Hiệu quả bước đầu trên cánh đồng mẫu lớn ở Đồng Ích

Không chỉ giảm chi phí sản xuất, tăng chất lượng, ổn định đầu ra sản phẩm..., mô hình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) ở thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích (Lập Thạch) còn góp phần hình thành những vùng chuyên canh, giải quyết tình trạng lãng phí đất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả kinh tế và làm thay đổi dần tư duy sản xuất tiểu nông sang phương thức sản xuất nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn, hiện đại, bền vững của người dân.

Cánh đồng mẫu lớn sản xuất giống lúa Sumo ở thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch. Ảnh: Nguyễn Lượng

Cánh đồng mẫu lớn sản xuất giống lúa Sumo ở thôn Hoàng Chung, xã Đồng Ích, huyện Lập Thạch. Ảnh: Nguyễn Lượng

Nhờ những thửa ruộng lớn, liền bờ, liền thửa sau công tác dồn thửa đổi ruộng (DTĐR), cánh đồng chiêm trũng “một lúa, một cá” của thôn Hoàng Chung đã được cải tạo thành đất 2 vụ lúa.

Đây cũng là cơ sở, tiền đề quan trọng để HTX rau an toàn Vân Hội Xanh đưa ra quyết định liên kết với 43 hộ dân thực hiện mô hình CĐML với quy mô 10 ha trong vụ Mùa 2021.

Tham gia chuỗi liên kết, mọi công đoạn từ làm đất, gieo cấy, phun thuốc đến thu hoạch đều được HTX đảm nhiệm, bà con chỉ việc cấp nước, tưới phân. Ngoài ra, bà con còn được cung cấp vật tư nông nghiệp, hướng dẫn kỹ thuật canh tác.

Không chỉ thu mua toàn bộ sản phẩm tại ruộng với giá hơn 6.000 đồng/kg lúa tươi, cao hơn giá thị trường 20%, HTX còn bảo lãnh năng suất trên 1,6 tạ/sào để người dân yên tâm sản xuất giống lúa Sumo.

Ông Nguyễn Văn Cương, Trưởng thôn Hoàng Chung cho biết: Nếu như trước kia, nhiều bà con trong thôn phải dậy từ tờ mờ sáng để ra đồng cày ải, cấy lúa thì giờ đây, khi tham gia mô hình CĐML, mọi việc đã có máy móc.

Tới đây, công đoạn thu hoạch, phơi phóng, tiêu thụ sản phẩm cũng sẽ chẳng phải lo vì đã có HTX đứng ra thu mua lúa tươi tại ruộng với giá cao. Công việc đồng áng không còn vất vả, kém hiệu quả như trước, nhiều hộ từng bỏ ruộng hoang, nay đã quay lại với đồng ruộng.

Hiện, cánh đồng lúa 10 ha đang trong thời kỳ đẻ nhánh, sinh trưởng tốt. Cán bộ kỹ thuật của HTX rau an toàn Vân Hội Xanh cùng với một số bà con thường xuyên có mặt ở đây để kiểm tra chế độ dinh dưỡng, nước tưới cũng như tình hình sâu bệnh để tránh ảnh hưởng đến năng suất lúa.

Bà con ai nấy đều kỳ vọng vào một vụ mùa bội thu bởi giống lúa Sumo không chỉ có khả năng chống chịu sâu bệnh mà còn cho năng suất, chất lượng tốt.

Theo tính toán của anh Đỗ Quốc Đoàn, cán bộ nông nghiệp xã, trung bình mỗi sào ruộng cấy lúa sẽ đem lại lợi nhuận trên 350 nghìn đồng mà không phải bỏ nhiều chi phí, công chăm sóc.

Không chỉ hiệu quả hơn so với canh tác truyền thống, việc tham gia mô hình CĐML còn giúp bà con tránh được tình trạng bị thương lái ép giá, giảm thiểu tối đa rủi ro trong sản xuất nông nghiệp.

Đối với doanh nghiệp, mô hình CĐML sẽ giúp chủ động nguồn hàng chất lượng cao, đồng đều, góp phần xây dựng thương hiệu, tạo sức cạnh tranh trên thị trường.

Thực hiện Nghị quyết số 201/2015 của HĐND tỉnh, Chỉ thị 11 của Tỉnh ủy, thời gian qua, xã Đồng Ích đã tập trung thực hiện các giải pháp tích tụ, tập trung đất đai, xây dựng CĐML. Đến nay, xã đã hoàn thành công tác DTĐR ở 3 thôn: Hoàng Chung, Đại Lữ và Tân Lập với tổng diện tích trên 340 ha.

Sau DTĐR, bình quân mỗi hộ chỉ còn 2-3 thửa, giảm hơn 10 thửa so với trước đây. Với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa tập trung, hình thành những vùng sản xuất chuyên canh, đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ KHKT, liên kết giữa 4 nhà (Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nông), xã tiếp tục tổ chức họp dân ở 4 thôn còn lại để triển khai công tác DTĐR.

Trên cơ sở mô hình CĐML thí điểm đối với cây lúa tại thôn Hoàng Chung, xã đang lên kế hoạch xây dựng nhiều CĐML với tổng quy mô vài trăm ha, có cả các loại cây trồng khác như bưởi, ngô, rau xanh…

Phùng Hải

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/kinh-te/64600/hieu-qua-buoc-dau-tren-canh-dong-mau-lon-o-dong-ich.html