Hành trình 36 giờ bay của oanh tạc cơ B-2 Spirit tại Trung Đông
'Không quốc gia nào khác trên trái đất có khả năng thực hiện một chiến dịch tương tự'. Đó là tuyên bố của Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng nước này Pete Hegseth sau chiến dịch Midnight Hammer nhằm phá hủy 3 cơ sở hạt nhân hàng đầu của Iran.
Chiến thuật “giương Đông kích Tây”
Ngày 22-6, thế giới thức giấc bàng hoàng trước thông tin người đứng đầu nước Mỹ công bố: Washington vừa kết thúc chiến dịch Midnight Hammer phá hủy thành công một số cơ sở hạt nhân lớn của Iran. Thật khó tin bởi một chiến dịch có quy mô tầm cỡ, nhắm vào một quốc gia đang là tâm điểm chú ý của thế giới, lại bắt đầu một cách đột ngột và kết thúc vô cùng chóng vánh.
Air & Space Forces Magazine dẫn lời tướng Dan Caine, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ cho hay, chiến dịch đặc biệt này huy động sự tham gia của hơn 125 máy bay, bao gồm máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit, máy bay tiếp nhiên liệu, máy bay chiến đấu hộ tống và máy bay không người lái cung cấp thông tin tình báo, giám sát và thu thập mục tiêu.


Máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit tại căn cứ không quân Whiteman, Missouri (Mỹ). Ảnh: afgsc.af.mil
Theo "bật mí" của tướng Caine, tổng cộng 13 oanh tạc cơ B-2 Spirit đã đồng loạt cất cánh vào rạng sáng 21-6 (giờ miền Đông nước Mỹ) từ căn cứ không quân Whiteman ở Missouri. Một phi đội gồm 6 chiếc B-2 Spirit rầm rộ bay về phía Tây, với kế hoạch bay cho thấy đảo Guam ở Thái Bình Dương là đích đến. Thông tin “công khai” này khiến dư luận tin rằng Mỹ đang chuẩn bị cho một cuộc chiến tiềm năng trong tương lai. Sau này tất cả mới vỡ lẽ, đây là động tác giả nhằm thu hút và đánh lạc hướng sự chú ý của dư luận.
Trong khi đó, 7 chiếc B-2 Spirit khác bật chế độ tàng hình lặng lẽ hướng về phía Đông qua Đại Tây Dương và Địa Trung Hải trước khi băng qua Trung Đông vào lãnh thổ Iran lúc 18 giờ cùng ngày (giờ miền Đông nước Mỹ, tức là lúc hơn 2 giờ ở Iran). Sau khi giội chính xác 14 quả “siêu bom” xuống các cơ sở hạt nhân của Tehran, phi đội B-2 Spirit an toàn rút lui và tiếp tục hành trình trở về căn cứ trong 18 giờ bay tiếp theo, gần như không vấp phải sự kháng cự nào từ phía Iran.
Kế hoạch hoàn hảo
Với tất cả những gì đã diễn ra, chiến dịch Midnight Hammer sau này có thể sẽ trở thành một ví dụ kinh điển được đưa vào các giáo trình quân sự thế giới, xét trên mức độ phối hợp thực hiện hoàn hảo của nó.
Theo Breaking Defense, căn cứ không quân Whiteman ở Missouri, nơi đồn trú duy nhất của 19 chiếc B-2 Spirit, được xây dựng như một hệ sinh thái gắn kết chặt chẽ. B-2 Spirit được chứa trong các hangar (nhà chứa máy bay). Để bảo vệ lớp phủ hấp thụ sóng radar ở thân vỏ máy bay-yếu tố giúp nó trở nên tàng hình-khỏi tác động của độ ẩm và nhiệt độ, người ta kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ trong các hangar. Căn cứ Whiteman có hơn 5.000 nhân viên, bao gồm Phi đoàn ném bom 509 đang vận hành oanh tạc cơ B-2 Spirit, chuyên phối hợp thực hiện các nhiệm vụ do Bộ tư lệnh tấn công toàn cầu của không quân Mỹ điều phối theo thứ tự các ưu tiên quốc gia.
Việc thiết kế đường bay trong 36 giờ liên tục đòi hỏi sự chuẩn bị vô cùng công phu. Các nhân viên phân tích tình báo phải thu thập, chọn lọc và đưa ra phương án dựa trên các dữ liệu về thời tiết, hệ thống phòng không của đối phương, cũng như các hạn chế về địa chính trị. Các tuyến đường bay được dựng trên phần mềm mới nhất, với mục tiêu tối ưu hóa hiệu quả nhiên liệu và khả năng tàng hình của máy bay, đồng thời tránh bay qua các khu vực đang có xung đột hoặc có các mối đe dọa như tên lửa đất đối không tiên tiến.
