'Hành trình di sản' trên biển trời Đông Bắc

Tháng 6-2020, êkíp sản xuất chương trình 'Hành trình di sản' (phát trên kênh VTV1, Đài Truyền hình Việt Nam) bấm máy ghi hình tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh với câu chuyện của BĐBP và nhân dân vùng Đông Bắc bảo vệ di sản văn hóa. Điểm nhấn của chương trình là BĐBP tuyến biển Quảng Ninh bằng công tác xây dựng thế trận lòng dân, đã và đang phát huy giá trị di sản, chung tay xây dựng biển, đảo bình yên, giàu đẹp.

Đoàn làm phim thực hiện cảnh quay gặp gỡ chuyên gia văn hóa tại đảo Quan Lạn. Ảnh: TTH

Đoàn làm phim thực hiện cảnh quay gặp gỡ chuyên gia văn hóa tại đảo Quan Lạn. Ảnh: TTH

Tập đầu tiên có tựa đề “Vân Đồn – nơi địa đầu Đông Bắc” với thay đổi có tính bước ngoặt trong khâu tổ chức sản xuất là hướng ống kính vào nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới. Dựa vào công tác xây dựng thế trận lòng dân, đảm bảo an ninh trật tự và chức năng, nhiệm vụ của BĐBP, chương trình giới thiệu các di sản độc đáo của vùng biển, đảo Vân Đồn như: Vườn quốc gia Bái Tử Long; Di tích quốc gia Thương cảng cổ Vân Đồn; Di tích lịch sử nghệ thuật đình, đền, miếu, nghè, chùa Quan Lạn và các di sản phi vật thể khác như lễ hội đình Quan lạn, hát nhà tơ, hát múa cửa đình của người Kinh ở xã Đoàn Kết, hát soọng cô của người Sán Dìu ở xã Bình Dân, huyện Vân Đồn.

“Hành trình di sản” với định dạng và cơ cấu là một chương trình trải nghiệm văn hóa du lịch xuyên suốt trên một vùng đất giữa một người dẫn chương trình và khách mời là chuyên gia văn hóa. Với mảnh đất Vân Đồn, chương trình muốn đưa khán giả theo chân cán bộ, chiến sĩ Biên phòng khám phá một vùng đất biển, đảo có vị trí địa lý đặc biệt quan trọng trong phòng tuyến Đông Bắc. Nơi đây từng được chọn để đặt thương cảng đầu tiên của nhà nước Đại Việt cách đây gần 800 năm.

Và hiện tại, vùng đất Vân Đồn với tuyến đảo gần bờ và hệ thống giao thông đường thủy, vùng nước cửa biển Đông Bắc vẫn đóng vai trò là vị trí chiến lược trong công cuộc bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển, đảo của Tổ quốc.

Chương trình “Hành trình di sản” do Ban Văn nghệ, Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với Báo Biên phòng tổ chức sản xuất phát trên kênh VTV1 mỗi tháng một chương trình, mở đầu với tựa đề “Vân Đồn -Nơi địa đầu Đông Bắc” ghi hình tại huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh.

Trên mảnh đất Quảng Ninh địa đầu Đông Bắc Tổ quốc, Vân Đồn là một huyện đảo giàu bản sắc văn hóa, rừng biển đan xen đặc sắc, bên trái là miền núi, bên phải là miền biển, cảnh quan hài hòa thanh nhã hiếm có. Đặc biệt, Vân Đồn là vùng biển, đảo có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ là các núi đất, núi đá dựng trên biển rải rác xen kẽ với nhau.

Các vùng nước gần bờ nằm giữa các đảo thiết kế hệ thống giao thông đường thủy từ đất liền đi các đảo. Các đảo gần bờ đa số có người ở, có cụm dân cư đông đúc, thậm chí là phát triển thành các hòn đảo du lịch nổi tiếng như Quan Lạn, Ngọc Vừng, Minh Châu... Đặc biệt, Vân Đồn có Vườn quốc gia Bái Tử Long - khu rừng trên biển độc đáo, có giá trị và đa dạng sinh học nhiều giống loài thực vật và động vật đặc hữu đang được bảo vệ nghiêm ngặt.

