Hải Phòng: Tăng tốc, hoàn thành ở mức cao nhất các chỉ tiêu năm 2025
Những tháng còn lại của năm 2025, thành phố Hải Phòng tăng tốc, bứt phát, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được xác định trong cả giai đoạn 2021-2025; cơ bản hoàn thành sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, trở thành thành phố công nghiệp theo hướng hiện đại - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng Lê Ngọc Châu nhấn mạnh tại Kỳ họp thứ 29 Hội đồng Nhân dân thành phố khóa XVI, ngày 24/7.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu phát biểu tại kỳ họp. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Theo đó, có 22 chỉ tiêu chủ yếu cần thực hiện trong 6 tháng cuối năm, trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP đạt 13,35% (kế hoạch năm 2025 là 12,35%); thu ngân sách nhà nước 64.017,5 tỷ đồng (kế hoạch năm 165.011,6 tỷ đồng); kim ngạch xuất khẩu 26,8 tỷ USD (kế hoạch năm 2025 là 49,7 tỷ USD); sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 126,67 triệu tấn (kế hoạch năm 2025 là 213 triệu tấn); thu hút khách du lịch đạt 6,89 triệu lượt (kế hoạch năm 2025 là 14,43 triệu lượt); thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt 4.207 triệu USD (kế hoạch năm 2025 là 5.500 USD)...
Chủ tịch Lê Ngọc Châu nêu rõ, hiện thực hóa các chỉ tiêu này, thành phố đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, đặc biệt với các dự án lớn. Cùng đó, thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ trực thuộc Thành ủy; làm tốt công tác chuẩn bị Đại hội Mặt trận Tổ quốc thành phố, bầu cử Quốc hội khóa XVI và Hội đồng Nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2026-2031. Hoàn thiện Kế hoạch triển khai Nghị quyết số 226/2025/QH15 của Quốc 7 hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.
Về nhiệm vụ chung của các sở, ban, ngành thành phố và các địa phương, tập trung cao cho công tác sau hợp nhất tỉnh Hải Dương và thành phố Hải Phòng, thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp hiệu lực, hiệu quả. Triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo hoạt động của hệ thống chính trị sau hợp nhất thông suốt, có hiệu quả. Bố trí, sắp xếp và đảm bảo hoạt động của Trung tâm hành chính công. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng dịch vụ công quốc gia.
Song song đó, các sở, ban, ngành thành phố và các địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện các Nghị quyết quan trọng được Bộ Chính trị, Quốc hội ban hành. Quán triệt sâu sắc và tổ chức triển khai thực hiện "Bộ tứ trụ cột" được Bộ Chính trị ban hành trong thời gian gần đây; chỉ đạo ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết số 226/2025/NQ-QH ngày 27/6/2025 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hải Phòng.

Các đại biểu HĐND thành phố biểu quyết thông qua chương trình kỳ họp. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Đối với các Sở Công Thương tập trung phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn và công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các ngành phục vụ cho các lĩnh vực công nghiệp chủ lực của thành phố và các ngành có lợi thế. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 điều chỉnh.
Sở Xây dựng rà soát, lập điều chỉnh các quy hoạch theo quy định; làm tốt công tác quản lý, bảo trì hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, đường thủy nội địa, đảm bảo giao thông an toàn, thông suốt. Quản lý hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng đô thị theo mô hình mới; đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị, và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội, hoàn thành mục tiêu đã được Thủ tướng Chính phủ giao...
Trong 6 tháng qua, kinh tế thành phố Hải Phòng tiếp tục tăng trưởng khá, GRDP toàn thành phố ước đạt gần 210 nghìn tỷ đồng, tăng 11,2%. Thu ngân sách gần 101 nghìn tỷ đồng. Đáng chú ý, ngày 15/7 vừa qua, thành phố tổ chức thành công Hội nghị xúc tiến đầu tư trong khuôn khổ Hội đồng Tư vấn Kinh doanh APEC lần thứ 3 thu hút 15,6 tỷ USD, khẳng định niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp quốc tế và trong nước vào tương lai phát triển thành phố.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: Mạnh Tú/TTXVN
Bên cạnh những kết quả đạt được, tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm vẫn thấp hơn mục tiêu đề ra; nhiều chỉ tiêu mới đạt dưới 50% kế hoạch, như: thu hút FDI, sản lượng hàng qua cảng, giải ngân đầu tư công. Công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, thi công một số dự án còn chậm; doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn từ bối cảnh toàn cầu và chính sách thương mại của các nước lớn.
Nguyên nhân khách quan do tình hình kinh tế, chính trị thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường; nhiều quy định pháp luật mới được ban hành. Về nguyên nhân chủ quan, đó là sự phối hợp giữa các ngành, các cấp chính quyền địa phương có lúc chưa thực sự chặt chẽ; công tác phân tích, dự báo tình hình còn chưa sát với thực tế.