Hiệu quả những đồng vốn chính sách

Xác định nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước là 'đòn bẩy' quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế địa phương,trực tiếp giúp bà con nông dân nguồn lực cần thiết để thoát nghèo, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu luôn triển khai kịp thời, hiệu quả các chương trình tín dụng ưu đãi đến các đối tượng thụ hưởng; phối hợp với các tổ chức đoàn thể chính trị xã hội nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm vay vốn, tư vấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất và nhân rộng các mô hình kinh tế điển hình, thu nhập cao; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, giảm nợ xấu.

Đồng thời, tập huấn hướng dẫn các tổ chức đoàn thể nhận ủy thác, các tổ tiết kiệm và vay vốn quy trình, thủ tục cấp tín dụng để triển khai tại cơ sở; duy trì, nâng cao chất lượng hoạt động các điểm giao dịch xã, thị trấn; bình xét cho vay công khai, minh bạch, đúng đối tượng thụ hưởng...

Cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu kiểm tra hiệu quả

nguồn vốn vay tại gia đình ông Hoàng Minh Tân, bản Tiên Hưng, xã Phổng Lái.

Cùng cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu đi kiểm tra việc sử dụng nguồn vốn vay, chúng tôi đến mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Mè Văn Mặt, bản TĐC Quỳnh Châu, xã Phổng Lái. Đến nơi, chúng tôi thật sự ấn tượng bởi những cây bơ, xoài, nhãn, mận đang đâm trồi, nảy lộc, phát triển xanh tốt trên những đồi đất cằn khô. Chuyển về tái định cư tại bản Quỳnh Châu từ năm 2008, nhờ sự giúp đỡ của cấp ủy, chính quyền và người dân sở tại, gia đình anh Mặt dần ổn định, mua 3 ha đất đồi trồng cây ngô, sắn..., sau đó trồng cây ăn quả thay thế, gồm 400 cây bơ, 350 cây xoài, 350 cây nhãn và 600 cây mận. Do diện tích lớn, nguồn đầu tư nhiều, gia đình anh Mặt được Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện cho vay 90 triệu đồng để đầu tư chăm sóc, phát triển diện tích cây ăn quả, mua sắm hệ thống nước tưới, phân bón cho toàn bộ diện tích, năm 2019, vườn cây ăn quả cho thu bói trị giá trên 100 triệu đồng.

Từ nguồn vốn chính sách có tác động không nhỏ đến việc thay đổi nhận thức, tập quán trong tổ chức sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi của người dân, biết thực hành tiết kiệm để đầu tư vào sản xuất. Đồng chí Lê Xuân Tuyền, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu, phấn khởi: Trong 528 tỷ đồng tiền dư nợ ủy thác chỉ có 270 triệu là nợ xấu. Phòng đã phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội thực hiện cho vay 14 chương trình tín dụng ưu đãi tại 29 xã, thị trấn, thông qua 559 tổ tiết kiệm vay vốn, cho trên 18.269 hộ vay vốn; tổng dư nợ ủy thác cho vay thông qua Hội LHPN trên 126 tỷ đồng, Hội Nông dân 151 tỷ đồng, Hội Cựu chiến binh 119 tỷ đồng, Đoàn Thanh niên 132 tỷ đồng. Đặc biệt, chúng tôi tập trung vào một số chương trình như: Cho vay hộ nghèo 303 tỷ đồng, vay hộ cận nghèo hơn 69 tỷ đồng, vay hộ mới thoát nghèo trên 12 tỷ đồng, vay nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn 34 tỷ đồng; vay hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số trên 12 tỷ đồng và vay giải quyết việc làm là 15 tỷ đồng.

Với những nỗ lực trong triển khai công tác, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Thuận Châu đã trở thành kênh dẫn vốn đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Qua đó, giúp người dân thêm điều kiện vượt lên hoàn cảnh khó khăn đầu tư phát triển sản xuất, mở rộng kinh doanh, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Duy Tùng

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/hieu-qua-nhung-dong-von-chinh-sach-28276