Hàm Yên kiểm soát dịch bệnh trên đàn vật nuôi

Liên tiếp từ đầu năm đến nay, huyện Hàm Yên xảy ra các loại bệnh trên đàn vật nuôi, có nguy cơ bùng phát dịch. Ngành chuyên môn đang nỗ lực hỗ trợ huyện kiểm soát, dập tắt dịch ở phạm vi hộ chăn nuôi.

Tại xã Minh Dân, trong 6 tháng trở lại đây đã xuất hiện 2 ổ dịch nguy hiểm, dịch tả lợn châu Phi, dịch cúm gia cầm H5N6. Ông Ma Quang Hưng, nhân viên thú y xã Minh Dân cho biết, cuối tháng 11-2019, trên địa bàn xã đã xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm làm thiệt hại trên 1.000 con gia cầm, thủy cầm của 2 hộ chăn nuôi thuộc thôn Trung Tâm, đến đầu tháng 4 vừa qua, ổ dịch cúm gia cầm lại bùng phát làm chết hơn 200 con gia cầm của 1 hộ dân thôn Ngòi Khang. Trước đó, xã Minh Dân cũng ghi nhận dịch tả lợn châu Phi xuất hiện trở lại khiến đàn lợn nái của 5 hộ gia đình thuộc thôn Ngòi Tèo chết phải đưa đi tiêu hủy.

Người dân thôn Trung Tâm, xã Minh Dân (Hàm Yên) rắc vôi khử trùng chuồng trạivà xung quanh khu vực nuôi nhốt gia cầm.

Tại các xã Minh Hương, Yên Phú và thị trấn Tân Yên dịch tả lợn châu Phi cũng bùng phát trở lại gây tâm lý hoang mang cho người chăn nuôi. Ông Vũ Văn Lâm, thôn 3 Thống Nhất, xã Yên Phú cho biết, dịch tả lợn châu Phi được lắng xuống, gia đình đầu tư gây lại đàn lợn nái, không ngờ tháng 3 vừa qua dịch xâm nhập 26 con lợn của gia đình đã nhiễm bệnh buộc phải tiêu hủy. Ông Lâm dự tính tới đây ông chuyển sang nuôi gà hoặc ngan, bởi ông lo ngại nuôi lợn hết lỡ lại dịch bệnh sẽ thua lỗ triền miên.

Ông Đàm Văn Hưng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, dịch bệnh xảy ra khiến ngành hàng chăn nuôi của huyện gặp khó, đặc biệt là tái đàn lợn sau dịch tả châu Phi. Rất nhiều hộ chăn nuôi bị thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi đã bỏ trống chuồng không đầu tư nuôi trở lại.

Hỗ trợ huyện Hàm Yên kiểm soát, dập tắt dịch ở phạm vi hộ, không để lây lan diện rộng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã cấp phát cho huyện 210 lít thuốc khử trùng, trong đó tập trung vào các xã xuất hiện ổ dịch, gồm: Minh Dân, Minh Hương, Yên Phú và thị trấn Tân Yên, với 40 lít/xã. Sở cũng hỗ trợ 1.500 liều vắc xin cúm để tiêm phòng cho đàn gia cầm tại xã Minh Dân nơi liên tiếp xuất hiện ổ dịch và vùng giáp ranh. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng phân công cán bộ cùng với Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện theo dõi, giám sát, hướng dẫn các xã, thị trấn thực hiện các biện pháp khoanh vùng dập dịch. Theo ông Hà Xuân Thiên, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Hàm Yên, tại các thôn, bản xuất hiện ổ dịch trên đàn lợn, đàn gia cầm, trung tâm đôn đốc, hướng dẫn bà con thực hiện phun thuốc khử trùng ngày 1 lần để diệt trừ mầm bệnh.

Ông Nguyễn Bá Lệ, Chủ tịch UBND xã Minh Dân cho biết, với sự hỗ trợ đắc lực của tỉnh, huyện, công tác chống dịch bệnh đàn vật nuôi đã đạt được kết quả. Dịch bệnh được khống chế ở phạm vi hộ không lây lan ra nhiều thôn, bản. Hiện tại dịch cúm gia cầm, dịch tả lợn châu Phi đã qua 20 ngày không phát sinh thêm ổ dịch mới.

Ông Vũ Minh Thảo, Trưởng Phòng Quản lý dịch bệnh, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho rằng, Hàm Yên mới chỉ khống chế được dịch bệnh, để kiểm soát, dập tắt dịch rất cần sự vào cuộc tích cực từ phía người chăn nuôi. Muốn làm được điều này, người chăn nuôi phải thực hiện đúng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh, trong đó bắt đầu từ con giống sạch bệnh, quá trình chăn nuôi an toàn đủ dưỡng chất; tiêm vắc xin phòng chống các loại dịch bệnh nguy hiểm; tiêu độc khử trùng, chuồng trại thường xuyên, ngăn chặn dịch bệnh phát sinh, xâm nhiễm vào đàn vật nuôi. Khi phát hiện vật nuôi ốm không rõ nguyên nhân phải báo cáo ngay với cơ quan chuyên môn để giám sát, theo dõi chủ động các biện pháp ứng phó; tuyệt đối không được giết mổ, bán tháo, vận chuyển vật nuôi nhiễm bệnh ra ngoài khu vực làm phát tán dịch bệnh. Ông Thảo nhấn mạnh, Hàm Yên cũng là địa bàn trung chuyển động vật, sản phẩm động vật từ các vùng xuôi lên các huyện phía Bắc của tỉnh và Hà Giang, do đó Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cũng cần giám sát chặt chẽ các phương tiện vận chuyển, không cấp giấy kiểm dịch khi không đủ các điều kiện nhằm hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ dịch xâm nhiễm vào địa bàn.

Bài, ảnh: Đoàn Thư

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/kinh-te/nong-nghiep-nong-thon/ham-yen-kiem-soat-dich-benh-tren-dan-vat-nuoi-131607.html