Hai thời kỳ, một tinh thần đổi mới
Ngày 1/7, cả nước bước vào đợt cải cách hành chính sâu rộng, trùng hợp ngày sinh Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, người đặt nền móng cho công cuộc Đổi mới năm 1986.
Tinh gọn bộ máy, khai thông thể chế từ cơ sở
Sáng nay, các địa phương trên toàn quốc bắt đầu thực hiện đồng loạt việc sắp xếp lại địa giới hành chính theo Nghị quyết 37 ngày 24/12/2018 của Bộ Chính trị, cùng các nghị quyết liên quan của Quốc hội và Chính phủ. Đây là lần đầu tiên sau nhiều năm, đất nước thực hiện một cuộc tái tổ chức quy mô lớn trên toàn bộ hệ thống hành chính cơ sở.
Không đơn thuần là nhập xã, gộp phường, sáp nhập tỉnh. Đằng sau mỗi bản đồ mới là một quyết tâm mạnh mẽ nhằm tinh gọn bộ máy, phân bổ nguồn lực hợp lý hơn, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và tạo nền tảng vững chắc cho phát triển kinh tế xã hội địa phương. Nói như nhiều chuyên gia chính trị, đây là một hình thức “đặt lại nước” theo nghĩa mới, đặt lại không gian lãnh thổ để mở ra không gian phát triển.
Từ lâu, bản đồ hành chính của nước ta vẫn tồn tại một số bất cập. Có nơi xã rộng như huyện, có nơi phường nhỏ như thôn. Có đơn vị hành chính hoạt động hình thức, không đủ nguồn lực tài chính, nhân lực, bộ máy rườm rà, gây khó khăn cho công tác điều hành, quản lý và phục vụ nhân dân.

Hình ảnh ghi nhận buổi sáng làm việc đầu tiên tại Trung tâm hành chính công phường Yên Bái, tỉnh Lào Cai. (Ảnh: Hoàng Nhưỡng)
Việc sắp xếp lại không chỉ giúp giảm số lượng đơn vị hành chính, mà còn là cơ hội để tái thiết không gian phát triển, phân bổ lại dân cư, điều chỉnh đầu tư hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ công, tạo ra các trung tâm động lực mới. Đó là cách để nhà nước đi sát hơn với dân, hiệu quả hơn trong quản lý, minh bạch hơn trong thực thi công vụ.
Ở tầm quốc gia, việc sắp xếp địa giới hành chính là tiền đề để xây dựng mô hình quản trị hiện đại, phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số. Đó là cách để Việt Nam bước vào cuộc cạnh tranh toàn cầu không chỉ bằng sản phẩm, mà bằng cả mô hình điều hành và thể chế của mình.
Cuộc cải cách hành chính lần này cũng không tách rời dòng chảy chung của công cuộc chỉnh đốn Đảng, phòng chống tham nhũng, tăng cường kỷ cương phép nước và đổi mới mô hình quản trị quốc gia. Đây là bước đi tiếp nối trong chiến lược đổi mới toàn diện từ thể chế đến con người, từ tư duy đến hành động mà Tổng Bí thư Tô Lâm xác định.
Một trùng hợp không ngẫu nhiên
Cũng trong sáng nay, tại tỉnh Hưng Yên, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu đã dâng hương tại Nhà tưởng niệm và dự Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh.
Sự kiện trang trọng này diễn ra đúng vào ngày cả nước chính thức khởi động cuộc cải cách hành chính lớn nhất trong hàng chục năm qua. Ngày sinh của người từng mở lối cho công cuộc đổi mới lại trùng khớp với thời điểm đất nước tái định hình thể chế và không gian phát triển. Một sự trùng hợp không ngẫu nhiên, mà là lời nhắc nhở thiêng liêng về mạch nguồn cải cách chưa bao giờ ngưng chảy.
