Hàng giả, hàng nhái vẫn lên sàn thương mại điện tử

Mặc dù các cơ quan chức năng liên tục mở các đợt cao điểm truy quét, xử lý hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ nguồn gốc trên không gian mạng, song thực tế cho thấy nhiều mặt hàng vi phạm vẫn ngang nhiên bày bán công khai trên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt là thực phẩm chức năng (TPCN) không rõ xuất xứ, nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

TPCN trôi nổi gắn mác ngoại nhập

Thị trường TPCN trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, TikTok Shop, Lazada… đang rơi vào tình trạng “vàng thau lẫn lộn” khi hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bày bán công khai. Chỉ cần vài cú nhấp chuột, người tiêu dùng dễ dàng bắt gặp hàng loạt sản phẩm quảng cáo “hiệu quả thần tốc” như giảm cân cấp tốc, tăng chiều cao, cải thiện sinh lý… nhưng lại thiếu giấy công bố sản phẩm, không rõ đơn vị phân phối, không mã vạch, thậm chí mập mờ về xuất xứ.

Viên giảm cân được bán trên Shopee nhưng giấy công bố sản phẩm lại là sản phẩm khác.

Viên giảm cân được bán trên Shopee nhưng giấy công bố sản phẩm lại là sản phẩm khác.

Nhiều loại TPCN dù chưa được đăng ký với Bộ Y tế, vẫn được gắn mác “nội địa Nhật”, “chính hãng Mỹ” để đánh vào tâm lý chuộng hàng ngoại của người tiêu dùng. Trong khi đó, chế tài xử phạt còn nhẹ, việc rà soát và gỡ bỏ sản phẩm vi phạm trên các sàn TMĐT vẫn gặp khó khăn do quy mô khổng lồ và sự thiếu phối hợp từ phía một số đơn vị vận hành nền tảng.

Trên nền tảng thương mại điện tử Shopee, nhiều sản phẩm TPCN vẫn được rao bán công khai dù không có tên trong danh sách công bố của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế). Điển hình là viên uống giảm cân Max Diet Genie, được bán với giá hơn gần 200.000 đồng/lọ, đã tiêu thụ hơn 6.000 sản phẩm - tương đương doanh thu hơn 1 tỷ đồng.

Đáng chú ý, người bán còn đăng tải hình ảnh giấy phép công bố sản phẩm số 1118/2021/ĐKSP để tạo lòng tin. Tuy nhiên, qua tra cứu dữ liệu công khai từ năm 2018 đến 10/5/2025, không hề có sản phẩm nào tên Max Diet Genie được cấp phép, trong khi số giấy phép nói trên thuộc về sản phẩm No Gym Healthy Diet. Điều này làm dấy lên nghi vấn người bán đã chỉnh sửa hoặc sử dụng giấy phép không đúng để đánh lừa người mua.

Ngoài ra còn có rất nhiều gian hàng bán loại sản phẩm này với nhiều giá tiền khác nhau. Có gian hàng còn bán với giá gần 900.000 đồng/1 lọ sau khi đã giảm từ 1.350.000 đồng. Các gian hàng này đều đã bán được từ hơn 1.000 đến 3.000 sản phẩm trên sàn Shopee. Tương tự trên sàn Chiaki, sản phẩm này cũng được bán gần 1,2 triệu đồng/1 lọ.

Tình trạng tương tự cũng diễn ra với nhiều sản phẩm như Vitamin tổng hợp One A Day hay Viên uống Swisse Ultiboost Menopause Balance, dù chưa được cơ quan chức năng cấp phép lưu hành, vẫn được rao bán rầm rộ và đã có hàng nghìn lượt giao dịch thành công. Sản phẩm này không chỉ được rao bán trên Shopee mà trên sàn TMĐT Chiaki hiện cũng đang bán. Điều này cho thấy lỗ hổng trong kiểm soát hàng hóa trên các sàn TMĐT đang bị lợi dụng triệt để.

Từ đầu tháng 5/2025 đến nay, lực lượng chức năng đã liên tiếp phát hiện và xử lý nhiều trường hợp vi phạm trong hoạt động quảng cáo thực phẩm, thực phẩm chức năng. Trên các nền tảng như Facebook, TikTok, Shopee… không ít người nổi tiếng, TikToker, KOLs, KOCs đăng tải nội dung quảng cáo gây hiểu nhầm về công dụng sản phẩm bảo vệ sức khỏe, khiến người tiêu dùng dễ bị đánh lừa, mua nhầm hàng kém chất lượng.

Song song đó, Bộ Y tế đã thành lập 15 tổ kiểm tra đột xuất việc kinh doanh mỹ phẩm, thuốc kê đơn, sữa và các sản phẩm chăm sóc sức khỏe trên các sàn TMĐT, mạng xã hội và thị trường truyền thống. Người dân được khuyến cáo chỉ mua thuốc và TPCN từ cơ sở kinh doanh hợp pháp, có đầy đủ thông tin về nguồn gốc, xuất xứ; tuyệt đối không tin theo các quảng cáo sai sự thật lan truyền trên mạng.

