Hải quan số - điểm tựa cho doanh nghiệp FDI

Hải quan Thái Nguyên đang có bước chuyển mình mạnh mẽ nhờ đẩy mạnh chuyển đổi số và cải cách thủ tục hành chính.

Công nhân công ty TNHH Samju Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy) vận hành dây chuyền sản xuất.

Công nhân công ty TNHH Samju Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy) vận hành dây chuyền sản xuất.

Một cách dễ nhận biết về sự phát triển, tăng trưởng của doanh nghiệp FDI là thông qua hoạt động tờ khai hải quan. Công ty TNHH Dongsung Vina (Khu công nghiệp Điềm Thụy) là doanh nghiệp Hàn Quốc, hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất, gia công các loại băng film, xốp, có tác dụng để lót, đệm, cách điện, cách nhiệt, chống thấm, giảm chấn, bảo vệ màn hình và các phụ kiện khác dùng cho ô tô, điện thoại di động và các thiết bị điện tử phục vụ cho sản xuất trong nước và xuất khẩu.

Từ đầu năm đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của doanh nghiệp đạt 24 triệu USD; giá trị sản xuất công nghiệp đạt 5 triệu USD. Hằng tháng, doanh nghiệp FDI này phải sử dụng khoảng 300 tờ khai hải quan nhưng được hỗ trợ để hoạt động xuất khẩu luôn thuận lợi.

Ông LEE SUN HO, Trưởng Phòng Kinh doanh - Xuất nhập khẩu, Công ty TNHH Dongsung Vina, chia sẻ: Chúng tôi chuyên sản xuất linh kiện điện thoại di động, có tần suất xuất nhập khẩu cao và thời gian giao hàng rất quan trọng. Hải quan đã cải tiến quy trình, đặc biệt là nhờ việc áp dụng hệ thống thông quan điện tử và nền tảng số, chúng tôi đã có thể rút ngắn thời gian thông quan, đơn giản hóa thủ tục giấy tờ, giảm chi phí.

Cùng là doanh nghiệp FDI, Công ty TNHH Samju Vina cũng có các mặt hàng sản xuất tương tự như Công ty TNHH Dongsung Vina. Doanh nghiệp này bình quân hàng tháng phải sử dụng 600 tờ khai hải quan liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).

Ông Phạm Mạnh Vương, quản lý Phòng XNK, Công ty TNHH Samju Vina, cho biết: Chúng tôi luôn nhận được sự hỗ trợ rất tận tình của cán bộ Hải quan nên không có trở ngại gì cho các hoạt động XNK của doanh nghiệp.

Những cảm nhận của một vài doanh nghiệp FDI đã phần nào phản ánh sự chuyển biến mạnh mẽ trong ngành Hải quan nói chung thời gian qua. Và sự thông suốt về các thủ tục với các doanh nghiệp FDI trên địa bàn có sự góp phần không nhỏ của Hải quan Thái Nguyên - Chi cục Hải quan Khu vực V.

Chỉ tính riêng tại 2 khu công nghiệp Sông Công 1 và Sông Công 2, bình quân mỗi tháng đơn vị Hải quan tiếp nhận và xử lý từ 3.000 đến 4.000 tờ khai hải quan.

Trong 6 tháng đầu năm nay, số lượng tờ khai đạt hơn 88.600, tăng 8,7% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu đạt 48.652 tờ khai, tăng 5,2% so cùng kỳ năm trước; nhập khẩu đạt 39.979 tờ khai, tăng 13,2% so cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch xuất nhập khẩu chạm mốc gần 20 tỷ đô la Mỹ. Trong đó, xuất khẩu giảm 7,4%; nhập khẩu tăng 3,8% so cùng kỳ năm trước, đóng góp vào ngân sách Nhà nước 1.263 tỷ đồng, đạt 46,78% chỉ tiêu Bộ Tài chính giao và tăng 42% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Đội trưởng Hải quan Thái Nguyên (Chi cục Hải quan Khu vực V), cho biết: Ngành Hải quan đang áp dụng chuyển đối số mạnh mẽ, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào nhiều công đoạn hoạt động, bao gồm: Tự động hóa thanh toán điện tử, kiểm tra sau thông quan, giám sát quản lý các thủ tục hải quan. Đặc biệt là áp dụng dịch vụ công trực tuyến và các hoạt động khác, nhằm mục tiêu đưa Hải quan thông minh và Hải quan số.

Hải quan Thái Nguyên đang sử dụng, vận hành 2 phần mềm do Chi cục Hải quan Khu vực V phát triển, đó là hệ thống kê khai hải quan (VICO) và hệ thống thu thập thông tin doanh nghiệp. Nhờ các phần mềm hỗ trợ nên cán bộ, công chức làm việc trong công tác thống kê, báo cáo; cập nhật chính xác thông tin về doanh nghiệp, giúp cho việc quản lý tốt hơn, tránh được những rủi ro, đồng thời giảm được thời gian như thực hiện thủ công trước đây.

Bên cạnh đó, cơ quan Hải quan cũng đã triển khai hệ thống điều hành Hải quan tập trung (CCES), giúp công tác quản lý, lưu trữ tài liệu an toàn và bảo mật thông tin.

Ông Phúc cũng nhấn mạnh, chính nhờ áp dụng chuyển đổi số mà các thủ tục hải quan của doanh nghiệp được diễn ra nhanh chóng và thuận lợi. Qua đó tiết giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp, minh bạch hóa các hoạt động hải quan.

Từ những đổi mới trong quản lý, đặc biệt là chuyển đổi số và cải cách hành chính, Hải quan Thái Nguyên đang khẳng định vai trò là điểm tựa cho doanh nghiệp FDI; góp phần tạo đà tăng trưởng cho kinh tế địa phương.

Hà Thắng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202507/hai-quan-so-diem-tua-cho-doanh-nghiep-fdi-0d32c38/