Hàng chục công nhân mắc bệnh bụi phổi ở Nghệ An: Sống trong nghèo khó và nỗi lo bệnh tật

Thông tin 6 công nhân tử vong liên quan đến bụi phổi và bệnh phổi làm hàng chục người từng làm việc trong Công ty TNHH Châu Tiến chưa hết lo lắng nay họ lại nhận được 'trát' bị mắc bệnh bụi phổi trong đợt khám bệnh nghề nghiệp vừa qua càng làm mọi người hoang mang cực độ.

Ăn cơm ngoài bờ ao để tránh bụi

Nhiều tháng qua, thông tin một số công nhân làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến (đóng tại KCN Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) tử vong do bị bệnh bụi phổi làm hàng trăm công nhân đã đang làm việc tại đơn vị này sống trong lo sợ. Sự việc được đẩy lên đến đỉnh điểm làm nhiều người hoang mang khi có 57 công nhân của công ty này vừa phát hiện mắc bệnh bụi phổi trong đợt khám phát hiện bệnh nghề nghiệp vào ngày 8/11.

Nhiều công nhân khi nhận được thông tin của bệnh viện đã ngã bệnh vì chưa bao giờ họ nghĩ mình mắc loại bệnh oái oăm này. Có nhiều công nhân chỉ làm việc được ít tháng tại công ty này khi đi khám cũng dính bệnh.

Khi nghe mình mắc bệnh bụi phổi thể nặng, chị Hoàng Thị Liên vừa sợ lại vừa lo vì tiền đâu đi chữa bệnh.

Khi nghe mình mắc bệnh bụi phổi thể nặng, chị Hoàng Thị Liên vừa sợ lại vừa lo vì tiền đâu đi chữa bệnh.

Chị Hoàng Thị Liên (SN 1976, trú xóm 8, xã Nghi Long, huyện Nghi Lộc), một trong những công nhân bị thể nặng cho biết, mới biết kết quả mắc bệnh từ đầu tháng 12/2023 do một chị làm bên y tế thông báo. "Phía công ty chưa có thông báo gì cho chúng tôi. Giờ bệnh tật biết lấy tiền đâu để đi chữa bệnh…", chị Liên bật khóc kể.

Chị Liên là một trong những công nhân "đời đầu" làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến từ năm 2015. Chị làm ở bộ phận tách hạt sau chuyển sang bộ phận đóng bao. Đến năm 2021, chị nghỉ việc tại công ty. "Thời gian làm việc tại công ty vất vả, cực nhọc mọi người chịu đựng hoàn thành. Những bữa ăn trưa, để tránh bụi đá mù mịt trong công xưởng, các công nhân ra bờ ao giăng bạt để ngồi ăn. Rất nhiều lần tôi kiến nghị công ty để được đóng bảo hiểm đảm bảo quyền lợi cho mình nhưng không được nên quyết định nghỉ việc", chị Liên bức xúc nói.

Hai vợ chồng anh Bùi Văn Dũng.

Hai vợ chồng anh Bùi Văn Dũng.

May mắn hơn chị Liên, anh Bùi Văn Dũng (SN 1978, trú xóm 3, xã Nghi Hưng, Nghi Lộc) làm việc từ năm 2018 và được công ty đóng bảo hiểm. Anh Dũng làm tại bộ phận đốt lò, xay đá, sau đó chuyển sang vớt đá ở bể ngâm lên băng tải để sấy và phân loại. Đến năm 2021, anh xin nghỉ việc vì thấy sức khỏe giảm sút.

"Khi thấy người mệt mỏi đi khám sức khỏe nhưng các bác sĩ bảo bình thường nên tôi đỡ lo. Vừa qua đi khám mới biết được tôi bị mắc bệnh bụi phổi thể trung bình", anh Dũng lo lắng kể.

Nghe chồng nói đến bụi phổi, vợ anh Dũng nói thêm, vừa qua công ty chị hết việc nên phải nghỉ ở nhà. Quá túng quẫn, vợ chồng anh Dũng quyết định đi rút bảo hiểm xã hội 1 lần được hơn 13 triệu đồng. "Giờ anh Dũng bị bệnh cả nhà ai cũng lo lắng và hoang mang. Không có bảo hiểm điều trị sẽ tốn kém vô cùng trong khi hai vợ chồng không nghề nghiệp", vợ anh Dũng buồn bã nói.

Có được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp?

Thông tin PV báo Sức khỏe và Đời sống có được, trong số 57 công nhân vừa phát hiện mắc bệnh bụi phổi trong đợt khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại Công ty TNHH Châu Tiến (đóng tại KCN Nam Cấm, huyện Nghi Lộc, Nghệ An) vừa qua có công nhân mới vào làm được 5 tháng, có người 7 tháng, 8 tháng… Đây là những công nhân được chú thích "mắc bệnh cần theo dõi". Còn những công nhân mắc bệnh bị thể nặng có thời gian làm việc từ 1-5 năm.

Bác sĩ CKII Thái Đình Lâm, Phó Giám đốc Bệnh viện phổi Nghệ An cho biết, bệnh bụi phổi là bệnh không thể điều trị khỏi hoàn toàn. Những công nhân thường rất chủ quan bởi bệnh này thường không có triệu chứng. Khi có triệu chứng như ho, khạc đờm kéo dài, sụt cân… bệnh đã ở mức độ nặng.