Các đảo đất và đá như một vòng cung lớn, tạo thành bức bình phong tự nhiên, che chắn, bao bọc cho vịnh Bái Tử Long, đồng thời, cũng hình thành nên một cảng biển có vị trí đắc địa giao thương với thế giới. Các đơn vị BĐBP đóng quân tại đây bao quát và kiểm soát, tuần tra bảo vệ một vùng biển, đảo và ven bờ có diện tích lớn, dân cư vùng cửa biển đông đúc, đa dạng văn hóa, lối sống. Vân Đồn trong chiến lược phát triển kinh tế trọng điểm của đất nước vẫn luôn đóng vai trò là vùng đất sở hữu nhiều tiềm năng, thế mạnh vượt trội.

Đặc biệt là khi sân bay Vân Đồn được xây dựng cùng hệ thống đường cao tốc nối liền với Thủ đô Hà Nội và cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh. Trên tuyến đầu chống dịch Covid-19 vừa qua, Vân Đồn trở thành điểm cầu quan trọng đón đồng bào Việt Nam sinh sống khắp nơi trên thế giới trở về Việt Nam.

Các cảnh quay của “Vân Đồn - nơi địa đầu Đông Bắc” nhấn mạnh các địa danh lịch sử như đền thờ Trần Khánh Dư, miếu thờ 3 vị tướng họ Phạm người Vân Đồn: Phạm Công Chính, Phạm Quý Công, Phạm Thuần Dụng có công chiến đấu bảo vệ bờ cõi nước Nam dưới thời vua Trần và hy sinh trong trận thủy chiến Vân Đồn - Cửa Lục năm 1288. Tướng biên ải Trần Khánh Dư của nhà Trần và 3 anh em họ Phạm người Vân Đồn đến nay vẫn được bà con thờ và coi là vị thần bảo hộ cho vùng đất.

Các điểm di tích dấu ấn như giếng Hệu, bãi phát lộ di chỉ khảo cổ, đình, chùa, miếu, nghè trên đảo Quan Lạn đều là dấu vết của thương cảng cổ Vân Đồn. Hiện nay, các di tích này đều có sự tham gia bảo tồn, gìn giữ của lực lượng Biên phòng đóng quân trên đảo. Các hoạt động văn hóa phi vật thể, lễ hội được duy trì và hoạt động dưới sự bảo vệ an ninh, an toàn của những người lính mang quân hàm xanh.

Thực hiện cảnh quay tập huấn thường kỳ cứu hộ, cứu nạn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Vừng, BĐBP Quảng Ninh. Ảnh: TTH

Thực hiện cảnh quay tập huấn thường kỳ cứu hộ, cứu nạn của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Vừng, BĐBP Quảng Ninh. Ảnh: TTH

Sống trên nền di sản, hưởng thụ bề dày lịch sử hào hùng đó là quân và dân huyện đảo Vân Đồn bây giờ với cuộc sống đời thường mang đậm chất văn hóa làng biển. Trong cơn bão số 2 năm 2019, anh Phạm Ngọc Điệp cùng 5 ngư dân khác bị mắc kẹt trong tình trạng nguy hiểm đến tính mạng tại khu vực nuôi trồng thủy sản thuộc xã Đông Xá, huyện Vân Đồn. Trong lúc nguy cấp, anh Điệp và mọi người đã được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ngọc Vừng ứng cứu kịp thời, đưa về chăm sóc.

Đây cũng là một trong những nhiệm vụ của BĐBP, luôn đồng hành và hỗ trợ ngư dân trong mọi tình huống khó khăn của đời sống, đảm bảo cho người dân vùng biển, đảo một cuộc sống an toàn cả khi ra khơi lẫn ở nơi sinh sống gắn bó. Trước ống kính máy quay của chương trình, anh Điệp bày tỏ sự biết ơn, cảm kích của anh và bà con nơi đây đối với lực lượng Biên phòng, thể hiện sự gắn bó ngày vàng bền chặt hơn giữa quân và dân ở huyện đảo này.

Được biết, chương trình “Hành trình di sản” sẽ tiếp tục sản xuất các tập tiếp theo trên các vùng đất ở 2 tuyến biên giới và biển, đảo với cùng chủ đề BĐBP và nhân dân biên giới gìn giữ, phát huy vốn di sản văn hóa của dân tộc.

Thúy Hằng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/hanh-trinh-di-san-tren-bien-troi-dong-bac-post431504.html