Hàng phòng ngự là nỗi lo của Park Hang-seo

Hàng thủ sẽ mang đến không ít nỗi lo cho tuyển Việt Nam, dù đây từng là phòng tuyến khiến HLV Park Hang-seo tự hào nhất.

5 bàn thắng sau 5 trận, là thông số không thể giúp bất cứ đội bóng nào xếp đầu bảng ở vòng loại World Cup, trừ Việt Nam. Thầy trò HLV Park Hang-seo đang là tập thể kỳ lạ: ghi bàn nhỏ giọt, nhưng kiếm điểm rất hiệu quả. Giành 11 điểm với 5 bàn thắng, tức là cứ ghi 1 bàn, tuyển Việt Nam lại có 2,2 điểm.

Đội bóng giành ngôi đầu bảng với số bàn ít ỏi, chắc chắn phải có hàng thủ vững vàng. Dù vậy, tấm khiên của Park Hang-seo đã bắt đầu xuất hiện vấn đề.

Nền móng lung lay

Thành công của HLV Park Hang-seo ở Việt Nam, bên cạnh nguyên do đẳng cấp, kinh nghiệm của chiến lược gia này, cùng với năng lực của cầu thủ, không thể bỏ qua yếu tố “thời vận”. HLV người Hàn Quốc gặp không ít thuận lợi khi vừa đặt chân tới Việt Nam xây dựng đội bóng, một trong số đó nằm ở hàng phòng ngự.

Ông mất rất ít thời gian để tìm kiếm một hàng phòng ngự phù hợp với triết lý, được thành hình bốn giai đoạn xây dựng. Giai đoạn đầu xuất phát từ trận hòa 0-0 với Afghanistan ở vòng loại Asian Cup 2019, giúp HLV Park Hang-seo hiểu rằng sơ đồ 4 hậu vệ không thể giúp Việt Nam thắng các đội mạnh ở châu Á. Ông lập tức chuyển sang sơ đồ 3.

Giai đoạn hai là vòng chung kết U23 châu Á, nơi Bùi Tiến Dũng, Đỗ Duy Mạnh và Đoàn Văn Hậu bước ra ánh sáng. Tháng 3/2018, tuyển Việt Nam gặp Jordan, và HLV Park chỉ cần 45 phút để nhận ra tài năng của Đặng Văn Lâm. AFF Cup 2018, ông Park tìm ra Nguyễn Trọng Hoàng, trước khi Quế Ngọc Hải chói sáng ở Asian Cup 2019 trong vai trò trung vệ “thòng” thay Trần Đình Trọng.

Hàng phòng ngự được đắp móng chỉ sau 1 năm, rồi đi cùng vinh quang của tuyển Việt Nam đến thời điểm này.

 Tuyển Việt Nam chỉ thủng lưới một bàn ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, là đội phòng ngự tốt thứ hai ở châu Á. Ảnh: Minh Chiến.

Tuyển Việt Nam chỉ thủng lưới một bàn ở vòng loại thứ hai World Cup 2022, là đội phòng ngự tốt thứ hai ở châu Á. Ảnh: Minh Chiến.

Trước tiên, phải khẳng định tuyển Việt Nam không phải đội bóng chỉ biết phòng ngự. Nhìn hai chiến thắng 1-0 và một trận hòa 0-0 ở vòng loại World Cup 2022, dễ kết luận các học trò của HLV Park Hang-seo tấn công kém, nên phải dựa vào hàng thủ chắc chắn để kiếm điểm. Tuy nhiên, thực tế là tuyển Việt Nam đá để thắng, chứ không phải ghi nhiều bàn. Triết lý này được hình thành dựa trên niềm tin tuyệt đối vào hàng phòng ngự. 3 năm qua, chiến lược gia người Hàn Quốc được đền đáp xứng đáng.

