Hiệu quả từ đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn

Sau hơn 10 năm thực hiện Quyết định số 1956/QĐ-TTg (ngày 27/11/2009) của Thủ tướng Chính phủ về 'Phê duyệt Đề án Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020' (gọi tắt là Đề án 1956), tỉnh Quảng Trị đã xây dựng và triển khai nhiều chính sách, cách làm bài bản. Nhờ vậy, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động tại địa phương.

 Nghề may công nghiệp là một trong những nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân hiện nay. Ảnh: H.T

Nghề may công nghiệp là một trong những nghề mang lại thu nhập ổn định cho người dân hiện nay. Ảnh: H.T

Qua 3 tháng tham gia khóa đào tạo nghề may công nghiệp do Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Quảng Trị phối hợp với Công ty cổ phần phát triển may mặc Miền Trung tổ chức trên địa bàn huyện Vĩnh Linh, chị Nguyễn Thị Kim Oanh, xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh đã tốt nghiệp và được tuyển dụng vào làm việc tại Công ty cổ phần phát triển may mặc Miền Trung với mức lương trên 4 triệu đồng/tháng. Chị Oanh chia sẻ: “Trước đây tôi không có việc làm ổn định. Khi biết Công ty cổ phần phát triển may mặc Miền Trung tuyển công nhân và tổ chức lớp đào tạo nghề, tôi đã tìm hiểu và đăng ký để tham gia học nghề. Sau khi hoàn thành khóa học và được nhận vào làm việc chính thức tại công ty, tôi rất vui mừng vì mình đã có việc làm và có thu nhập để trang trải cuộc sống gia đình”.

Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần phát triển may mặc Miền Trung Tạ Thị Cẩm Vân cho biết, năm 2019, được sự hỗ trợ, tạo điều kiện của Sở LĐ - TB & XH, công ty đã tổ chức đào tạo và tuyển dụng hơn 200 công nhân vào làm việc. Sắp tới, doanh nghiệp sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, xây dựng thêm nhà xưởng và sẽ có nhu cầu tuyển thêm khoảng 1.000 lao động. Do đó, việc công ty phối hợp với Sở LĐ-TB & XH để tiếp tục đào tạo nguồn lao động có chất lượng là việc làm ý nghĩa, góp phần giải quyết việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.

Được biết, với việc xây dựng, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề phi nông nghiệp có hiệu quả như mô hình nghề may công nghiệp theo phương thức gắn đào tạo nghề với bố trí việc làm tại các công ty may trên địa bàn tỉnh, đến nay đã có gần 1.300 lao động được đào tạo và giải quyết việc làm, với thu nhập ổn định từ 4 - 5 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, còn có một số mô hình kinh tế hình thành sau khi được dạy nghề đã đạt được những thành công bước đầu như mô hình nghề Kỹ thuật chế biến món ăn ở các huyện Hải Lăng, Vĩnh Linh, học viên sau đào tạo đã thành lập Tổ dịch vụ chuyên nấu ăn phục vụ đám cưới, hội nghị với thu nhập hằng tháng từ 3 triệu đồng trở lên; mô hình học nghề Kỹ thuật xây dựng ở xã Vĩnh Giang huyện Vĩnh Linh, Mộc dân dụng ở xã Cam Hiếu huyện Cam Lộ gắn với giải quyết việc làm hiệu quả và thu nhập ổn định cho người lao động; mô hình Kỹ thuật làm hương tại Hội người mù huyện Vĩnh Linh tạo việc làm cho nhiều hội viên khuyết tật giúp người lao động có thêm thu nhập, đồng thời là nguồn động viên khích lệ người khuyết tật vươn lên trong cuộc sống. Bên cạnh đó, các mô hình nghề nông nghiệp mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người lao động như: Trồng ném; nuôi cá lồng bè; kỹ thuật nuôi gà thả vườn...

Một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của chương trình đào tạo nghề nói chung và đào tạo nghề cho lao động nông thôn nói riêng, đó là việc các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có sự đổi mới, nâng cao chất lượng giảng dạy. Với giáo trình dạy nghề đa dạng, đi kèm với phương thức tuyển sinh linh động, về tận cơ sở nên người lao động không chỉ tiếp cận đầy đủ các thông tin về ngành nghề đào tạo mà còn nắm chắc nhu cầu thị trường lao động để từ đó lựa chọn, đăng ký và tham gia các khóa đào tạo nghề. Mục tiêu đề ra là bình quân mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 9.500 lao động; đến năm 2020, tỉ lệ lao động qua đào tạo đạt 65-70%.

Chỉ tính riêng trong năm 2019, toàn tỉnh đã mở trên 190 lớp đào tạo nghề trình độ sơ cấp và thường xuyên (dưới 3 tháng) cho khoảng 5.233 lao động nông thôn với kinh phí thực hiện gần 8.500 triệu đồng. Sau đào tạo nghề, đã có trên 4.500 lao động nông thôn được các doanh nghiệp tuyển dụng hoặc bao tiêu sản phẩm làm ra; số lao động còn lại tự thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác, doanh nghiệp hoặc tự tạo việc làm để ổn định cuộc sống. Công tác tuyên truyền, tư vấn dạy nghề và việc làm cho lao động nông thôn tiếp tục được các cấp, các ngành quan tâm chú trọng và triển khai đồng bộ nên đã tạo sự chuyển biến tích cực, từng bước nâng cao nhận thức cho người dân, giúp người dân hiểu được lợi ích của việc học nghề. Đặc biệt là tạo điều kiện cho lao động vùng sâu, vùng xa từng bước tiếp cận chính sách về đào tạo nghề để tham gia học nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập.

Mặc dù vẫn còn gặp không ít khó khăn nhưng có thể thấy, Đề án 1956 của Thủ tướng Chính phủ về “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” không chỉ tạo nền tảng để tỉnh Quảng Trị nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từng bước hình thành đội ngũ lao động có tay nghề cao, có cơ cấu ngành nghề hợp lý, đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động mà còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động bảo đảm sự hài hòa giữa nhu cầu của người lao động với yêu cầu ngày càng cao của thị trường lao động.

Hà Trang

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=146455