khu vực đất liền các tỉnh ven biển từ Hưng Yên đến Ninh Bình, trong đó, Hải Phòng chịu ảnh hưởng trực tiếp từ hoàn lưu phía bắc bão.

Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão đạt cấp 8–9 (62–88km/h), giật cấp 11. Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, tốc độ 10–15 km/h và tiếp tục gây mưa to, gió mạnh trên diện rộng. Mực nước tại Hòn Dấu (Hải Phòng) đã lên tới 4,1m, cùng với triều cường và nước dâng do bão, làm tăng nguy cơ ngập úng tại các tuyến đường ven biển, cửa sông trong chiều nay.

 Lãnh đạo phường Thiên Hương kiểm tra tất cả các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở.

Lãnh đạo phường Thiên Hương kiểm tra tất cả các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở.

Ngay từ chiều 21/7 đến sáng 22/7, các địa phương cấp xã, phường tại Hải Phòng đã huy động toàn lực ứng phó, theo đúng tinh thần “4 tại chỗ”. Tại phường Thiên Hương, chủ tịch phường Nguyễn Công Diễn và bí thư Vương Toàn Thu Thủy trực tiếp chỉ đạo phòng chống cơn bão 24/24 và kiểm tra tất cả các điểm xung yếu có nguy cơ sạt lở. Chính quyền phường đã triển khai trực ban 24/24, huy động dân quân, công an và các đoàn thể hỗ trợ người dân chằng chống nhà cửa, khơi thông hệ thống thoát nước. Các trạm y tế xã được yêu cầu trực chiến, đảm bảo xử lý nhanh các tình huống cấp cứu, nhất là cho người già, trẻ nhỏ và người bệnh nền.

Tại Phường Ngô Quyền, là địa bàn có nhiều khu nhà tập thể cũ thuộc cấp độ D, tiềm ẩn rủi ro lớn trong mưa bão. Lãnh đạo UBND phường, Công an, các đoàn thể… tổ trưởng tổ dân phố trực tiếp đến các hộ dân di dời. Tính đến 10h sáng 22/7, địa phương đã di dời gần 2.000 nhân khẩu từ các chung cư xuống 66 điểm tạm lánh như Trường Tiểu học Quang Trung, Trường Mầm non 8/3, với cơ sở vật chất, nhu yếu phẩm được chuẩn bị đầy đủ. Phường cũng đã bố trí các tổ y tế, hậu cần, an ninh túc trực suốt ngày đêm tại các điểm tạm lánh.

 Phường Ngô Quyền vận động người dân di dời khởi các khu nhà tập thể cũ.

Phường Ngô Quyền vận động người dân di dời khởi các khu nhà tập thể cũ.

Ghi nhận của phóng viên, tại Đồ Sơn gió giật mạnh, sóng lớn đập vào bờ khiến nước biển dâng tràn nhiều đoạn ven kè. Chính quyền đã thiết lập chốt chặn, cấm người dân và phương tiện tiếp cận khu vực nguy hiểm. Người dân được khuyến cáo không ra đường nếu không thực sự cần thiết.

Đường Phạm Văn Đồng, đường ven đê Đình Vũ, tuyến Lạch Tray – An Dương: Ghi nhận cành cây gãy đổ, nước ngập cục bộ tại một số đoạn trũng. Lực lượng công ích đang xử lý, dọn dẹp khẩn trương để bảo đảm lưu thông an toàn.

 Khu vực đồ sơn có gió giật mạnh, sóng lớn.

Khu vực đồ sơn có gió giật mạnh, sóng lớn.

Các trạm bơm lớn như: Vĩnh Niệm, Ba Tổng đang được vận hành liên tục, kết hợp giữa tiêu thoát tự nhiên và cưỡng bức, ứng phó hiệu quả với mưa lớn và triều cường.

Trước đó, vào chiều 21/7, các đoàn công tác của UBND TP Hải Phòng do đồng chí Lê Anh Quân - Phó Chủ tịch Thường trực và đồng chí Lê Trung Kiên – Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế dẫn đầu đã trực tiếp đến các điểm xung yếu tại Lê Chân, Hưng Đạo, Dương Kinh, Kiến Hưng...

 Lãnh đạo phường Ngô quyền trực tiếp chỉ đạo kiểm tra nơi tạm lánh của nhân dân trong phường tại trường tiểu học Quang Trung.

Lãnh đạo phường Ngô quyền trực tiếp chỉ đạo kiểm tra nơi tạm lánh của nhân dân trong phường tại trường tiểu học Quang Trung.

Lãnh đạo TP Hải Phòng yêu cầu, tuyệt đối không để xảy ra thiệt hại về người. Hoàn tất di dời các hộ dân ngoài đê, nhà yếu. Tổ chức vận hành linh hoạt các trạm bơm, khơi thông cửa cống. Yêu cầu kiểm tra liên tục hệ thống đê điều, cống tiêu, trạm bơm, sẵn sàng ứng phó các tình huống xấu nhất có thể xảy ra.

TP Hải Phòng khuyến cáo, người dân không ra đường khi không cần thiết, nhất là trong khung giờ 11h–16h khi hoàn lưu bão gây mưa to và gió giật mạnh. Không trú dưới gốc cây, bảng hiệu, công trình không đảm bảo an toàn. Tiếp tục theo dõi bản tin thời tiết và chấp hành nghiêm các chỉ đạo sơ tán của địa phương. Giữ liên lạc với chính quyền, tổ dân phố để nhận được hỗ trợ kịp thời khi cần thiết

Trúc Quyên - Khánh An

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/hai-phong-khong-chu-quan-lo-la-voi-bao-so-3-181299.html