'Hàng ngàn tấn rau ế hỏng ở Hoài Đức' là thông tin không chính xác!

Trước và sau Tết Tân Sửu, lượng tiêu thụ chậm khiến giá rau xanh tại các vùng chuyên canh rau của Hà Nội giảm mạnh. Vụ rau Tết của nông dân Hà Nội không được như kỳ vọng. Tuy nhiên, 'hàng ngàn tấn rau ế hỏng ở Hoài Đức' là thông tin không chính xác!

Nông dân xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức) chăm sóc lứa rau mới.

Giá rau giảm mạnh

Tại vùng chuyên canh thuộc các xã: Tiền Yên, Song Phương (huyện Hoài Đức), Đặng Xá (huyện Gia Lâm), Tráng Việt (huyện Mê Linh)..., nhiều loại rau xanh như bắp cải, su hào, cải các loại... đến lứa thu hoạch song vẫn vắng bóng thương lái thu mua, giá chỉ còn bằng 1/3 so với trước khi dịch Covid-19 diễn biến phức tạp. Thời điểm trước Tết một tuần, giá rau cải 5.000 đồng/kg, cải cúc 3.000 đồng/mớ, nay chỉ còn 2.000 đồng/kg rau cải và 1.000 đồng/mớ cải cúc.

Lý giải vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Hào - Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) cho biết, hiện nay, vấn đề lớn ở các vùng rau của Tiền Lệ nói riêng, Hà Nội nói chung, sản phẩm rau chủ yếu vẫn tiêu thụ trôi nổi, chưa có nhiều đơn vị, doanh nghiệp liên kết để tiêu thụ ổn định. Từ đầu năm 2018 đến nay, mới chỉ có 5 doanh nghiệp là có hợp đồng liên kết bao tiêu sản phẩm cho hợp tác xã với sự giám sát nghiêm ngặt về điều kiện sản xuất và an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, diện tích liên kết còn khiêm tốn so với hàng trăm héc-ta rau của hợp tác xã.

Theo Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật huyện Hoài Đức Đặng Thị Thu Thủy, đợt giảm giá rau lần này có 2 nguyên nhân chính: Một phần do dịch bệnh diễn biến phức tạp; một phần là thời tiết thuận lợi, sản xuất rau được mùa. Hiện, giá rau của hộ sản xuất có sự bao tiêu của doanh nghiệp thì vẫn ổn định; còn giá rau của nông dân bán cho thương lái giảm 60-70% so với trước...

Mặc dù dịch Covid-19 đang ảnh hưởng tới vùng rau trên địa bàn, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hoài Đức vẫn tham mưu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội, UBND huyện Hoài Đức quản lý hiệu quả việc kinh doanh, sử dụng vật tư nông nghiệp; tránh lơ là, chủ quan, để xảy ra mất an toàn vệ sinh thực phẩm. Trạm phân công cán bộ kỹ thuật bám sát đồng ruộng, thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo chính xác các đối tượng sâu bệnh hại; phối hợp với UBND các xã: Vân Côn, Song Phương, Cát Quế, Tiền Yên… thực hiện mô hình sản xuất rau, quả an toàn theo chuỗi PGS (hệ thống bảo đảm cùng tham gia); sẵn sàng vào vụ sản xuất mới khi điều kiện cho phép.

Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Đông Anh Nguyễn Hồng Tuyển cho hay, một số xã: Nguyên Khê, Bắc Hồng, Tàm Xá, Vân Nội, Tiên Dương, Nam Hồng... giá rau đều giảm. Trạm đang đẩy mạnh hỗ trợ tối đa, kết nối các doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất trên địa bàn để cung ứng cho hệ thống chợ, siêu thị, cửa hàng thực phẩm...

Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Hà Nội Nguyễn Mạnh Phương chia sẻ, đơn vị đang cân nhắc và nghiên cứu một số giải pháp để đề xuất Sở NN&PTNT, UBND thành phố Hà Nội hỗ trợ nông dân các vùng sản xuất rau an toàn duy trì sản xuất; nếu giá rau tiếp tục giảm mạnh, trước mắt, tăng cường tiêu thụ qua hệ thống chợ, cửa hàng, siêu thị...

Cánh đồng rau an toàn ở thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên (huyện Hoài Đức).

"Hàng ngàn tấn rau ế hỏng" là thông tin không chính xác!

Lợi dụng tình trạng rau xanh giảm giá, ngày 18-2, trên một số trang mạng xuất hiện thông tin "hàng ngàn tấn rau ế hỏng ở huyện Hoài Đức". Qua trao đổi, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Tiền Lệ (xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức) Nguyễn Văn Hào khẳng định, thông tin này là không chính xác! Hiện, toàn xã có 5ha rau trồng trong nhà lưới đang được các đơn vị bao tiêu sản phẩm thu mua ổn định, giữ giá theo hợp đồng.

Theo ông Hào, hợp tác xã đã xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm rau an toàn, đáp ứng cho hơn 60% số xã viên đăng ký tham gia, tương đương sản lượng rau thu hoạch trên tổng diện tích gần 20ha. Còn lại khoảng 11ha là những những hộ xã viên, nông dân không đăng ký tham gia tiêu thụ sản phẩm với hợp tác xã mà tự tiêu thụ. Giá rau thời điểm hiện tại rẻ hơn so với trước Tết Nguyên đán Tân Sửu do ảnh hưởng dịch Covid-19, các trường học nghỉ nên không nhập rau; các siêu thị tiêu thụ hàng chậm nên giảm nhập hàng. Thực tế, nông dân có thể bán rau chậm, giá thấp chứ không có tình trạng "hàng ngàn tấn rau bị ế, hỏng" ở ngoài đồng...

Sản xuất rau tại xã Văn Đức (huyện Gia Lâm) khó tiêu thụ bởi ảnh hưởng dịch Covid-19.

Cũng về vấn đề này, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Hoài Đức Đặng Thị Thu Thủy cho biết, thời tiết trước và sau Tết Nguyên đán Tân Sửu rất thuận lợi cho rau phát triển, năng suất cao. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch Covid-19, nhiều bếp ăn tập thể không nhập hàng; song so với trước Tết Nguyên đán, giá giảm không nhiều. Trong các ngày 16, 17 và 18-2, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện phối hợp với Phòng Kinh tế huyện kiểm tra thực tế tại các xã: Song Phương, Tiền Yên, Vân Côn…, là những vùng trồng rau an toàn của huyện, cho thấy không có tình trạng như thông tin thất thiệt nói trên.

Còn Chủ tịch UBND xã Tiền Yên Nguyễn Văn Tân thông tin, ngày 17-2, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận cùng đoàn công tác huyện kiểm tra thực tế đồng ruộng của địa phương. Tại khu sản xuất, đoàn công tác đã trao đổi với nông dân đang làm việc về việc rau bán chậm và giá giảm nhẹ nhưng không có phản ánh "rau bị ế hỏng" ngoài đồng. Hiện, tổng diện tích trồng rau của xã Tiền Yên khoảng 30ha, nếu việc tiêu thụ rau tiếp tục bị chậm do ảnh hưởng của dịch Covid-19, địa phương sẽ đề xuất với UBND huyện Hoài Đức có biện pháp hỗ trợ nông dân.

Còn tại xã Song Phương, nơi có 198ha trồng rau, củ, quả các loại, Chủ tịch UBND xã Song Phương Đỗ Văn Toàn thông tin thêm, hiện chỉ có diện tích trồng súp lơ xanh khó tiêu thụ chứ không có tình trạng rau ế hỏng số lượng lớn như thông tin ngày 18-2 trên một số trang báo mạng.

Dương - Thanh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/nong-nghiep/991515/hang-ngan-tan-rau-e-hong-o-hoai-duc-la-thong-tin-khong-chinh-xac