Hãy vui đi khi có thể

Niềm vui đang ngập tràn các sân cỏ cả nước khi bóng đá đã trở lại một cách trọn vẹn với sự hấp dẫn của tất cả các giải đấu lớn sau thời gian dài phòng, chống dịch Covid-19.

Cúp Quốc gia, V-League năm nay từng trải qua những trận đấu không khán giả, cho nên từ các đội bóng, cầu thủ, CĐV đều nếm trải cảm giác “ngấm đòn” do đại dịch Covid-19 thì nay mọi chuyện đã khác. Với việc người dân và Chính phủ Việt Nam thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đại dịch, các tỉnh, thành phố đã lần lượt cho phép người hâm mộ vào sân thưởng thức bóng đá. Chiều nay (6-6), trên sân Hàng Đẫy sẽ là trận cầu đinh ở vòng 3 V-League 2020 giữa Hà Nội FC và Hoàng Anh Gia Lai. Ban tổ chức bán ra một vạn vé với mức giá đồng hạng 50.000 đồng/vé. Đây là giá vé khá mềm, nhất là khi trận cầu này thu hút rất đông sự quan tâm của người hâm mộ.

 Sân Hàng Đẫy ngày càng đông người hâm mộ đến cổ vũ.

Sân Hàng Đẫy ngày càng đông người hâm mộ đến cổ vũ.

Trước đó ở vòng loại Cúp Quốc gia 2020, sân Thiên Trường cũng mở cửa đón khán giả trong trận cầu Nam Định vượt qua Hoàng Anh Gia Lai, trước sự chứng kiến, cổ vũ cuồng nhiệt của một vạn CĐV. Có đông người đến sân cổ vũ, thầy trò HLV Văn Sỹ đá "nhiệt" hơn hẳn. Thường thì với các đội bóng con nhà nghèo, lương, thưởng hạn chế, việc có đông CĐV đến sân là điều vô cùng quan trọng. Đội bóng có thể được thưởng thêm chút đỉnh, rồi các tuyến trẻ cũng có thêm kinh phí mà hoạt động.

Mấy ngày qua, không ít phóng viên mảng thể thao khi đi tác nghiệp ở sân Long Xuyên (An Giang) tại vòng 1/8 Cúp Quốc gia 2020 đã kể lại với tôi rằng, họ thực sự xúc động khi có khoảng một vạn CĐV ngồi trong sân. Qua những câu chuyện bên lề sân cỏ, nhiều phóng viên hiểu rõ hơn về tình yêu bóng đá của người miền Tây. "Thương đội nhà, thương cầu thủ lắm" là câu nói của hàng trăm cổ động viên khi nói về các cầu thủ. Có điều mấy năm qua, bóng đá miền Tây dần biến khỏi bản đồ V-League, các đội trụ được ở giải hạng Nhất, hạng Nhì cũng là mừng rồi. Chơi-nuôi bóng đá tốn kém nên nhiều địa phương thôi không đầu tư vào môn thể thao vua, chuyển hướng tập trung phát triển một vài môn thể thao mũi nhọn, nhằm kiếm huy chương ở giải vô địch quốc gia, Đại hội thể thao toàn quốc, SEA Games... Nhiều người làm bóng đá ở miền Tây chia sẻ về thực tế, chơi lớn ở V-League mà trụ hạng không thành thì cũng buồn lắm.

Vẫn là chuyện bóng đá ở An Giang. Ngày trước, trung tâm bóng đá được tách ra độc lập có vị thế riêng nhưng năm ngoái được nhập chung vào Trung tâm Đào tạo huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh An Giang. Mỗi năm, các đội trẻ từ U.13, U.15, U.17 cho đến U.19 ngốn trên dưới 15 tỷ đồng; tính thêm cả thêm đội 1 (đội U.21 có bổ sung) đang chơi ở hạng Nhất khiến ngân quỹ không dưới 30 tỷ đồng. Cầu thủ An Giang đá bóng không có tiền thưởng, còn lương không quá 10 triệu đồng/tháng/cầu thủ. Vì thế, việc năm 2019 trụ hạng thành công giúp cả đội nhận thưởng 400 triệu đồng khiến từ ban huấn luyện đến cầu thủ nói cười như đón Tết.

Sau khi trận đấu ở vòng 1/8 Cúp Quốc gia 2020 trên sân Long Xuyên khép lại, với chiến thắng thuộc về Viettel, nhiều CĐV An Giang tự hỏi chẳng biết đến bao giờ, sân Long Xuyên mới lại thu hút đông CĐV vào sân? Đội bóng Viettel đến rồi đi như một vệt sáng, để lại bao nỗi niềm trong lòng những người làm bóng đá ở An Giang lẫn người hâm mộ nơi đây. Tương lai còn ở phía trước, hiện tại hãy cứ vui với những gì đang có!

*Trận đấu sớm nhất vòng 3 V-League 2020 diễn ra trên sân Lạch Tray, giữa Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh vào 17 giờ ngày 5-6 là trận đấu đánh dấu sự trở lại của V-League sau gần 3 tháng tạm hoãn do đại dịch Covid-19. Đây cũng là trận đầu tiên của giải vô địch quốc gia năm nay được đón khán giả vào sân.

*Đang trong giai đoạn phòng, chống dịch Covid-19, nên khán giả đến các sân được yêu cầu đeo khẩu trang trong suốt thời gian diễn ra trận đấu, đo thân nhiệt và rửa tay sát khuẩn trước khi vào sân.

Bài và ảnh: HẢI ĐĂNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/trong-nuoc/hay-vui-di-khi-co-the-619974