Hãy vinh danh những nhà vô địch sinh viên

Suốt hai tuần qua, tài khoản facebook của người viết bài này tràn ngập tin tức về đoàn thể thao Việt Nam dự Đại hội Thể thao Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 32 tại Campuchia.

Càng về sau, tin càng dồn dập vì thành tích vượt mong đợi của các vận động viên quốc gia đem chuông đi đánh xứ… láng giềng – nhất là khi đoàn Việt Nam bất ngờ vượt lên dẫn đầu bảng tổng sắp huy chương của đại hội và giữ vững vị trí đó cho đến khi SEA Games 32 kết thúc. Dù vẫn còn tranh cãi về giá trị thực sự của một số bộ môn tranh tài tại đại hội, đã là người Việt, chắc chẳng mấy ai lại không thấy vui ít nhiều vì chuyện này.

Còn mấy ngày gần đây, giữa muôn trùng tin tức, hình ảnh – phần lớn là hồ hởi phấn khởi – về kết quả SEA Games bỗng nổi lên một vài thông tin khiến người viết cảm thấy vô cùng thích thú. Đó là thông báo của một số trường đại học chúc mừng sinh viên, cựu sinh viên của mình đại diện Việt Nam đoạt huy chương tại SEA Games.

Chẳng hạn, facebook của Trường Đại học Kinh tế – Luật (UEL), thuộc Đại học Quốc gia TPHCM, chúc mừng sinh viên Nguyễn Tiến Đạt cùng đội tuyển lặn Việt Nam đoạt huy chương vàng nội dung 4 x 400 mét lặn vòi hơi chân vịt đồng đội nam.

Trong khi đó, facebook của Trường Đại học Tôn Đức Thắng tôn vinh sinh viên Phạm Đăng Quang, người lên ngôi vô địch ở hạng cân 63 kí lô gam môn Taekwondo đối kháng nam. Cùng với Quang, năm sinh viên và cựu sinh viên khác của đại học này cũng mang về những tấm huy chương bạc và đồng cho đội tuyển Việt Nam tại SEA Games 32.

Từ miền Tây, facebook của Trường Đại học Cần Thơ viết: “Tự hào sinh viên trường Đại học Cần Thơ giành huy chương vàng, bạc tại SEA Games 32. Cô gái vàng Lâm Thị Thùy My (…) và chàng trai bạc Nguyễn văn Tiến (…) đã xuất sắc giành huy chương vàng và bạc nội dung Vovinam”.

Thực ra, chuyện sinh viên Việt Nam trở thành vô địch SEA Games cũng không phải là quá hiếm. Có điều, lâu nay người ta thường chú ý hơn đến các vận động viên chuyên nghiệp. SEA Games năm nay cũng vậy. Dường như chỉ có các lực sĩ chuyên nghiệp ở các môn sở trường quan trọng được tôn vinh như người hùng quốc gia.

Có lẽ đó là vì chúng ta đã quen với cảnh các nhà vô địch thể thao phần lớn là vận động viên chuyên nghiệp. Nếu là sinh viên cũng chẳng ai chú ý đến họ. Trong khi đó, ở nhiều nước, rất nhiều thành viên đội tuyển quốc gia tham dự Thế vận hội, hay Đại hội thể thao Olympic, là sinh viên của các trường đại học.

Một ví dụ gần nhất có thể kể đến Thế vận hội Tokyo 2020 (thực ra được tổ chức vào tháng 8-2021 sau khi bị hoãn vì đại dịch Covid-19), nơi nước Mỹ vô địch toàn đoàn. Một bài báo đăng trên trang mạng của tờ Forbes cho biết có đến 47 trường đại học trên khắp nước Mỹ đóng góp vào số huy chương vàng đồng đội và cá nhân nước này đoạt được(1). Theo báo trên, Stanford University (một trong những trường đại học danh tiếng nhất nước Mỹ với nhiều chủ nhân các giải Nobel) và University of Southern California đồng hạng nhất sau khi sinh viên mỗi trường đem về cho nước Mỹ 10 huy chương vàng (đồng đội và cá nhân). Đứng đồng hạng tiếp theo là hai trường UCLA và University of Connecticut, với mỗi trường bỏ túi sáu huy chương vàng. Kế đến là ba trường University of Kentucky, University of Minnesota và University of Texas, với mỗi trường góp năm huy chương vàng.