Ngọc Hải, Tiến Dũng, Văn Lâm đá trọn vẹn 450 phút sau 5 trận vòng loại. Nếu không vướng chuyến đi Hà Lan ký hợp đồng với SC Heerenveen, Văn Hậu có thể đạt con số tối đa. Duy Mạnh và Trọng Hoàng chỉ nghỉ lần lượt 16 và 28 phút.

Tuyến phòng ngự không chỉ chơi hiệu quả, mà còn bền bỉ, ổn định và duy trì phong độ cao. Ở 3 giải lớn gần nhất (trừ Asian Cup), tuyển Việt Nam đều giữ sạch lưới trên 60% số trận toàn giải, gồm ASIAD (71,4%), AFF Cup (62,5%) và vòng loại World Cup (80%).

Dù vậy, gần 2 năm sau trận đấu chính thức cuối cùng, rất nhiều biến cố xảy ra với các học trò của Park. Văn Lâm không thi đấu 6 tháng do vướng rắc rối pháp lý với CLB Muangthong (Thái Lan) và ngồi ngoài 3 trận gần nhất ở Cerezo Osaka. Duy Mạnh nghỉ 1 năm sau chấn thương dây chằng. Văn Hậu chỉ đá chính 1 trận trong năm 2020 và nghỉ thi đấu 7 tháng qua.

Tiến Dũng, Ngọc Hải và Trọng Hoàng là những cầu thủ hiếm hoi ra sân đều đặn, với tổng cộng 2762 phút đá cho CLB Viettel từ đầu mùa, nhưng cũng chỉ tròn vai. Trong bối cảnh Malaysia, UAE hay Indonesia nhập tịch cầu thủ, triệu tập những gương mặt mới, đồng nghĩa nhiều công cụ hơn để “giải mã” tuyển Việt Nam, HLV Park Hang-seo phải nâng cấp độ khó của đề bài. Nhưng với nhân sự hiện tại, sắp xếp một tuyến phòng ngự tốt không phải nhiệm vụ dễ dàng.

 Văn Hậu nghỉ thi đấu 7 tháng, nên khó lấy lại phong độ sau khi kết thúc liệu trình phù hợp. Ảnh: Minh Chiến.

Văn Hậu nghỉ thi đấu 7 tháng, nên khó lấy lại phong độ sau khi kết thúc liệu trình phù hợp. Ảnh: Minh Chiến.

Rủi ro của sự ổn định

Khi HLV Park Hang-seo bỏ qua Nguyễn Hữu Tuấn, trung vệ đang chơi tốt ở HAGL, để gọi trở lại Văn Hậu, Đình Trọng, chiến lược gia Hàn Quốc đã chọn sự ổn định. Đây không phải là phép bắc cầu, kiểu “Hữu Tuấn khỏe mạnh” không bằng “Văn Hậu phập phù”, mà giữa cái tốt và cái phù hợp, tuyển Việt Nam chỉ mở cánh cửa với vế thứ hai.

HLV Park có cái lý của ông. Đội tuyển quốc gia không phải CLB. Với đặc thù chỉ tập trung vài lần mỗi năm, mỗi lần không quá 3 tuần, HLV không có thời gian để chờ đợi cầu thủ hòa nhập. Thay vì xoay nhiều bài vở, ban huấn luyện thường chọn những gương mặt quen thuộc, đã hiểu sẵn triết lý để ốp vào đá luôn. Điều này càng cần thiết với các hậu vệ, khi giá trị của sự ổn định đổi lấy bằng thành bại của một chiến dịch.

Trong buổi tập đầu tiên khi đặt chân tới Việt Nam, HLV Park Hang-seo yêu cầu học trò không tập với bóng, mà thực hiện nhuần nhuyễn bài di chuyển không bóng. Các cầu thủ phải di chuyển đồng bộ. Nếu ai di chuyển lệch nhịp, ông sẽ cho dừng bài tập và nhắc nhở riêng cá nhân đó.

