Hé lộ 'bức tranh' hành vi du khách Việt mùa hè 2025

Báo cáo nhanh 'Nhu cầu và hành vi của du khách Việt mùa du lịch hè 2025' do The Outbox Company vừa công bố đã cung cấp những con số cập nhật về thị trường, phản ánh những thay đổi mang tính chuyển dịch trong tâm lý, hành vi và thói quen tiêu dùng của du khách Việt Nam.

80,4% du khách Việt lựa chọn du lịch trong nước cho kỳ nghỉ hè năm nay, tăng tới 4,4% so với mùa hè 2024

80,4% du khách Việt lựa chọn du lịch trong nước cho kỳ nghỉ hè năm nay, tăng tới 4,4% so với mùa hè 2024

Đây là những đáng giá để ngành Du lịch tham khảo, kịp thời điều chỉnh chiến lược trong mùa cao điểm.

Nội địa vẫn là lựa chọn áp đảo

80,4% du khách Việt lựa chọn du lịch trong nước cho kỳ nghỉ hè năm nay, tăng tới 4,4% so với mùa hè 2024.

Con số này củng cố xu hướng “đi gần, nghỉ sâu”, phản ánh rõ rệt nhu cầu tái tạo năng lượng thông qua những trải nghiệm thư giãn tại các điểm đến quen thuộc nhưng không kém phần hấp dẫn.

Tâm lý “nghỉ ngơi và thư giãn” tiếp tục là động lực chủ đạo cho các chuyến đi, chiếm tới 84,2%, cho thấy du lịch nội địa đang là lựa chọn hợp lý về chi phí và là liều thuốc tinh thần sau nhịp sống căng thẳng.

Đáng chú ý, cao điểm du lịch tập trung vào tháng 6 (40,9%), điều này hàm ý tiềm năng kích cầu trải đều sang tháng 7 và 8 vẫn còn rất lớn nếu các điểm đến có chiến lược phù hợp.

Ưu tiên chuyến đi ngắn, ngân sách “cao cấp hóa” dần

3-4 đêm là độ dài lý tưởng của các chuyến du lịch hè, chiếm 42,3%. Tuy nhiên, báo cáo cũng ghi nhận sự gia tăng các chuyến đi ngắn 1-2 đêm (tăng 1,6%) và sự sụt giảm ở nhóm đi dài ngày (trên 10 đêm giảm 2,8%).

Xu hướng này phản ánh một thực tế: Du khách Việt đang ưu tiên trải nghiệm thường xuyên hơn, linh hoạt hơn thay vì “để dành” cho một kỳ nghỉ dài.

Ngân sách chi tiêu cũng có sự chuyển biến tích cực. Mức phổ biến nhất vẫn là 2-4 triệu đồng mỗi đêm (32,5%), song nhóm ngân sách 6-8 triệu đồng đã tăng tới 6,1%.

Đây là một bước chuyển thể hiện sự gia nhập mạnh mẽ hơn của tầng lớp trung lưu, sẵn sàng chi trả cho chất lượng và dịch vụ cao cấp hơn. Điều này là tín hiệu quan trọng để các doanh nghiệp dịch vụ du lịch nâng cấp sản phẩm và hướng tới phân khúc có khả năng chi tiêu cao.

Lựa chọn linh hoạt hơn, tour trọn gói dần mất ưu thế

Một trong những thay đổi đáng kể của mùa hè năm nay là cách thức tổ chức chuyến đi. Xu hướng sử dụng một phần dịch vụ tour tại điểm đến (chiếm 37,1%, tăng 9,3%) đã vượt lên vị trí dẫn đầu, thay thế hình thức “chuyến đi tự túc” vốn rất phổ biến ở năm 2024 (giảm 7%).

Điều này cho thấy nhu cầu cá nhân hóa kết hợp tiện ích đang ngày càng chiếm ưu thế: Du khách không còn muốn “tự thân vận động” hoàn toàn, nhưng cũng không chấp nhận sự gò bó của tour trọn gói (đang giảm nhẹ xuống 27,4%).

Doanh nghiệp lữ hành vì vậy cần phát triển các sản phẩm linh hoạt, hướng tới khách hàng chọn từng phần dịch vụ theo nhu cầu.

Gia đình đa thế hệ lên ngôi, đôi lứa thoái trào?

Đáng ngạc nhiên, du lịch theo nhóm gia đình nhiều thế hệ tiếp tục tăng mạnh, chiếm tới 50,5% các chuyến đi, trong khi hình thức đi cùng bạn đời lại giảm tới 4,7%.