Không những chỉ có những trường với truyền thống đoạt nhiều huy chương vàng thể thao Olympic như Stanford và UCLA, một số trường đại học ít tên tuổi hơn (về thể thao) cũng đóng góp huy chương vàng.

Một điều rất đáng chú ý khác là tổng số huy chương vàng mà sinh viên hay cựu sinh viên các đại học Mỹ mang về cho đất nước mình (không phải là nước Mỹ) còn lớn hơn nữa. Rất nhiều sinh viên hay cựu sinh viên ở các đại học Mỹ tranh tài cho màu cờ sắc áo quốc gia của mình. Được biết, các đại học Mỹ có truyền thống cấp học bổng hay trợ cấp cho các vận động viên thể thao tài năng mà thường ít chú ý đến việc họ từ quốc gia nào (riêng đối với Việt Nam, kỳ thủ Lê Quang Liêm là một ví dụ điển hình).

Chắc cũng cần nói thêm rằng, theo người viết, không phải người Mỹ không có mục đích khi làm chuyện này. Chí ít, cũng như trong các lĩnh vực khác, như các ngành khoa học, những con chim lạ là tài năng thể thao tại trường đại học thường sẽ mang lại – bên cạnh các tấm huy chương – niềm hứng khởi, kỹ thuật mới và tấm gương rèn luyện cho đồng môn của họ là sinh viên Mỹ.

Nhắc đến câu chuyện trên để thấy rằng Việt Nam chúng ta cũng cần thực sự chú ý hơn đến vấn đề thể thao cho học sinh, sinh viên tại các trường đại học nói riêng và học đường nói chung. Chính các trường học mới là nơi hữu hiệu nhất trong phát hiện, ươm mầm và bồi dưỡng các tài năng thể thao trẻ có thể trở thành nguồn cung cấp cho các đội tuyển quốc gia sau này.

Trong vấn đề vừa kể chúng ta vẫn quen với tư duy “gà chọi” hay “mì ăn liền”, nghĩa là huấn luyện “cấp tốc” cho một vài vận động viên chỉ nhằm đến một việc duy nhất – đó là kiếm huy chương – chứ ít chú ý đến tác động trong các khía cạnh khác.

Phần lớn giới doanh nghiệp và báo giới cũng vậy. Cho đến nay chúng ta thường ngắm nghía các vận động viên chuyên nghiệp hay các môn được ưa thích, chủ yếu là để tạo tiếng tăm – không khác mấy tư duy “gà chọi” trong đào tạo. Lẽ ra bên cạnh các bài viết, hình ảnh về các ngôi sao như Nguyễn Thị Oanh hay Nguyễn Thị Huyền, cũng nên có phần thưởng hiện kim hay hiện vật và tác phẩm báo chí xứng đáng dành cho những nhà vô địch sinh viên của nước nhà.

May thay, các người hùng quốc gia trẻ tuổi của chúng ta vẫn cố gắng hết sức một cách thầm lặng mang vinh dự về cho tổ quốc. Một số đam mê các môn Olympic như bạn bè đồng trang lứa khắp thế giới. Chỉ riêng trên facebook, người viết đã biết đến Nguyễn Tiến Đạt, sinh viên năm thứ hai của Trường Đại học UEL và Phạm Đăng Quang, sinh viên Trường Đại học Tôn Đức Thắng. Ngoài ra, còn có thêm nhà nữ vô địch Vovinam Lâm Thị Thùy My đang là sinh viên khoa Tài chính – Ngân hàng tại Trường Đại học Cần Thơ.

Nhiều người trong số họ cũng rất xứng đáng được vinh danh. Và đó cũng là cách chúng ta có thể góp phần bồi dưỡng nhân tài thể thao nước nhà.

‐———————

(1)https://www.forbes.com/sites/michaeltnietzel/2021/08/09/the-universities-with-the-most-us-gold-medalists-in-the-2020-olympics/?sh=77e18316326e

Quỳnh Thư

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/hay-vinh-danh-nhung-nha-vo-dich-sinh-vien/