Một nhiệm vụ không kém phần quan trọng là việc phối hợp với các đồng minh của Mỹ điều hướng các kênh ngoại giao phức tạp, để bảo đảm oanh tạc cơ bay qua không phận các nước an toàn. Song song với đó, một kế hoạch phụ cũng được thông qua nhằm xác lập các căn cứ quân sự dự phòng để máy bay đáp xuống trong trường hợp khẩn cấp.
Tiếp nhiên liệu được coi là nền tảng cho hoạt động tấn công tầm xa. Hành trình bay 36 giờ liên tục của oanh tạc cơ B-2 Spirit đòi hỏi từ 4 đến 6 lần tiếp nhiên liệu trên không, với sự tham gia của các máy bay tiếp nhiên liệu như KC-135 Stratotanker, KC-46 Pegasus. Căn chỉnh sao cho cổng tiếp nhiên liệu của B-2 Spirit khớp với cần trục của máy bay tiếp nhiên liệu là một động tác đòi hỏi độ chính xác tuyệt đối khi máy bay đang bay ở tốc độ hơn 800km/giờ. Bay đêm hoặc bay vào vùng nhiễu động không khí cũng làm tăng thêm yếu tố phức tạp, thử thách kỹ năng của phi công.
Ngoài các máy bay tiếp nhiên liệu trên không, Washington còn bố trí hàng chục tàu chở dầu tại các căn cứ tiền phương, nhằm bảo đảm nhiên liệu luôn có sẵn khi cần. Trước đó, nhiều cuộc tập trận kết hợp trên không và trên biển đã giúp các lực lượng tác chiến, hậu cần và kỹ thuật có cơ hội phối hợp nhuần nhuyễn.
“Kỳ quan” của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ
Khả năng tác chiến tầm xa trong 36 giờ không ngưng nghỉ của máy bay ném bom tàng hình B-2 Spirit khiến thế giới bất ngờ trước loại vũ khí được coi là “kỳ quan” của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.
Mỗi oanh tạc cơ B-2 Spirit có hai thành viên phi hành đoàn, gồm một phi công và một chỉ huy. Tất cả đều đã trải qua hàng nghìn giờ bay, được kiểm tra khả năng điều hướng, ra quyết định trong bối cảnh các chuyến bay kéo dài nhiều giờ. Trong buồng lái không gian chật hẹp bố trí một giường gấp để phi hành đoàn nghỉ thay phiên. Những bữa ăn được định lượng chia sẵn thành từng gói nhỏ gọn, bảo đảm cung cấp đủ dinh dưỡng và năng lượng cần thiết. Bên cạnh đó, việc duy trì liên lạc thông suốt với mặt đất, các chương trình đào tạo về cảm xúc và tâm lý trang bị cho phi hành đoàn khả năng kiểm soát căng thẳng trong những khoảnh khắc quan trọng, cũng như giúp họ xóa bỏ cảm giác bị cô lập, từ đó tăng sức bền và ổn định tinh thần trong những chuyến bay đường dài.
Quá trình bảo dưỡng oanh tạc cơ B-2 Spirit đòi hỏi độ chính xác cực cao. Trước khi xuất kích, mỗi máy bay sẽ trải qua khâu kiểm tra kéo dài 72 giờ đối với các động cơ, thiết bị điện tử và lớp phủ vật liệu tàng hình, được thực hiện bởi hơn 100 thợ máy và kỹ sư. Cùng lúc, các chuyên gia vũ khí sẽ xác minh lại để bảo đảm khả năng tương thích của vũ khí đối với các hệ thống trên máy bay.
Trong hành trình bay, các kênh truyền thông vệ tinh được mã hóa và radio tần số cao giúp duy trì kết nối phi hành đoàn với trung tâm chỉ huy. Nhằm tránh bị phát hiện, oanh tạc cơ được thiết kế để giảm thiểu lượng khí thải, kết hợp sử dụng các đợt truyền tin chớp nhoáng để cập nhật những thông tin quan trọng. Khi bay qua khu vực nguy cơ cao, phi hành đoàn có thể ngắt sóng liên lạc tạm thời và hoạt động dựa trên các dữ liệu được tải sẵn. Có thể thấy, sự cân bằng giữa việc bảo đảm tính bí mật (tàng hình) với duy trì khả năng kết nối đem lại lợi thế nổi bật cho B-2 Spirit.