Điều này có thể lý giải bởi nhu cầu gắn kết sau đại dịch, khi các gia đình ưu tiên thời gian bên nhau hơn là các cặp đôi riêng lẻ.

Đồng thời, đây là tín hiệu để ngành dịch vụ, đặc biệt là khách sạn, resort điều chỉnh dịch vụ hướng tới nhóm khách đi theo cụm đông, có trẻ em và người cao tuổi đi kèm.

Thế hệ số và phân mảnh thông tin: Áp lực mới cho truyền thông điểm đến

Mạng xã hội (71,6%) và video ngắn (62,0%) tiếp tục là nguồn thông tin chính khi du khách lập kế hoạch chuyến đi.

Tuy nhiên, báo cáo cho thấy rõ sự phân hóa theo thế hệ. Trong khi nhóm tuổi 25-34 “ngập chìm” trong các nền tảng số (46,1% dùng mạng xã hội, 47,5% dùng video), thì nhóm tuổi 35-44 lại vẫn ưa thích kênh truyền thống như tư vấn trực tiếp, báo chí hoặc quảng cáo ngoài trời.

Sự phân mảnh này đặt ra yêu cầu cao hơn cho các chiến dịch truyền thông, thay vì “one size fits all” (một kích cỡ phù hợp với tất cả), các điểm đến và thương hiệu du lịch cần triển khai chiến lược truyền thông phân tầng theo độ tuổi, theo hành vi tiêu dùng và theo loại hình chuyến đi.

Tới 70,2% nhóm tuổi 18-24 và 62,4% nhóm tuổi 45+ lên kế hoạch trong vòng 1 tháng trước chuyến đi

Tới 70,2% nhóm tuổi 18-24 và 62,4% nhóm tuổi 45+ lên kế hoạch trong vòng 1 tháng trước chuyến đi

Lập kế hoạch “nước rút”: Nguy cơ hay cơ hội?

Xu hướng “lập kế hoạch sát ngày” ngày càng rõ rệt: Tới 70,2% nhóm tuổi 18-24 và 62,4% nhóm tuổi 45+ lên kế hoạch trong vòng 1 tháng trước chuyến đi. Điều này tạo ra không ít thách thức trong công tác dự báo thị trường và tổ chức sản phẩm.

Tuy nhiên, nếu biết tận dụng, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp du lịch phát triển các gói ưu đãi “last-minute”, flash sale hay dịch vụ linh hoạt đặt sát ngày, nhằm khai thác hiệu quả thói quen tiêu dùng hiện đại, đặc biệt ở nhóm Gen Z.

Từ số liệu đến chiến lược: Những kiến nghị từ chuyên gia

Báo cáo của The Outbox không chỉ là tài liệu tham khảo về số liệu mà là một “chìa khóa” chiến lược cho các nhà hoạch định chính sách và doanh nghiệp du lịch. Một số khuyến nghị chiến lược bao gồm:

Phân khúc thị trường sâu hơn, theo mục đích chuyến đi (thư giãn, công tác, trải nghiệm) và loại hình đi (cá nhân, gia đình, nhóm bạn) chứ không chỉ theo độ tuổi hay mức giá.

Đầu tư cho trải nghiệm “mix & match” với từng phần, dịch vụ được cá nhân hóa và tối ưu hóa trải nghiệm tại điểm đến.

Chuyển dịch sang dịch vụ cao cấp với nhu cầu chi tiêu cao hơn, nâng tầm chất lượng dịch vụ lưu trú, ẩm thực, vận chuyển và chăm sóc khách hàng.

Truyền thông có chiến lược và đo lường hiệu quả, đặt đúng thông điệp ở đúng kênh, vào đúng thời điểm. Đó mới là bài toán then chốt của marketing điểm đến hiện đại.

Mùa hè 2025 đang chứng kiến sự trưởng thành rõ rệt của thị trường du lịch nội địa Việt Nam, không chỉ ở khối lượng du khách mà còn ở chất lượng hành vi tiêu dùng.

Du khách ngày nay không còn bị hấp dẫn bởi những lời hứa hẹn chung chung, họ yêu cầu sự linh hoạt, cá nhân hóa và dịch vụ “đáng đồng tiền”.

KHÁNH MẠNH

Nguồn Văn hóa: http://baovanhoa.vn/du-lich/he-lo-buc-tranh-hanh-vi-du-khach-viet-mua-he-2025-155803.html