Hàng chục người Trung Quốc nhập cảnh trái phép như thế nào?

Công an Hà Nội cho biết người nhập cảnh 'chui' thường đi theo đường mòn, lối mở vào Việt Nam để tìm việc làm, kinh doanh hoặc đánh bạc trên mạng.

Ngày 5/5, Công an Hà Nội cho biết đang điều tra mở rộng vụ tổ chức, môi giới cho 17 người Trung Quốc khác nhập cảnh "chui" rồi ở lại Việt Nam trái phép.

Trao đổi với Zing, đại tá Hoàng Văn Chính, Trưởng phòng quản lý xuất nhập cảnh Công an Hà Nội, chỉ ra những thủ đoạn, mục đích của người nước ngoài khi nhập cảnh trái phép vào Việt Nam.

Nhập cảnh "chui" để đánh bạc, tìm việc làm

Theo đại tá Chính, giữa năm 2020, khi Công an Hà Nội phát hiện các nhóm người nước ngoài (đa số mang quốc tịch Trung Quốc) nhập cảnh trái phép, lực lượng quản lý xuất nhập cảnh nhận thấy nhiều nguy cơ từ nhóm này.

"Họ chủ yếu nhập cảnh trái phép qua đường mòn, lối mở", ông Chính nói và cho biết mục đích những người này khi sang Việt Nam là để tìm việc, hoạt động kinh doanh hoặc sử dụng công nghệ cao để đánh bạc trên không gian mạng...

Một bộ phận người nhập cảnh trái phép còn tìm cách đến Hà Nội rồi tiếp tục di chuyển vào các tỉnh, thành phố phía Nam. Từ đó, họ ở lại Việt Nam hoặc sang Campuchia.

 Từ 20/4 đến 4/5, Công an Hà Nội phát hiện gần 80 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Ảnh: Công an cung cấp.

Từ 20/4 đến 4/5, Công an Hà Nội phát hiện gần 80 người Trung Quốc nhập cảnh trái phép. Ảnh: Công an cung cấp.

Theo cảnh sát, các nhóm nhập cảnh "chui" thường móc nối với người Việt Nam để dễ dàng lọt sâu vào nội địa. Công an Hà Nội từng phá nhiều đường dây tổ chức, môi giới cho người nước ngoài vượt biên rồi lưu trú trái phép.

Những đường dây này thường tìm cách đưa một người nước ngoài vào trước theo diện doanh nghiệp đề xuất nhập cảnh và xin visa lâu dài. Sau đó, họ thuê nhà để đưa những người khác sang. Để tránh bị phát hiện, người nhập cảnh thường tập trung trong các căn hộ, rất ít ra ngoài.

Xác định nhiều nguy cơ tiềm ẩn từ những người nhập cảnh trái phép, đặc biệt trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát trở lại, Phòng quản lý xuất nhập cảnh đã tham mưu cho Công an Hà Nội báo cáo các cơ quan liên quan về việc quản lý chặt đường mòn, lối mở và siết chặt kiểm tra các tuyến biên giới.

Giám đốc Công an Hà Nội cũng chỉ đạo các địa phương tăng kiểm tra để xử lý người nước ngoài nhập cảnh trái phép hoặc các cá nhân, tổ chức tiếp tay, bao che, chứa chấp cho người nước ngoài lưu trú bất hợp pháp.

Ai chịu trách nhiệm khi người nhập cảnh trái phép lưu trú ở địa bàn?

Liên quan việc nhiều nhóm người Trung Quốc nhập cảnh trái phép rồi lưu trú trái phép, trung tướng Nguyễn Hải Trung, Giám đốc Công an Hà Nội, cho biết ngoài yêu cầu siết chặt kiểm tra về cư trú, cơ quan chức năng cũng ban hành quy chế để xử lý trách nhiệm đối với cảnh sát quản lý địa bàn.

Theo quy chế này, khu vực nào để lọt người nhập cảnh trái phép đến lưu trú bất hợp pháp, cảnh sát nơi đó phải chịu trách nhiệm. Khi xảy ra vụ việc, Công an Hà Nội sẽ căn cứ mức độ, hành vi sai phạm để làm căn cứ xử lý cá nhân liên quan.

 Trần Thị Phương Thảo, một trong 2 sinh viên bị khởi tố do tiếp tay cho 17 người Trung Quốc lưu trú bất hợp pháp. Ảnh: Công an cung cấp.

Trần Thị Phương Thảo, một trong 2 sinh viên bị khởi tố do tiếp tay cho 17 người Trung Quốc lưu trú bất hợp pháp. Ảnh: Công an cung cấp.

Dưới góc độ pháp lý, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư Hà Nội) cho rằng trong các vụ nhập cảnh và lưu trú trái phép, ngoài việc xử lý hình sự cá nhân tiếp tay cho người Trung Quốc lọt vào nội địa, cơ quan chức năng cần xem xét trách nhiệm của lực lượng chuyên trách.

Theo luật sư, tình trạng người nước ngoài nhập cảnh "chui" vào Việt Nam có một phần trách nhiệm của lực lượng tuần tra, kiểm soát ở khu vực biên giới.

Đối với lực lượng cảnh sát quản lý cư trú ở các khu vực, luật sư cho biết pháp luật Việt Nam có nhiều quy định buộc người dân phải đăng ký tạm trú nơi sinh sống. Tuy nhiên, chế tài xử lý người cư trú "chui" chưa đủ răn đe.

Ngoài ra, luật sư đánh giá do lực lượng cảnh sát quản lý địa bàn mỏng về quân số nên cơ quan chức năng khó khăn trong việc kiểm soát người nhập cảnh trái phép khi họ có chủ đích ở lại trái phép.

Từ đầu năm 2020 đến nay, Công an Hà Nội phát hiện, xử lý 27 vụ với 183 người nước ngoài nhập cảnh trái phép. Cơ quan điều tra đã khởi tố 17 vụ án, 22 bị can, trục xuất và trao trả 165 người nước ngoài nhập cảnh trái phép.

Tính riêng từ ngày 20/4 đến 4/5, Công an Hà Nội phát hiện gần 80 người nhập cảnh trái phép rồi đến lưu trú bất hợp pháp tại các căn hộ ở các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy, Hà Đông và Nam Từ Liêm.

Mở rộng điều tra, cảnh sát đã khởi tố 2 vụ án, 3 bị can về tội Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh, nhập cảnh hoặc ở lại Việt Nam trái phép.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-chuc-nguoi-trung-quoc-nhap-canh-trai-phep-nhu-the-nao-post1211705.html