Hết cảnh sống mòn ở vùng sạt lở

Ngay khu vực trung tâm của xã vùng cao Linh Thông (Định Hóa) hình thành một cụm dân cư mới. Đường sá rộng rãi, vuông vức như bàn cờ; những căn nhà khang trang còn thơm mùi vôi vữa là dấu hiệu của một cuộc sống đầy sung túc. Cảm giác an toàn, vững tin để 'an cư lập nghiệp' là tâm lý chung của tất cả hộ dân sinh sống nơi đây.

Kết cấu hạ tầng của khu tái định cư Linh Thông được đầu tư khá đồng bộ, đảm bảo tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ.

Kết cấu hạ tầng của khu tái định cư Linh Thông được đầu tư khá đồng bộ, đảm bảo tốt hơn nhiều so với nơi ở cũ.

Khu tái định cư Linh Thông do Chi cục Phát triển nông thôn (Sở Nông nghiệp và PTNT) làm chủ đầu tư xây dựng với tổng diện tích 1,92ha, tổng mức đầu tư gần 15 tỷ đồng.

Cuối buổi chiều, quán nhỏ của gia đình bà Hoàng Thị Khuyên có khá đông khách lại mua. Hàng hóa không nhiều nhưng cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu của người dân xung quanh. Bà Khuyên bị mất một bên tay trái vì tai nạn đã hơn chục năm, nhờ cửa hàng tạp hóa mà có nguồn thu nhập ổn định. “Chuyển nhà ra đây được nửngười a năm thì tôi mở quán bán hàng, tận dụng mặt tiền căn nhà hướng ra tuyến đường trục chính của xã nên có khách đều. Tháng lãi được 1-2 triệu đồng, so với nơi ở cũ cũng là khá hơn nhiều rồi” - bà Khuyên chia sẻ.

Con trai bà Khuyên, anh Nguyễn Văn Tuấn so sánh: Đổi khác nhất khi chuyển nhà tới nơi tái định cư là chúng tôi yên tâm ngủ ngon giấc. Nhà trước đây thuộc xóm Nà Chát, cách chỗ ở hiện tại chừng 2km. Đây là khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ quét và sạt lở đất nên cứ đến mùa mưa bão là nơm nớp lo sợ. Có lần mưa lớn trong đêm, cả chục khối đất đá sạt xuống chỉ cách tường nhà vài mét. Cả gia đình phải đi ngủ nhờ để đảm bảo an toàn. Giờ thì không còn cảnh đó nữa, nhà cửa chắc chắn, an ninh trật tự đảm bảo, anh Tuấn có thể yên tâm cùng đội thợ xây đi làm công trình ở xa hàng tuần, thậm chí cả tháng. Có việc đều hơn, thu nhập vì thế cũng tốt hơn trước.

Đối diện nhà bà Khuyên, gia đình ông Hoàng Đình Chuyên cũng vừa xây căn nhà mới, tổng kinh phí hơn 400 triệu đồng. Ông nói: Gia đình tôi được phân 300m2, ngoài làm nhà chính, công trình phụ, tôi dành ra một phần trồng rau và nuôi thêm vài con gà để cải thiện. Điều mừng nhất là tôi đã mua được hơn 4 sào ruộng gần nhà cho tiện canh tác. Tháng vừa rồi, gia đình có niềm vui lớn khi được trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở nơi tái định cư.

Được biết, toàn bộ 32 hộ dân nằm trong khu vực có nguy cơ cao xảy ra lũ ống, lũ quét và sạt lở đất cần phải phải di dời khẩn cấp để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản đều đồng thuận đến nơi ở mới. Cơ bản các gia đình đã xây nhà kiên cố, được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và có cuộc sống ổn định.

Bà Hoàng Thị Minh, Bí thư Đảng ủy xã Linh Thông nhận định: Có thể khẳng định việc bố trí khu tái định cư là rất cần thiết và bước đầu phát huy hiệu quả. Vị trí xây dựng ngay trung tâm của xã, rất gần trường học, trạm y tế và cơ quan hành chính nên bà con rất phấn khởi. Hệ thống hạ tầng được đầu tư khá đồng bộ với đường giao thông kiên cố, hệ thống điện, nhà văn hóa mới. Người dân có thể yên tâm với nguồn nước tự chảy cung cấp đủ quanh năm. Vấn đề đất sản xuất là nỗi lo của nhiều khu tái định cư cũng cơ bản được giải quyết khi phần lớn hộ dân đã chuyển nhượng và mua được vườn bãi gần nơi ở mới. Chính quyền thực hiện bốc thăm chọn vị trí để đảm bảo công bằng. Đồng thời tổ chức họp, yêu cầu các hộ cam kết phải làm nhà kiên cố và chuyển hẳn ra khu tái định cư để đảm bảo an toàn, tránh tình trạng nhận đất rồi ở hai nơi; không xây dựng chuồng trại chăn nuôi quy mô lớn để đảm bảo vệ sinh môi trường. Theo quy định, ngoài việc cấp 300m2 đất ở, mỗi gia đình được hỗ trợ 20 triệu đồng từ ngân sách Trung ương, riêng hộ nghèo được nhận thêm 20 triệu đồng từ nguồn ngân sách của tỉnh để ổn định cuộc sống. Không chỉ đơn thuần làm nông nghiệp, tận dụng lợi thế về vị trí và hạ tầng giao thông thuận lợi, nhiều gia đình còn làm thêm dịch vụ, buôn bán nhỏ và sản xuất tiểu thủ công nghiệp để có thêm thu nhập.

Ông Ma Đình Chung, Trưởng xóm Cốc Móc thông tin: Tháng 2 vừa qua, các hộ ở khu tái định cư Linh Thông đã hoàn thành cắt chuyển hộ khẩu từ nơi ở cũ để sáp nhập trở thành công dân Cốc Móc. Điều này chính thức đánh dấu cho một cuộc sống hoàn toàn mới, không còn cảnh sống mòn, nơm nớp lo sợ nơi vùng có nguy cơ sạt lở và lũ quét.

Nhị Hà

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/het-canh-song-mon-u-vung-sat-lo-271822-85.html