Lực lượng chức năng kiểm tra các kho hàng bán online.

Lực lượng chức năng kiểm tra các kho hàng bán online.

Trước đó, qua công tác hậu kiểm đối với hoạt động đăng ký bản công bố, tự công bố và kinh doanh TPCN, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã phát hiện nhiều sản phẩm thuộc nhóm thực phẩm bảo vệ sức khỏe đang được rao bán công khai trên các sàn TMĐT như: Lazada và Shopee dù chưa được cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm.

Một số sản phẩm vi phạm được nêu rõ gồm: Omega 3-6-9 1600 mg, Natto Kinase 4000fu, Estroven - Complete Multi - Symptom, Kirkland Glucosamine 1500 mg & Chondroitin 1200 mg, Glucosamine 1500mg with MSM 1500mg...

Theo quy định, chỉ những sản phẩm đã được cấp phép hoặc có thông tin công bố trên Hệ thống dữ liệu an toàn thực phẩm mới đủ điều kiện lưu hành. Trước tình trạng này, Cục An toàn thực phẩm đã yêu cầu Công ty TNHH Shopee và Công ty TNHH Thương mại điện tử Lazada Việt Nam rà soát toàn bộ giao dịch liên quan đến các sản phẩm trên, gỡ bỏ thông tin vi phạm và báo cáo về Cục.

Cục cũng nhấn mạnh: “Chỉ kinh doanh TPCN đã được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố hoặc có thông tin công khai theo quy định pháp luật”, nhằm đảm bảo quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.

Sàn TMĐT không thể “khoán trắng” cho người bán

Không chỉ bán công khai TPCN không rõ nguồn gốc mà trên sàn TMĐT Shopee, tình trạng bán hàng giả, hàng nhái các sản phẩm thời trang cao cấp vẫn diễn ra phổ biến. Nhiều gian hàng công khai sử dụng kiểu dáng, mẫu mã, thậm chí là tên thương hiệu nổi tiếng để quảng cáo cho các sản phẩm giá rẻ, đánh lừa người tiêu dùng.

Chẳng hạn, mẫu túi xách Chanel chính hãng có giá niêm yết tới 259 triệu đồng, nhưng một cửa hàng có tên “Vua túi xách giá rẻ 1688” lại rao bán mẫu tương tự chỉ với 78.000 đồng. Cửa hàng này đã bán ra hơn 200 sản phẩm hàng nhái. Tình trạng tương tự cũng xảy ra với đồng hồ Rolex Datejust, khi hàng nhái có kiểu dáng và logo tương đồng được rao bán chỉ 200.000 đồng, trong khi hàng thật có giá trị trên 500 triệu đồng.

Trên sàn TMĐT Lazada, những chiếc đồng hồ nhái thương hiệu Rolex hiện đang được rao bán với giá dưới 1 triệu đồng. Được biết, nhãn hiệu Rolex đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam từ năm 1944, còn hiệu lực đến năm 2033, vì vậy các sản phẩm giả mạo như trên vi phạm nghiêm trọng Luật Sở hữu trí tuệ, đồng thời làm tổn hại đến uy tín và giá trị thương hiệu.

Tương tự, chiếc túi Dior Book Tote Medium “White Blue” hiện đang được một số cửa hàng xách tay bán với giá khoảng 97 triệu đồng. Nhưng trên Shoppe, chiếc túi có mẫu mã tương tự, có logo của hãng đang được bán với giá từ 109 - 119 ngàn đồng tùy size. Cửa hàng này cũng bán nhiều loại túi khác của Dior với mẫu mã và giá cả tương tự.

Hay với chiếc túi đeo chéo Gucci Mini Bag With Interlocking cũng đang được nhiều shop hàng hiệu bán với giá gần 22 triệu đồng. Trong khi đó, trên Shopee, sản phẩm có kiểu dáng tương tự và gắn logo của Gucci đang được bán với giá 170 ngàn đồng cả hộp.

Tình trạng hàng giả còn lan rộng ở mặt hàng giày dép. Đôi giày Adidas Samba chính hãng có giá khoảng 2,7 triệu đồng trên website chính thức, nhưng trên Shopee, một cửa hàng có tên “Hải Đăng 2024” đã rao bán sản phẩm tương tự với giá rẻ hơn rất nhiều và đã tiêu thụ tới 25.200 đơn hàng có dấu hiệu là hàng nhái. Việc này không chỉ gây thiệt hại lớn cho thương hiệu Adidas đang hoạt động hợp pháp tại Việt Nam mà còn tiềm ẩn rủi ro về chất lượng. Trong vai người mua và sử dụng chức năng tố cáo trên Shopee, phóng viên vẫn nhận thấy các gian hàng vi phạm không bị xử lý triệt để. Sau nhiều ngày phản ánh, các shop bán hàng hiệu giá rẻ này vẫn hoạt động bình thường, tiếp tục rao bán sản phẩm như chưa có chuyện gì xảy ra.