Phim X-Quang của một công nhân bị thể nặng từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến.

Phim X-Quang của một công nhân bị thể nặng từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến.

Việc phân loại bệnh bụi phổi thể nặng, trung bình và nhẹ phải dựa vào tổn thương phổi do bụi trên phim X-Quang theo tiêu chuẩn ILO (Tổ chức lao động quốc tế) nhằm mục đích phát hiện sớm bệnh bụi phổi silic, các bệnh liên quan đến amiăng và bệnh bụi phổi khác. Chứ không phải nặng nhẹ của bệnh bụi phổi.

Bác sĩ Lâm thông tin thêm, trong môi trường làm việc cũng như đồ bảo hộ không đảm bảo thì thời gian người công nhân mắc bệnh bụi phổi cấp tính chỉ sau 3 tháng, mãn tính kéo dài đến 5 năm. Bệnh này đa phần phát hiện muộn do người bệnh không cảm nhận được mình có bệnh. Hơn nữa, các công nhân chỉ kiểm tra sức khỏe tổng quát mà bỏ qua việc kiểm tra bệnh nghề nghiệp. Vì vậy, người công nhân không thể phát hiện sớm bệnh bụi phổi.

Công ty TNHH Châu Tiến nơi có hàng chục công nhân mắc bệnh bụi phổi.

Công ty TNHH Châu Tiến nơi có hàng chục công nhân mắc bệnh bụi phổi.

Về việc những người đã mắc bệnh, bác sĩ Lâm nhấn mạnh, trước hết những người bệnh này nên bỏ môi trường làm việc đó. Kiểm tra sức khỏe, chủ yếu chụp X-Quang phổi định kỳ xem bệnh có tiến triển không. Tăng cường dinh dưỡng, nghỉ ngơi và chọn công việc phù hợp. Đồng thời, người bệnh cần tập phục hồi chức năng (tập thở) ở mức độ phù hợp để tăng sức đề kháng, phục hồi chức năng ở phổi.

Việc người dân chủ quan, không đi thăm khám thường xuyên là rất nguy hiểm. Kiểm tra X-Quang phổi là bắt buộc để bác sĩ tư vấn cách điều trị phù hợp.

Đợt khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho các công nhân ngày 8/11.

Đợt khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho các công nhân ngày 8/11.

Theo lãnh đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc, qua rà soát phát hiện nhiều công nhân từng làm việc tại Công ty TNHH Châu Tiến bị mắc bệnh bụi phổi trong đợt khám vừa qua đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần. "Ngoài những công nhân rút bảo hiểm một lần đã xác định được hiện còn 10 người khác chưa xác định được thông tin đã được đóng bảo hiểm xã hội hay chưa. Đơn vị đề nghị phía bảo hiểm xã hội rà soát, xác định lại những trường hợp này có được đóng bảo hiểm hay không", lãnh đạo Phòng Lao động Thương binh và Xã hội huyện Nghi Lộc cho biết.

Về thắc mắc của những công nhân đã rút bảo hiểm xã hội 1 lần có được hưởng chế độ bệnh nghề nghiệp không? Bảo hiểm tỉnh Nghệ An thông tin, nếu công nhân được xác định mắc bệnh nghề nghiệp trong thời gian làm việc tại đơn vị và thời gian đó đã đóng vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp thì nghỉ việc, hưởng chế độ hưu trí hoặc hưởng BHXH 1 lần rồi vẫn được giải quyết chế độ.

Ngoài ra, chế độ cho người lao động được xác định mắc bệnh bụi phổi nghề nghiệp thì căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội sẽ được hưởng tiền trợ cấp. Số tiền trợ cấp phụ thuộc vào số phần trăm người lao động bị suy giảm khả năng lao động, số năm đóng bảo hiểm...

Thêm hàng chục công nhân mắc bệnh

Sở Y tế Nghệ An cho biết, trong đợt khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho các công nhân Công ty TNHH Châu Tiến (nơi có 6 công nhân tử vong do bụi phổi), các đơn vị phát hiện thêm nhiều công nhân mắc bệnh bụi phổi.

Cụ thể, trong 81 công nhân công nhân Công ty TNHH Châu Tiến được khám (ngày 8/11) có tới 57 người mắc bệnh bụi phổi. Trong đó, có 19 người bị thể nặng, 25 người thể trung bình và 13 người thể nhẹ. Có 2 người do phim chụp bị mờ nên chưa xác định được.

Hiện, toàn bộ hồ sơ thăm khám đã được chuyển ra Hội đồng của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (Bộ Y tế) để hội chẩn và kết luận về bệnh nghề nghiệp.

Vào đầu tháng 12/2023, các đơn vị đã khám thêm 17 trường hợp nhưng hiện chưa có kết quả. Sở Y tế đang tiếp tục phối hợp các đơn vị tiếp tục rà soát, tổ chức khám tiếp cho những công nhân chưa được khám.

Dự báo thời tiết sáng 15/12: Miền Bắc đón đợt không khí lạnh mạnh, liệu có xuất hiện mưa tuyết?

V. Đồng

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/hang-chuc-cong-nhan-mac-benh-bui-phoi-o-nghe-an-song-trong-ngheo-kho-va-noi-lo-benh-tat-169231215095837835.htm