Hiệu quả các mô hình đoàn kết quân dân ở Quân khu 7

Thời gian qua, Cục Chính trị Quân khu 7 đã phối hợp tham mưu cho Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và cấp ủy các địa phương tổ chức lãnh đạo thực hiện hiệu quả nhiều mô hình đoàn kết quân dân, xây dựng quân với dân một ý chí, góp phần quan trọng phát triển kinh tế-xã hội gắn với củng cố quốc phòng, an ninh trên địa bàn...

Đến xã biên giới Hưng Phước, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước, chúng tôi ngỡ ngàng trước sự đổi thay của đời sống nông thôn nơi đây. Những ngôi nhà khang trang đã mọc lên tại điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới. Con đường đất lầy lội đã được rải nhựa phẳng lỳ. Gặp bà con, ai cũng bày tỏ niềm vui, phấn khởi. Vừa tranh thủ giúp vợ chuẩn bị bữa cơm chiều và chăm sóc đàn gia cầm hơn 100 con, anh Phạm Thành Văn, Chốt trưởng Chốt dân quân biên giới Hưng Phước phấn khởi nói: “Cuộc sống của bà con nơi đây đã đổi thay. Ba năm trước, gia đình tôi sống trong căn nhà xuống cấp, đời sống thiếu trước hụt sau vì không có việc làm và đất sản xuất. Nhà cách chốt dân quân 15km đường rừng, đi lại vất vả nên tôi ít có điều kiện chăm sóc gia đình. Năm 2019, được Quân khu 7 phối hợp với địa phương tặng căn nhà này, chúng tôi có đất sản xuất, an cư lạc nghiệp. Vợ tôi được tạo điều kiện vào làm việc tại Công ty TNHH-MTV Cao su Lộc Ninh với mức lương hơn 7 triệu đồng/tháng nên cuộc sống gia đình ổn định. Đây là điều kiện để vợ chồng tôi an tâm lập nghiệp ở vùng biên”.

Điểm dân cư biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: DUY NGUYỄN

Điểm dân cư biên giới xã Thanh Hòa, huyện Bù Đốp, tỉnh Bình Phước. Ảnh: DUY NGUYỄN

Đồng chí Hồ Tấn Đắc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hưng Phước cho hay: Trước đây, vùng này còn nhiều điểm hoang hóa, địa phương đã nhiều lần vận động bà con ra biên giới sinh sống nhưng chỉ được thời gian ngắn, bà con lại bỏ, vì thiếu cơ sở hạ tầng. Nay nhờ đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”, bà con phấn khởi tình nguyện ra biên giới lập nghiệp. Biên giới có quân, giờ có thêm dân, tạo sức mạnh đoàn kết quân dân xây dựng vùng biên vững mạnh, phát triển.

Dẫn chứng nêu trên là một trong những mô hình điển hình về thực hiện quy chế phối hợp giữa Cục Chính trị Quân khu 7 với các ban đảng địa phương những năm qua. Năm 2019, Quân khu 7 triển khai đề án “Xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới”. Đứng trước nhiều khó khăn, thách thức về quỹ đất, kinh phí, cơ chế chính sách..., Cục Chính trị Quân khu 7 đã chủ động nghiên cứu, khảo sát, đẩy mạnh công tác dân vận, phối hợp tham mưu cho cấp ủy các địa phương ra nghị quyết lãnh đạo, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền tạo đồng thuận cao trong cấp ủy, chính quyền và nhân dân các địa phương. Đề án đã huy động được nhiều nguồn lực xã hội để triển khai thực hiện. Nhờ sự đoàn kết chung tay của quân và dân, đến nay, Quân khu 7 đã phối hợp với các địa phương xây dựng được 51 điểm dân cư với 397 căn nhà trên tuyến biên giới các tỉnh Bình Phước, Tây Ninh, Long An, vượt chỉ tiêu so với đề án là 17 điểm dân cư với 227 căn nhà.

Căn cứ tình hình nhiệm vụ và đặc điểm địa bàn, dưới sự tham mưu của Cục Chính trị, sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7, các cơ quan, đơn vị trong lực lượng vũ trang Quân khu đều có những mô hình, cách làm sáng tạo nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương của trên. Tại một số vùng đồng bào dân tộc, vùng đồng bào có đạo, địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, các cơ quan, đơn vị đã chủ động khắc phục những hạn chế, bất cập về công tác dân vận. Thực hiện chủ trương của Đảng ủy Quân khu 7 về “Tăng cường gắn kết, thân thiện, hỗ trợ đồng bào dân tộc, tôn giáo”, Cục Chính trị Quân khu 7 đã phối hợp tham mưu xây dựng hiệu quả mô hình “Công trình văn hóa”, “Nhà tình nghĩa quân-dân”. Từ năm 2022 đến nay, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã phối hợp xây dựng được 57 công trình văn hóa tại các cơ sở tôn giáo và 425 căn nhà đồng đội, nhà tình quân dân tặng đồng bào dân tộc, đồng bào có đạo, đối tượng chính sách, góp phần thiết thực nâng cao đời sống nhân dân, xóa những điểm “lõm” về công tác dân vận, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc.

 Tặng nhà “Tình nghĩa quân-dân” cho hộ nghèo tại Bình Thuận. Ảnh: NHÂN THỈNH

Tặng nhà “Tình nghĩa quân-dân” cho hộ nghèo tại Bình Thuận. Ảnh: NHÂN THỈNH

Các mô hình “Cán bộ, đảng viên dìu dắt quần chúng, cấp dưới”, “Chi bộ 5 tốt, đảng viên 5 tốt”, “5 chủ động trong công tác tư tưởng”... đã phát huy hiệu quả tích cực trong công tác quản lý, giáo dục đảng viên, đặc biệt là giúp cấp ủy địa phương quản lý đảng viên là bộ đội xuất ngũ. Đầu năm 2023, địa bàn Quân khu 7 đã tuyển chọn 322 đảng viên nhập ngũ, trong đó có 284 đảng viên chính thức. Năm 2022, đảng bộ quân sự các địa phương đã kết nạp được 2.027 đảng viên, xây dựng 100% chi bộ quân sự cấp xã có chi ủy vững chắc. Đây là những kết quả từ các mô hình phối hợp nâng cao hiệu quả đoàn kết quân dân.

Thiếu tướng Hoàng Đình Chung, Chủ nhiệm Chính trị Quân khu 7 cho biết: Cơ quan luôn chủ động phối hợp nắm bắt, dự báo, đánh giá đúng tình hình, từ đó tập trung thực hiện tốt các nội dung tuyên truyền, thực hiện nghị quyết của Đảng, phong trào thi đua, cuộc vận động, xây dựng đảng, xây dựng nông thôn mới... Thông qua các mô hình hoạt động thực tiễn để không ngừng đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị...

Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Phó bí thư Thường trực Tỉnh ủy Long An cũng chia sẻ: Những năm qua, việc thực hiện quy chế phối hợp giữa các ban đảng địa phương với Cục Chính trị Quân khu 7 và sự phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo giữa Đảng ủy, Bộ tư lệnh Quân khu 7 và Tỉnh ủy, UBND tỉnh Long An ngày càng đi vào chiều sâu. Từ việc thực hiện quy chế phối hợp, cấp ủy các cấp đã trao đổi, vận dụng nhiều mô hình hay, giải quyết kịp thời những khó khăn, vướng mắc, tạo thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

NGUYỄN HIỂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/quoc-phong-toan-dan/hieu-qua-cac-mo-hinh-doan-ket-quan-dan-o-quan-khu-7-728256