Năm 1986, khi nền kinh tế bao cấp lâm vào khủng hoảng, Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã thẳng thắn chỉ ra những trì trệ, yếu kém trong điều hành và tư duy quản lý. Câu nói “Hãy tự cứu mình trước khi trời cứu” và loạt bài “Những việc cần làm ngay” của ông trên Báo Nhân Dân đã khơi dậy một luồng sinh khí mới, mở ra kỷ nguyên đổi mới, đưa Việt Nam thoát khỏi ngưỡng suy thoái và hội nhập với thế giới.
Ông là một trong những người lãnh đạo tiêu biểu đã dũng cảm nhìn thẳng vào sự thật, không né tránh khuyết điểm của bộ máy, quyết liệt thúc đẩy đổi mới từ trong nội bộ. Với tinh thần ấy, ông góp phần đặt dấu chấm hết cho thời kỳ khép kín, thủ cựu, mở đường cho mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, nền tảng phát triển đến tận hôm nay.
Ba mươi chín năm sau, một vị Tổng Bí thư khác, đồng chí Tô Lâm đang tiếp tục hành trình ấy bằng một cuộc cải tổ toàn diện trong tư duy phát triển lãnh thổ. Nếu Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng khơi thông tư duy thời kỳ bao cấp, thì Tổng Bí thư Tô Lâm hôm nay đang mở đường đổi mới thể chế, hành chính và quản trị. Cả hai cùng gặp nhau ở điểm chung: Cải cách vì dân, đổi mới vì nước.
Kết nối quá khứ, mở ra tương lai
Trong bối cảnh thế giới biến động nhanh chóng, những thách thức mới về an ninh, kinh tế, địa chính trị đòi hỏi mỗi quốc gia phải củng cố lại nền tảng nội lực của mình. Với Việt Nam, đó là giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo trật tự xã hội, tăng hiệu quả điều hành từ trung ương đến cơ sở. Điều đó chỉ có thể thực hiện nếu mô hình tổ chức hành chính được tinh gọn, hợp lý và đồng bộ.
Việc sắp xếp lại địa giới hành chính hôm nay, vì thế, không chỉ là một quyết định kỹ thuật. Đó là quyết sách chiến lược nhằm củng cố quốc gia từ nền tảng gốc, nơi mỗi thôn, mỗi xã trở thành mắt xích quan trọng trong hệ thống trị quốc, an dân và phát triển.
Từ Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đến Tổng Bí thư Tô Lâm, từ năm 1986 đến năm 2025, từ Đổi mới mô hình kinh tế đến Đổi mới mô hình quản trị, lịch sử Đảng ta là một dòng chảy xuyên suốt của cải cách và hành động. Ngày 1/7 năm nay là cầu nối giữa hai thời kỳ ấy.
Chúng ta tưởng nhớ người đã khai mở một thời kỳ mới cho đất nước, đồng thời trân trọng người đang tiếp nối con đường ấy bằng tầm nhìn thực chất và quyết tâm hành động. Cả hai đều tin rằng, sức mạnh của Đảng không đến từ lời nói, mà đến từ khả năng kiến tạo, cải cách và đồng hành cùng nhân dân.
Nếu Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh từng dũng cảm khơi thông tư duy cũ kỹ của thời kỳ bao cấp, mở đường cho đổi mới kinh tế, thì Tổng Bí thư Tô Lâm hôm nay đang từng bước tháo gỡ những rào cản trì trệ trong mô hình hành chính, thể chế. Từ khơi thông tư duy đến cải cách bộ máy, cả hai thời kỳ gặp nhau ở điểm chung: Đổi mới vì dân, hành động vì nước.
Thành quả của công cuộc Đổi mới được tiếp nối không chỉ bằng sự kế thừa tư tưởng, mà bằng những hành động cụ thể của hiện tại. Phát biểu tại Lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: “Trong thời điểm cả dân tộc đang chung sức đồng lòng quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng; cả nước bắt đầu vận hành mô hình đơn vị hành chính hai cấp với không gian phát triển mới, chúng ta càng cần phải tiếp tục khơi dậy tinh thần Nguyễn Văn Linh – tinh thần đổi mới, quyết đoán, khoa học, gần dân và trung thực…”.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/hai-thoi-ky-mot-tinh-than-doi-moi-408697.html