Hệ lụy từ sự chậm trễ

Theo Bộ Tài chính, tính đến hết tháng 9-2019, vẫn còn 378/526 doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ chưa được phê duyệt phương án cơ cấu lại (chiếm 71%). Nếu tính lũy kế giai đoạn 2016 đến thời điểm này mới có 168 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH) với tổng giá trị doanh nghiệp là 443.056 tỷ đồng, trong đó, giá trị vốn nhà nước là 206.694 tỷ đồng. Nhưng cũng chỉ có 36 doanh nghiệp thực hiện đúng hạn, đạt 28% kế hoạch.

Con số trên cho thấy, 3 năm qua, tiến độ CPH đang chậm lại rõ rệt. Thoái vốn nhà nước còn trì trệ hơn, khi mới có 90 trong số 405 doanh nghiệp thuộc Quyết định số 1232/QĐ-TTg thực hiện thoái vốn nhà nước được 24.510 tỷ đồng, thu về 170.629 tỷ đồng.

Sự chậm trễ này đã và đang ảnh hưởng đến tiến độ triển khai thực hiện và khả năng hoàn thành mục tiêu cơ cấu lại DNNN. Đến nay, vẫn có những tập đoàn, tổng công ty lớn có cơ sở trải dài trên 63 tỉnh, thành bị ách tắc trong CPH. Đáng chú ý, số doanh nghiệp chậm CPH, thoái vốn nhà nước đang tập trung ở Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Xây dựng, đặc biệt là 2 thành phố Hà Nội và Hồ Chí Minh.

Mặc dù, quá trình CPH DNNN cần có nhiều thời gian để xử lý vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động. Đặc biệt là vấn đề xác lập hồ sơ pháp lý đất đai do UBND địa phương thực hiện chậm, dẫn đến các doanh nghiệp phải điều chỉnh tiến độ CPH. Tỷ lệ vốn nhà nước trong Phương án cổ phần hóa DNNN còn cao dẫn đến giảm sức hút đối với các nhà đầu tư mua cổ phần.

Nhưng nhiều chuyên gia chỉ ra nguyên nhân chính do nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu doanh nghiệp, đơn vị còn chưa cao, dẫn đến thiếu quyết liệt trong việc đổi mới và công khai minh bạch hoạt động của doanh nghiệp. Thậm chí, một số ngành, địa phương có biểu hiện lợi ích nhóm trong CPH và thoái vốn nhà nước.

Cho tới thời điểm này, DNNN vẫn là công cụ để điều tiết nền kinh tế, bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chính sách ổn định vĩ mô, kiềm chế lạm phát, tạo nguồn thu cho ngân sách Nhà nước. Đây cũng là khu vực có đóng góp quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và chính sách an sinh xã hội.

Tuy nhiên, tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận của DNNN thua xa doanh nghiệp ngoài nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Cụ thể, trong tổng lợi nhuận trước thuế của doanh nghiệp cả nước, khu vực DNNN chỉ chiếm 22,9%, trong khi khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm 33,3% và doanh nghiệp FDI chiếm 43,8%. Với tiềm lực và nguồn lực mà khu vực DNNN đang nắm giữ, đây không phải là kết quả tương xứng, khi hiệu suất sinh lợi trên tài sản (ROA), doanh nghiệp FDI đạt 7%, bỏ xa khu vực DNNN chỉ đạt 1,8%.

Thế nên, những chậm trễ trong CPH, thoái vốn đang khiến tình trạng không tương xứng trên bị kéo dài, gây lãng phí hàng trăm nghìn tỷ đồng nguồn lực quốc gia. Không những thế, kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế sẽ bị ảnh hưởng khi nguồn lực lớn của nền kinh tế chưa được vận hành hiệu quả, kỷ luật thị trường chưa thật sự được vận hành trong các DNNN.

Chính phủ đề ra mục tiêu, đến năm 2020, khu vực DNNN không chỉ là cơ cấu lại mà phải hoạt động theo cơ chế thị trường hiện đại, đầy đủ và hội nhập; dẫn đầu khu vực doanh nghiệp Việt Nam về năng suất lao động và tỷ suất lợi nhuận; đạt trình độ công nghệ hiện đại tương đương với các nước trong khu vực; đáp ứng đủ chuẩn mực quốc tế về quản trị công ty.

Rõ ràng sự thiếu nghiêm túc, thiếu trách nhiệm trong triển khai kế hoạch CPH, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN không còn là chuyện riêng của DNNN, mà cần hành động quyết liệt của các bộ, ngành, địa phương và cả hệ thống chính trị.

Thanh Thảo

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/he-luy-tu-su-cham-tre/