Trao đổi với tổng đài Shopee, nhân viên hỗ trợ xác nhận hệ thống hiện chưa có chức năng theo dõi lịch sử tố cáo, cũng không thông báo kết quả xử lý đến người tố cáo. Khi được hỏi cách kiểm tra tình trạng xử lý, nhân viên chỉ gợi ý: “Chờ 7-10 ngày, nếu sản phẩm vẫn được rao bán thì gửi lại tên shop để Shopee kiểm tra tiếp…”.

Shopee cũng cho biết có thể “xử lý nội bộ” bằng cách phạt shop hoặc gỡ sản phẩm, tuy nhiên, không có thông tin rõ ràng về thời gian hay kết quả cụ thể. Chính sự mập mờ và thiếu minh bạch này khiến nhiều ý kiến cho rằng: việc phòng chống hàng giả trên sàn Shopee vẫn còn mang tính đối phó, hình thức. Trong khi theo quy định, các gian hàng vi phạm nhiều lần hoàn toàn có thể bị khóa tài khoản vĩnh viễn.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng.

Trước những sai phạm liên tục được lặp lại, nhiều sàn TMĐT dường như vẫn đứng ngoài cuộc khi lấy danh nghĩa của đơn vị trung gian, cung cấp nền tảng kỹ thuật, phóng viên đã có buổi trao đổi luật sư Nguyễn Đức Hùng - Công ty Luật TNHH TGS (Thuộc Đoàn Luật Sư Thành Phố Hà Nội), để làm rõ hơn vai trò và trách nhiệm của các “chủ chợ online” này.

Luật sư Nguyễn Đức Hùng cho biết, theo quy định tại Nghị định 98/2020/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 17/2022/NĐ-CP), hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc có thể bị phạt hành chính từ 500 nghìn đến 100 triệu đồng, tùy theo giá trị vi phạm. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị tịch thu hàng hóa, tiêu hủy tang vật nhằm ngăn chặn hành vi tái phạm.

Tuy nhiên, nếu hành vi có dấu hiệu có tổ chức, quy mô lớn, gây hậu quả nghiêm trọng hoặc trốn thuế, người vi phạm hoàn toàn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Cụ thể: Điều 188 (Tội buôn lậu), Điều 193 (Tội sản xuất, buôn bán thực phẩm giả), hoặc Điều 194 (Tội buôn bán thuốc giả), với mức án lên tới 20 năm tù.

Cũng theo ông Hùng, những cá nhân, tổ chức sử dụng trái phép thương hiệu, thiết kế đã được bảo hộ là đang xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ - hành vi không có “vùng xám” để biện minh. Pháp luật quy định rõ: cá nhân vi phạm có thể bị phạt tới 250 triệu đồng, tổ chức lên tới 500 triệu đồng, kèm các biện pháp khắc phục như tịch thu, tiêu hủy hàng hóa, buộc cải chính công khai, truy thu lợi bất chính (Nghị định 99/2013/NĐ-CP, sửa đổi bởi Nghị định 126/2021/NĐ-CP).

Nếu hành vi này gây thiệt hại từ 200 triệu đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị truy tố theo Điều 226 Bộ luật Hình sự, với mức án tù đến 3 năm hoặc phạt tiền đến 1 tỷ đồng. Đối với pháp nhân thương mại, hình phạt có thể lên tới 5 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động vĩnh viễn.

Tình trạng buôn bán hàng giả, hàng nhái công khai, quy mô lớn trên sàn TMĐT không còn xa lạ. Tuy nhiên, các biện pháp xử lý hiện nay vẫn chủ yếu dừng ở mức xử phạt hành chính - thiếu tính răn đe, đặc biệt khi lợi nhuận bất chính có thể lên tới hàng tỷ đồng.

Do đó, cần sửa đổi quy định theo hướng nâng mức xử phạt, đồng thời truy thu toàn bộ doanh thu bất hợp pháp. Không chỉ người bán, các sàn TMĐT cũng cần bị trách nhiệm hóa, nếu để lọt hàng vi phạm, không xử lý sau tố cáo hoặc có dấu hiệu tiếp tay. Với trường hợp nghiêm trọng, cần xem xét đình chỉ một phần hoặc toàn phần hoạt động của sàn.

Bên cạnh đó, cần mạnh tay khởi tố hình sự đối với hành vi tái phạm, tổ chức buôn bán hàng giả qua nền tảng số - như Điều 192, 226 Bộ luật Hình sự đã quy định. Xử phạt hành chính không đủ, nếu không có án điểm để răn đe, sẽ không thể thiết lập kỷ cương pháp luật trên không gian mạng.

Ngọc Anh - Ngọc Trâm

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/hang-gia-hang-nhai-van-len-san-thuong-mai-dien-tu-i775428/