Với HLV Park, dù đá với sơ đồ nào, toàn đội cũng phải giữ đúng cự ly, biết hỗ trợ, bọc lót cho nhau. Khối đội hình vững chắc của tuyển Việt Nam đã nuốt chửng nhiều đối thủ mạnh trong khu vực. Rất khó đạt đến sự ăn ý này. Do đó, HLV Park không muốn thay đổi cỗ máy đang trơn tru, bởi ráp vào nhân tố mới, các chiến thuật nhóm, chiến thuật cá nhân sẽ phải xoay chuyển theo.

Trong cuốn sách “Chúng ta là Việt Nam, chúng ta là một”, HLV Park Hang-seo phân tích các yếu tố cần có ở hậu vệ của ông: sức mạnh, thể lực, khả năng đấu tay đôi, đỡ và chuyền bóng tốt. “Sơ đồ 4 hậu vệ yêu cầu tính tổ chức, còn sơ đồ 3 hậu vệ đòi hỏi nhiều hơn ở năng lực từng cầu thủ, khi các trung vệ thường rơi vào thế đấu tay đôi”, ông Park lý giải.

 Việc Nguyễn Hữu Tuấn chơi tốt ở HAGL không khẳng định 100% anh sẽ chơi tốt trong hệ thống của đội tuyển. Giữa cái tốt và cái phù hợp, tuyển Việt Nam chỉ mở cánh cửa với vế thứ hai. Ảnh: Minh Chiến.

Việc Nguyễn Hữu Tuấn chơi tốt ở HAGL không khẳng định 100% anh sẽ chơi tốt trong hệ thống của đội tuyển. Giữa cái tốt và cái phù hợp, tuyển Việt Nam chỉ mở cánh cửa với vế thứ hai. Ảnh: Minh Chiến.

Ông cũng phân tích kỹ: các cầu thủ phòng ngự phải biết chuyền dài, thực hiện những “đường chuyền có hồn”, với điểm rơi và lực vừa vặn cho tiền đạo. Tuyển Việt Nam đã ghi 2 bàn bằng những đường chuyền của hậu vệ, đều đến từ cùng kịch bản: hậu vệ dâng cao, bất thình lình chuyền bóng xé toang hàng thủ đối phương cho tiền đạo lập công.

Với tiêu chí này, quỹ lựa chọn của tuyển Việt Nam thực tế không nhiều, dù 43,2% số cầu thủ được gọi ở đợt tập trung này là các hậu vệ. V.League là giải đấu thiên về phòng ngự với tổng bàn thắng trung bình các trận chỉ xấp xỉ con số 2, và 3 đội đang dẫn đầu cũng là những đội phòng ngự tốt nhất giải. Sự xuất hiện của các tiền đạo ngoại (100% các đội V.League có trung phong đến từ châu Phi hoặc châu Mỹ) giúp trình độ hậu vệ được nâng cao.

Tuy nhiên, BLV Vũ Quang Huy phân tích: hầu hết đội bóng ở V.League vẫn lựa chọn lối đá phòng ngự thụ động, chỉ phất dài lên cho ngoại binh xử lý. Các cầu thủ phòng ngự, vì thế, chỉ làm nhiệm vụ phá bóng thuần túy, trong khi HLV Park yêu cầu các trung vệ phải biết khống chế, chuyền bóng tốt và kiến tạo, ghi bàn khi cần.

4 trên tổng số 5 bàn thắng của tuyển Việt Nam ở vòng loại World Cup được ghi hoặc kiến tạo bởi các hậu vệ. “Không chỉ ngăn chặn đối phương, mà hậu vệ còn phải biết tấn công. Nhiệm vụ của họ rất nặng nề”, HLV Park nhấn mạnh.

