Hiệu quả từ hệ thống đê bao chống lũ ở Hải Lăng

Hải Lăng là huyện vùng trũng, thường xuyên bị ngập nước lâu ngày vào mùa mưa lũ. Đặc biệt, nơi đây là vùng hạ du của các con sông Ô Giang, Ô Lâu, Thác Ma, sông Nhùng... nên thường xảy ra hiện tượng lũ ống, lũ quét ở vùng gò đồi và ngập lụt cục bộ ở vùng đồng bằng. Với đặc điểm đó đã làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất nông nghiệp và sinh sống của người dân. Tuy nhiên, từ năm 2008 đến nay, khi hệ thống đê bao chống lũ vùng trũng được hoàn thành đưa vào sử dụng, sản xuất nông nghiệp ở huyện Hải Lăng luôn được mùa, cuộc sống của người dân ở vùng có tuyến đê bao đi qua luôn ổn định và phát triển hơn trước.

 Tuyến đê bao chống lũ đoạn đi qua xã Hải Thành, huyện Hải Lăng

Tuyến đê bao chống lũ đoạn đi qua xã Hải Thành, huyện Hải Lăng

Với tổng chiều dài gần 4 km, được xây dựng kiên cố bằng bê tông, bề rộng mặt đê gần 4 m, từ khi được đưa vào sử dụng năm 2008 đến nay tuyến đê bao chống lũ này đã đem lại hiệu quả thiết thực trong việc chống lũ, bảo vệ sản xuất nông nghiệp cho hơn 133 ha lúa hai vụ của HTX Phước Điền, xã Hải Thành. Đây cũng là tuyến giao thông đi qua khu vực dân cư của hơn 126 hộ dân của HTX.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc HTX Phước Điền Nguyễn Quyền cho biết, trước đây khi chưa có hệ thống đê bao bằng bê tông chắc chắn này thì mỗi khi mưa lũ về, nước từ các con sông tràn vào đồng ruộng gây ngập úng, ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của nông dân. Nhưng hơn 10 năm nay, khi có tuyến đê bao này thì cuộc sống và sản xuất nông nghiệp của người dân rất thuận lợi. “Tuyến đê này không chỉ đảm bảo cho đồng ruộng của HTX không bị ảnh hưởng do lũ tiểu mãn và lũ sớm cuối vụ hè thu mà còn là tuyến giao thông quan trọng cho người dân trên địa bàn HTX khi vào mùa mưa lũ”, ông Quyền cho hay.

Xã Hải Thành là một trong 12 xã vùng trũng của huyện Hải Lăng được hưởng lợi từ hệ thống đê bao chống lũ với 11 km đê bê tông đi qua địa bàn xã đã góp phần bảo vệ cho 340 ha sản xuất lúa hai vụ. Ngoài ra, còn có 4 trạm bơm và 3 nhà tránh lũ đảm bảo an toàn cho người dân trong mùa mưa lũ. Chủ tịch UBND xã Hải Thành Hoàng Xuân Hùng cho biết, từ khi tuyến đê bao đưa vào sử dụng, người dân không còn phải lo lắng trước những trận lũ bất ngờ từ thượng nguồn đổ về tràn vào đồng ruộng, gây ngập úng các khu dân cư. Hơn 10 năm qua, người dân có cuộc sống an toàn, đảm bảo gieo trồng đúng thời vụ, mạnh dạn đầu tư thâm canh, áp dụng các tiến bộ kĩ thuật vào sản xuất nên những năm qua sản xuất lúa của xã liên tục được mùa, năng suất bình quân đạt từ 6 - 7 tấn/ha/vụ.

Vùng trũng của huyện Hải Lăng gồm 12 xã với diện tích sản xuất lúa gần 5.300 ha, chiếm khoảng 80% diện tích sản xuất lúa toàn huyện. Tuy nhiên do nằm chủ yếu ở hạ lưu các con sông nên mặc dù ruộng đồng phì nhiêu nhưng lại thấp hơn mực nước biển từ 0,5 - 1 m. Do đó, hằng năm, ngoài lũ chính vụ thường xuyên xuất hiện vào tháng 9, tháng 10, thì lũ tiểu mãn, lũ sớm đầu vụ cũng thường xuyên đe dọa đến sản xuất của nông dân. Trước thực tế đó, năm 2008, được sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á, tỉnh Quảng Trị đã triển khai dự án chống lũ cho vùng trũng Hải Lăng với việc nâng cấp xây dựng tuyến đê bao bằng bê tông dài hơn 56 km, sửa chữa và xây mới 152 cầu, cống các loại và 2 trạm bơm tiêu thoát lũ đảm bảo chống được lũ tiểu mãn, lũ sớm và lũ đầu vụ đông xuân, đảm bảo an toàn trong lũ chính vụ. Với bề mặt đê rộng trung bình từ 4 - 5m đảm bảo giao thông đi lại thuận lợi cho nông dân trong sản xuất nông nghiệp. Mái và đỉnh đê được thiết kế đảm bảo ổn định khi lũ chính vụ tràn qua. Bên cạnh đó, dự án còn xây dựng 18 nhà tránh lũ kết hợp sinh hoạt cộng đồng; về mùa mưa lũ đây là nơi tránh lũ cho người dân ở vùng thấp, về mùa khô đây là nơi sinh hoạt cộng đồng hoặc nhà mẫu giáo, trường học…

Nói về tác động tích cực của hệ thống đê bao chống lũ, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Lăng Nguyễn Giáp, dự án đê bao chống lũ và khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai cho các xã vùng trũng của huyện được xây dựng bên cạnh tác dụng giúp chống lũ, hạn chế việc ngập úng khi sản xuất và thuận tiện trong việc đi lại, vận chuyển nông sản cho người dân khi thu hoạch mùa màng còn được đi kèm với các nội dung đào tạo nâng cao nhận thức kĩ năng phòng chống thiên tai cho cộng đồng, trang bị phương tiện cứu hộ cứu nạn, thông tin liên lạc và xây dựng, nâng cấp hệ thống đường giao thông liên thôn, liên xã ở những địa phương thấp trũng. Trong đó, tuyến đê bao cùng với hệ thống các trạm bơm vừa có nhiệm vụ lớn nhất là ngăn mặn, ngăn lũ sớm, lũ tiểu mãn đảm bảo an toàn ngăn úng, đồng thời chủ động tiêu úng đầu vụ đông xuân, giúp nông dân chủ động trong sản xuất; vừa tạo thành hệ thống giao thông nông thôn giúp cho việc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương...

“Từ khi hệ thống đê bao chống lũ được đưa vào sử dụng, bên cạnh việc góp phần chủ động trong công tác phòng, chống lụt bão hằng năm, hạn chế thiệt hại về người và tài sản còn góp phần quan trọng nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, ổn định cuộc sống cho nhân dân vùng các xã vùng trũng của huyện. Hỗ trợ các địa phương trong việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới bằng những tuyến đường giao thông bê tông liên thôn liên xã, những ngôi nhà khang trang được xây dựng. Đó là ý nghĩa to lớn mà dự án đê bao chống lũ và khắc phục khẩn cấp hậu quả thiên tai đã đem lại cho người dân vùng trũng Hải Lăng”, ông Giáp khẳng định.

Lê An

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=142761