Hàng giả, gian lận thương mại gia tăng và diễn biến phức tạp

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT), Bộ Công thương nhận định, trong những tháng cuối năm 2002, tình trạng hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trên thương mại điện tử có khả năng gia tăng diễn biến phức tạp khi dịch Covid-19 được khống chế và nhu cầu tiêu dùng của người dân tăng lên. Thực tế này đặt ra nhiều thách thức với cơ quan chức năng.

Thu ngân sách hơn 113 tỷ đồng từ xử lý vi phạm

Tại tọa đàm nhận diện và giải pháp ngăn chặn hành vi buôn lậu, hàng giả, hàng nhái và gian lận thương mại diễn ra sáng ngày 28/7 tại Hà Nội, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT cho biết, từ đầu năm đến nay, những hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh các mặt hàng phục vụ phòng, chống dịch giảm mạnh.

Tuy nhiên, nhóm hành vi vi phạm trong kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, vi phạm sở hữu công nghiệp, an toàn thực phẩm lại có xu hướng gia tăng về cả số vụ và trị giá hàng hóa tịch thu. Nhóm mặt hàng vi phạm chủ yếu do lực lượng QLTT kiểm tra, xử lý là thuốc lá điếu, thực phẩm (đường cát), mỹ phẩm, phân bón, đồ may mặc, đồ chơi trẻ em…

Gian nan ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại. Ảnh: CTV

6 tháng đầu năm 2022, lực lượng QLTT kiểm tra hơn 30.000 vụ việc, xử lý hơn 17.300 vụ vi phạm, phạt vi phạm hành chính hơn 113 tỷ đồng, chuyển cơ quan điều tra 54 vụ việc. Trong đó nổi cộm là các vụ buôn lậu, hàng giả, hàng cấm, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ và hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Đáng chú ý, thời tiết chuyển mùa nắng nóng cũng là lúc nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng đường, thuốc lá, bia, nước giải khát tăng cao. Điển hình như: Cục QLTT TP. Hồ Chí Minh thu giữ gần 10 tấn đường cát nhập lậu; cuối tháng 4/2022, Cục Nghiệp vụ QLTT chủ trì, phối hợp với Cục QLTT tỉnh Thanh Hóa và Công an tỉnh Thanh Hóa đã triệt phá các kho hàng, thu giữ hàng chục nghìn sản phẩm vi phạm, trong đó phần lớn là hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu nổi tiếng.

Ông Trần Hữu Linh cho hay, vấn đề nóng bỏng hiện nay là nạn sản xuất hàng giả, hàng nhái vi phạm sở hữu trí tuệ diễn ra khá phổ biến và được giao dịch kinh doanh online, sàn giao dịch thương mại điện tử nên rất khó phát hiện và xử lý triệt để.

“Ngay trong nội địa vẫn có những đối tượng ở các làng nghề tiếp tục sản xuất hàng giả, tập trung chủ yếu vào đồ thực phẩm. Ví dụ như cách đây một tháng chúng tôi có kiểm tra một cơ sở ngay huyện Hoài Đức, Hà Nội, cơ sở này sản xuất mật ong ngay trong một hộ gia đình, một ngày hàng trăm lít mật ong giả và chỉ bán trên facebook. Đây là những mặt hàng rất nguy hiểm ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân” - ông Linh dẫn chứng.

Cần sự chung tay của doanh nghiệp và người tiêu dùng

Theo ông Nguyễn Đăng Sinh - Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam (VATAP), trong 2 năm diễn ra Covid-19, lực lượng chức năng của ngành Công thương đã phối hợp tổ chức kiểm tra 3.000 vụ và đã xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thương mại điện tử đến 20 tỷ đồng. Các vụ vi phạm thường rất tinh vi, nên việc đấu tranh bảo vệ người tiêu dùng rất khó khăn và chưa thực sự hiệu quả.

Để ngăn chặn hoạt động buôn bán hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại, ông Sinh cho rằng, rất cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng; cần nâng cao ý thức tự bảo vệ thương hiệu, sản phẩm của doanh nghiệp. Đồng thời, tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền tích cực hơn nữa để người dân nhận diện và tham gia tố giác các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất - kinh doanh hàng giả.

Lực lượng QLTT Lạng Sơn kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh phân bón. Ảnh: CTV

Khuyến cáo với các doanh nghiệp, ông Sinh cho rằng, sản phẩm của doanh nghiệp phải có đăng ký với cơ quan quản lý nhà nước về thương hiệu, nhãn hiệu nhận diện để được cơ quan quản lý nhà nước công nhận, làm căn cứ xử lý trước pháp luật đối với các đối tượng làm giả sản phẩm.

“Trên thực tế, có rất nhiều doanh nghiệp vẫn không đăng ký nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm với cơ quan quản lý nhà nước. Cá biệt, khi lực lượng chức năng xử lý những trường hợp doanh nghiệp bị làm giả hàng hóa, ngay bản thân doanh nghiệp cũng không chứng minh được sản phẩm chính hãng của mình thì sẽ rất khó” - ông Sinh nhấn mạnh.

Ông Trần Hữu Linh nhận định, trong những tháng còn lại của năm 2022 sẽ là khoảng thời gian “nóng” trên mặt trận chống hàng giả, hàng nhái. Bởi, mặc dù dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng vấn nạn hàng giả, hàng nhái, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là trên thương mại điện tử đã trở lại và diễn biến phức tạp. Chưa kể hàng hàng hóa quá “date”, hàng giả, hàng tồn trong quá trình dịch bệnh Covid-19 chưa có cơ hội tiêu thụ thì nay là thời điểm thích hợp.

Trong bối cảnh nêu trên, ông Trần Hữu Linh cho biết, lực lượng QLTT tập trung vào việc chống hàng giả, hàng nhái, vi phạm sở hữu trí tuệ, kinh doanh buôn bán hàng hóa không đảm bảo chất lượng trong môi trường mạng. Mặt hàng tăng cường kiểm tra, ngăn chặn vi phạm tập trung vào ba nhóm chính là mỹ phẩm, thời trang, quần áo, giày dép, đồ diện tử.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm 2022, Bộ Công thương chỉ đạo Tổng cục QLTT xây dựng, hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ 3 đề án tập trung vào chống hàng giả, đặc biệt lưu ý đến môi trường mạng. Trong đó, lực lượng QLTT đặt mục tiêu tăng tỷ lệ kiểm tra, kiểm soát đối với lực lượng của thị trường đạt 60% ở trên mạng và chỉ còn 20 - 30% là tại hiện trường trong vòng 2-3 năm tới theo chỉ đạo của Chính phủ.

Nguyễn Vân

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hang-gia-gian-lan-thuong-mai-gia-tang-va-dien-bien-phuc-tap-109737.html