Điều này lý giải vì sao HAGL từng rơi vào khủng hoảng, nhưng Vũ Văn Thanh hay Nguyễn Phong Hồng Duy vẫn được gọi, bởi đây là những cầu thủ chạy cánh hiếm hoi biết phối hợp nhóm, thay vì chỉ tạt bổng. CLB Hà Nội đang đứng hạng bảy, song vẫn có 10 đại diện lên tuyển (chủ yếu là hậu vệ), bởi đây vẫn là đội bóng đẳng cấp và có tính tổ chức cao nhất V.League. HLV Park Hang-seo đề cao yếu tố này, hơn cả phong độ của từng cá nhân.

 HLV Park Hang-seo yêu cầu hậu vệ phải biết khống chế bóng và chuyền dài tốt. Không nhiều cầu thủ có thể chuyền dài ấn tượng như Quế Ngọc Hải hay Duy Mạnh. Ảnh: Minh Chiến.

HLV Park Hang-seo yêu cầu hậu vệ phải biết khống chế bóng và chuyền dài tốt. Không nhiều cầu thủ có thể chuyền dài ấn tượng như Quế Ngọc Hải hay Duy Mạnh. Ảnh: Minh Chiến.

Dù vậy, bản danh sách hậu vệ ít biến đổi đang cho thấy một vấn đề khác của V.League. HLV Park Hang-seo cùng các trợ lý đã theo dõi, phân tích 218 trận ở mùa 2020 và nửa đầu mùa 2021, có mặt ở sân bóng tại 14 tỉnh thành, nhưng vẫn không tìm ra nổi một nhân tố mới ở hàng phòng ngự.

Trong số 16 hậu vệ, Lê Văn Xuân, Nguyễn Minh Tùng, Đỗ Thanh Thịnh và Nguyễn Thanh Bình là những tân binh. Văn Xuân và Thanh Bình được “cấy” lên học việc để về phục vụ U22 Việt Nam, Thanh Thịnh chơi không tốt ở SEA Games 30, còn Minh Tùng khó trụ lại.

Nếu có nhân tố xuất sắc, HLV Park Hang-seo sẵn sàng thay đổi. Ông không phải tuýp HLV bảo thủ đến mức giữ bằng được một đội hình. Trọng Hoàng từng được xếp đá thay Văn Thanh ngay trước thềm AFF Cup 2018, Ngọc Hải lùi về đá trung tâm ở Asian Cup 2019, hay Hồng Duy đá thay Văn Hậu ở vòng loại World Cup.

Song, ngoài nhóm cầu thủ đá chính, mặt bằng trình độ hậu vệ Việt Nam hiện nay chưa cao. Minh chứng là những trung vệ biết triển khai bóng, giỏi tổ chức lối chơi, biết kiến tạo, ghi bàn ở V.League như HLV Park mong muốn chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với nguyên liệu ít ỏi, tuyển Việt Nam phải bằng lòng với nhân sự hiện tại.

Tuy nhiên, lịch sử chứng minh rằng khó khăn thường là thời cơ để HLV Park tìm ra giải pháp. Trọng Hoàng, Đỗ Hùng Dũng, Nguyễn Tuấn Anh đã chen chân vào đội hình tưởng như hoàn hảo của ĐTQG, rồi trở thành trụ cột đến hôm nay. Ông có thể hy vọng điều tương nhân tố mới xuất hiện vị trí hậu vệ, nếu không, bộ khung cũ phải lấy lại phong độ trong một tháng tập luyện ít ỏi. Nếu không, tuyển Việt Nam sẽ đối diện với vấn đề khó giải nhất sau 3 năm đầy ắp thành công.

Amaobi: 'Hàng công tuyển Việt Nam mang tin vui cho HLV Park' Đặng Amaobi, Vua phá lưới V.League 2004, đánh giá cao hàng tiền đạo của tuyển Việt Nam. Trong đó, anh ấn tượng với Nguyễn Văn Toàn và Nguyễn Công Phượng.

Nam Nhi

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/hang-phong-ngu-la-noi-lo-cua-park-hang-seo-post1217492.html